Tại Hội nghị hướng dẫn triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách BHYT, do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức vào hai ngày 4-5 ở Hà Nội, BS. Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, theo chính sách BHYT mới, có hiệu lực thi hành từ 1/10/2009, các đối tượng sẽ tham gia BHYT với mức đóng là 4,5% lương tối thiểu và giảm mức đóng từ 10%- 40% đối với hộ gia đình tham gia.
* Trong tháng 9, sẽ có 20 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh.
* Người vi phạm Luật Giao thông không được thanh toán BHYT khi KCB.
Chính sách BHYT mới có hiệu lực từ 1/10/2009
* Người vi phạm Luật Giao thông không được thanh toán BHYT khi KCB.
Chính sách BHYT mới có hiệu lực từ 1/10/2009
Với học sinh, sinh viên, mức đóng BHYT là 3% lương tối thiểu. Ngân sách Nhà nước bảo đảm cho một số đối tượng người nghèo, người có công, người cao tuổi... Nguời tham gia BHYT sẽ được chi trả 100% chi phí KCB đối với các đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, người có công; lực lượng công an nhân dân; KCB tại tuyến xã với điều kiện là chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương tối thiểu; Các đối tượng hưu trí, trợ cấp mất sức, dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, người nghèo sẽ được chi trả 95% chi phí KCB; Với các đối tượng khác mức chi trả tới 80% chi phí KCB. Cũng theo chính sách BHYT mới, đối với những trường hợp KCB trái tuyến, sẽ có 3 mức thanh toán: 70% chi phí đối với trường hợp KCB tại cơ sở KCB hạng III; 50% chi phí đối với trường hợp KCB tại cơ sở KCB hạng II; 30% chi phí đối với trường hợp KCB tại cơ sở KCB hạng I, hạng đặc biệt. Mức thanh toán những trường hợp trên đều không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao và chi phí lớn. Cũng theo chính sách BHYT mới này, trước đây các trường hợp tai nạn giao thông (TNGT) vẫn được bảo hiểm thanh toán toàn bộ nhưng từ 1/10/2009 trở đi, Quỹ BHYT chỉ thanh toán cho các trường hợp TNGT nhưng không vi phạm luật giao thông. Trường hợp chưa xác định được bệnh nhân có vi phạm pháp luật giao thông hay không, trước hết người bị TNGT tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở KCB. Khi có xác nhận không vi phạm luật giao thông của cơ quan có thẩm quyền, người bệnh mang chứng từ đến BHXH để thanh toán theo quy định. Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Tống Thị Song Hương cũng lưu ý, nếu một người bị TNGT khi đang đi công tác, tai nạn lao động thì chi phí điều trị tai nạn đó do BHXH chịu trách nhiệm.
"Cùng chi trả khi KCB bằng BHYT như là một sự chia sẻ..." Vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm trong hai ngày diễn ra hội nghị triển khai hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách BHYT mới là việc thực hiện cùng chi trả trong KCB bằng BHYT. Bởi theo quy định mới của chính sách BHYT, người bệnh sẽ không còn được thanh toán 100% chi phí như hiện nay mà phải cùng chi trả một phần khi đi KCB. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng sẽ chỉ cùng chi trả 5%, 20% và một số nhóm không cùng chi trả. Với nhóm trẻ dưới 6 tuổi, thay vì thanh toán thực thanh thực chi như trước đây sẽ được cấp thẻ BHYT.
Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, BHYT đã thu hút được gần 50% dân số và còn tăng trong thời gian tới. Người dân cũng đã thấy được lợi ích của BHYT, thống kê cho thấy chi phí KCB và sử dụng dịch vụ y tế bình quân của người bệnh BHYT đã cao hơn người bệnh không dùng thẻ BHYT. Do đó có thể khẳng định, khi thực hiện những quy định mới về BHYT sẽ vẫn thu hút được nhiều người dân tham gia.
Theo quy định của chính sách BHYT mới, sẽ có nhiều mức chi trả khác nhau theo các tuyến, các hạng BV và các đối tượng khác nhau, do đó đại diện một số BV lo ngại quy định cùng chi trả sẽ làm gia tăng tình trạng quá tải. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, để giảm phiền hà cho người bệnh và triển khai thành công chính sách cùng chi trả, các BV phải tập trung vào các hoạt động, tuyên truyền phổ biến cho cán bộ nhân viên trong BV, tổ chức lại các khoa phòng nhất là phòng khám sao cho khoa học, hợp lý và thuận tiện. Đồng thời cũng phải bố trí cho cán bộ làm công tác BHYT nắm vững những quy định mới của chính sách BHYT để thực hiện các vấn đề cùng chi trả cho nguời bệnh ngay tại khu khám bệnh sao cho thuận lợi, tránh những phàn nàn của người bệnh. Mặt khác các BV cũng cần nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý bệnh nhân nói chung và đặc biệt là quản lý BHYT để tạo thuận tiện cho việc KCB tại BV. Chia sẻ vấn đề này, Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế Tống Thị Song Hương cho rằng, khi soạn thảo luật, ban soạn thảo cũng rất băn khoăn khi quyết định có cùng chi trả hay không. Bởi lẽ BHYT vốn dĩ đã là một hình thức chi trả trước rồi. Ban soạn thảo cũng không muốn khi thực hiện lại cùng chi trả để lại phải tổ chức thêm nhân lực, thêm bộ phận thực hiện để rồi cũng phiền hà cho người bệnh. Tuy nhiên theo quan điểm của Quốc hội, chúng ta vẫn thực hiện cùng chi trả để gắn trách nhiệm của người bệnh với kiểm soát chi phí KCB; để người bệnh cân nhắc xem có cần thiết thực hiện dịch vụ hay không; đồng thời cũng là một sự chia sẻ khó khăn của quỹ BHYT khi mà mức đóng BHYT còn thấp... Vụ trưởng Vụ BHYT cũng cho hay, trong quá trình thực hiện chính sách BHYT mới này, các cơ quan liên quan sẽ theo dõi, xem xét việc thực hiện và tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chính sách cho phù hợp. Chính vì thế, chiều ngày 4/9, Bộ Y tế đã quyết định thành lập thêm 8 đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách BHYT tại các cơ sở KCB, nâng tổng số thành 20 đoàn.
Theo nguồn: suckhoedoisong.vn