Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Chuốc họa vào thân vì dùng thuốc tự chế

Mặc dù, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc do người dân tự ý sử dụng các loại cây, con để bồi bổ sức khỏe theo quan niệm dân gian; nhưng một số người vẫn “săn lùng” thuốc bổ tự chế về sử dụng tùy tiện, khiến tiền mất tật mang.

Sẽ là thuốc độc nếu mua sai, dùng sai

Không ít người quan niệm rằng: Sắc, ngâm cây, con gì đó để ăn, uống, không bổ chỗ này thì bổ chỗ khác, không gây hại, không tác dụng phụ.

Tại chợ Tân Thanh (Lạng Sơn), chúng tôi thấy khá nhiều quầy bày bán các loại cây cỏ được những người hầu như không có chuyên môn về dược liệu quảng cáo như thần dược, có tác dụng chữa bách bệnh. Có loại được phơi khô đóng túi nilon, có loại đang ngâm rượu, có loại tươi đổ đống dưới đất và đều được dán giấy hoặc treo biển ghi tên gọi, công dụng nhưng chẳng thấy các thông tin về nguồn gốc. Khi được hỏi, họ cho biết các loại này chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc. Theo thống kê của cơ quan chức năng, nhiều loại dược liệu nhập lậu khi kiểm định có thuốc trừ sâu, lưu huỳnh, thạch tín vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, có thể để vài năm không bị hư hỏng. Không ít loại quý bị làm giả hoặc bị chiết tách hết tinh chất.

Nấm tán da báo gây co giật

Theo thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trung bình mỗi năm, tại đây tiếp nhận cấp cứu khoảng 30 ca ngộ độc do uống rượu ngâm hoặc sắc các loại cây, con để uống. Chị Nguyễn Thị Thu Hương (22 tuổi, quê ở Lâm Thao, Phú Thọ) là bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm, chia sẻ: "Biết tôi có ý định sinh em bé, một người quen mách mua loại cây thuốc, tôi không biết tên, nhưng nghe nói rất tốt. Sắc uống chẳng thấy tốt ở đâu, chỉ thấy khắp người ngứa ngáy, mắt hoa, da nổi đỏ, đi không vững, may mà xuống đây kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng".Ngay tại Hà Nội, không ít người ra sức săn lùng cây, con được đồn thổi là thần dược về ngâm rượu để bồi bổ mà bản thân không hiểu rõ tác dụng của cây, con mà mình sẽ dùng. Mới đây trên đường Phan Đình Phùng, Hà Nội, chúng tôi chứng kiến người đàn ông bán dạo bọ cạp đang thương lượng với một vị khách nam hỏi mua. Người bán dạo cho biết, bọ cạp 30.000 đồng/con, đều được bắt từ thiên nhiên. "Cứ mua về ngâm rượu 1 đến 2 năm, bảo đảm cải thiện sức khỏe sinh lý…", người bán mời chào. Còn vị khách cười: “Tôi cũng nghe nói bọ cạp mà thêm ít thuốc bắc ngâm rượu thì tốt, nên mua".

Trước đó, một bệnh nhân nam (quê ở Thanh Liêm, Hà Nam) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều, tiêu chảy nặng. Nguyên nhân là do anh này nghe đồn mật cá trắm bồi bổ sức khỏe nên đã ngâm rượu uống. Thế rồi anh bị ngộ độc, đưa vào trung tâm cấp cứu đã trong tình trạng suy nặng, phải chạy thận nhân tạo. Ngoài ra gan và đường tiêu hóa cũng bị tổn thương.

Đôi điều khuyến cáo

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: "Các cây thuốc đang bày bán trôi nổi trên thị trường có tồn dư chất bảo quản như lưu huỳnh. Nếu lượng lưu huỳnh cao xâm nhập vào cơ thể sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư; người dị ứng lưu huỳnh, nhẹ có thể hoa mắt, chóng mặt, nặng thì nôn mửa, co giật, hôn mê. Còn việc ngâm côn trùng, bò sát với rượu cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao vì nhiều loại chứa độc tính cao. Rượu ngâm, kể cả khi đã ngâm đúng thì không phải ai cũng sử dụng được và uống bao nhiêu cũng được, nhất là những người bị bệnh gan sẽ không đào thải được rượu, tích tụ trong cơ thể dẫn đến xơ gan hoặc bệnh càng nặng hơn. Nghiêm trọng hơn, một người đang mang căn bệnh nào đó, với tâm lý mau chóng khỏi bệnh, tự ý dùng các loại cây, con được đồn thổi khỏi bệnh sẽ rất nguy hiểm, thậm chí còn tử vong. Nhiều độc tố không có biểu hiện ngay, khi ngấm vào cơ thể sẽ trở thành “kẻ giết người thầm lặng”.

Nấm mực gây trụy tim mạch, chóng mặt, động kinh, buồn nôn, khó thở, đau ngực.

Còn lương y Nguyễn Văn Đạt (Hội Đông y Hà Nội) cho biết: “Các cây, con mà có tác dụng bồi bổ hay chữa bệnh luôn bao gồm nhiều yếu tố khác, gồm cả phần bổ và phần độc tố chứ không đơn thuần là bổ. Vì vậy, ngâm, sắc uống thế nào, khử độc ra sao để không ảnh hưởng đến chất lượng thuốc và sức khỏe của người uống thì không phải ai cũng biết, chưa kể có những loại kỵ nhau, nếu ngâm, sắc chung sẽ sinh ra độc tố. Mặt khác, những loại được kiểm định có lợi, được ngâm đúng cách nhưng uống quá liều lượng, không phù hợp với cơ địa, thể trạng cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Do vậy, mọi người không nên tự ý dùng cây, con theo kiểu nghe nói, nghe đồn, tiện đâu mua đó để dùng. Nếu muốn bồi bổ theo phương pháp y học cổ truyền, hãy đến cơ sở đông y của các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở hành nghề tư nhân được cấp phép để được chỉ dẫn chuyên môn”

Kim Dung/QĐND

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image