Trong ca phẫu thuật, bác sĩ gây mê đứng sau bức màn xanh so với phẫu thuật viên chính, chịu trách nhiệm đầu tiên về an toàn và khả năng sống của người bệnh.
Khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thành lập ngày 15/12/2000, hiện có khoảng 22 bác sĩ và hơn 100 nhân viên. Mỗi ngày, các bác sĩ tham gia thực hiện 80-100 ca phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp, cả mổ phiên hàng ngày đến mổ cấp cứu cho tất cả chuyên khoa như ngoại tổng hợp, sản, tim mạch, tai mũi họng, răng hàm mặt, phẫu thuật nội soi, ghép tạng...
Mỗi kíp gây mê gồm một bác sĩ gây mê và một điều dưỡng phụ mê, một chạy ngoài, một típ dụng cụ phục vụ ca mổ. Sau giai đoạn khởi mê, bệnh nhân được gây mê an toàn, kíp gây mê lùi lại và đứng phía sau tấm màn xanh. Khi đó, bác sĩ gây mê vừa hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật vừa chịu trách nhiệm về chuyên môn như kỹ thuật, thủ thuật gây mê và chức năng sống của người bệnh. Xong ca mổ, bác sĩ phẫu thuật rời đi, riêng bác sĩ gây mê tiếp nhận lại người bệnh và hồi sức cho họ.
Thông thường, trong mỗi cuộc phẫu thuật, kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị cho ca mổ như phòng mổ, thiết bị và tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân... sau đó mới đến phiên của bác sĩ phẫu thuật. “ Bởi vậy, chúng tôi gọi đây là công việc thầm lặng, luôn đi trước về sau”, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Văn Hào, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, cho biết.
Bác sĩ gây mê phải luôn đảm bảo vô khuẩn rồi mới vào phòng phẫu thuật. Trước khi vào phòng, bác sĩ rửa tay sát khuẩn, phụ mê chuẩn bị trang phục, đeo găng vô khuẩn. Thời gian chuẩn bị trong vòng 10 phút.
Sau khi hoàn tất công đoạn khởi mê cho bệnh nhân nữ 58 tuổi mổ ung thư dạ dày hôm 10/8, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn lùi lại phía sau tấm màn xanh vừa tập trung ca mổ, vừa lắng nghe ý kiến bác sĩ để thực hiện y lệnh. Bác sĩ theo dõi nhịp tim, huyết áp, bão hòa oxy, nhịp thở… liên tục đồng thời điều chỉnh máy móc và phương tiện hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho người bệnh trong suốt ca phẫu thuật.
Trước đó, bác sĩ gây mê phải gặp bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để khám và đánh giá tình trạng bệnh, bởi dù chỉ là cuộc mổ nhỏ cũng là thách thức với bác sĩ gây mê, nhất là bệnh nhân có bệnh kèm theo như tiểu đường, cao huyết áp, tiền sử tai biến.
Trong gây mê, có ba loại thuốc chính là thuốc gây mê, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ đảm bảo các cơ được giãn hoàn toàn, không đau và hạn chế đau sau mổ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thao tác của phẫu thuật viên.
Ngoài ra, khoa gây mê hồi sức còn sử dụng các loại máy móc kỹ thuật cao như dụng cụ kiểm soát đường thở (ống nội khí quản), máy gây mê, máy thở, máy theo dõi các chức năng sống, các dụng cụ gây tê tủy sống, ngoài màng cứng, gây tê... Nhờ đó, gây mê hồi sức ngày nay đảm bảo an toàn cho bệnh nhân suốt ca phẫu thuật, từ những can thiệp nhỏ như nhổ răng, nội soi tiêu hóa... đến những cuộc đại phẫu thuật phức tạp và thời gian phẫu thuật kéo dài.
Đặt nội khí quản là thủ thuật không thể trì hoãn và liên quan đến sự sống còn của bệnh nhân. Đặt nội khí quản nhằm duy trì sự thông thoáng của đường thở, cung cấp oxy để duy trì sự thở, tạo thuận lợi cho ca phẫu thuật. Trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu, thủ thuật cần thực hiện nhanh chóng và kịp thời, không được để xảy ra tai biến do chậm khai thông đường hô hấp cho bệnh nhân.
Nhiều kỹ thuật gây mê hồi sức khác thường áp dụng như đặt ven ngoại vi, đặt catheter tĩnh mạch trung ương để hồi sức, truyền dịch, theo dõi dịch truyền cho người bệnh trong những ca phẫu thuật phức tạp như ghép tạng.
Điều dưỡng phụ mê là người chịu trách nhiệm toàn bộ về phương tiện, dụng cụ, thuốc men và đường truyền, máy theo dõi để phụ giúp cho bác sĩ gây mê. Họ vừa hỗ trợ chăm sóc, theo dõi và xử trí cho người bệnh trước, trong và sau mổ vừa quan sát để ghi chép lại toàn bộ quy trình ca mổ. Do đó, để trở thành điều dưỡng viên gây mê hồi sức cần có kiến thức chuyên môn, kỹ năng tay nghề và đặc biệt là sự cẩn trọng trong quá trình hành nghề để hạn chế những tai biến nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân chuyển sang phòng hồi tỉnh để chăm sóc hậu phẫu. "Đây là giai đoạn hồi sức phức tạp và quan trọng cần bác sĩ gây mê tập trung", bác sĩ Nguyễn Hồng Thủy (ngoài cùng bên trái) nói. Hồi sức nhằm tiếp tục theo dõi sức khỏe người bệnh, đưa các chức năng sống của bệnh nhân trở về bình thường, thoát khỏi sự thay thế và hỗ trợ của máy móc. Do đó, gây mê và hồi sức luôn đi cùng nhau, không thể tách rời, đặc biệt trong các phẫu thuật lớn hoặc bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân nặng hay có nhiều bệnh phối hợp.
Hồi sức sau phẫu thuật còn giảm tỷ lệ đau sau mổ vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý cũng như sự phục hồi của người bệnh. Đau có thể gây ra stress, rối loạn cơ thể hoặc làm chậm quá trình phục hồi sau phẫu thuật, thậm chí làm tăng nguy cơ trở thành đau mạn tính mà bệnh nhân sẽ phải chịu suốt đời, dù vết mổ đã lành.
Theo bác sĩ Minh, khó nhất của bác sĩ gây mê là không chủ động được khi cấp cứu, bởi bệnh nhân thông thường phải được đánh giá sơ qua lâm sàng từ phòng bệnh, khởi mê, đạt an toàn mới gây mê. Còn trong cấp cứu, bác sĩ nhanh nhẹn và nhanh trí để giải quyết mọi công việc, đảm bảo cứu sống bệnh nhân trong thời gian vàng.
Khi công việc đã “vãn”, bác sĩ tranh thủ nghỉ ngơi trong căn phòng nhỏ khoảng 15 m2, hầu như không có giờ nghỉ cố định. Người chợp mắt trên chiếc ghế chênh vênh trong phòng phẫu thuật, người tháo khẩu trang để hít thở sau hàng giờ trong phòng mổ, người tranh thủ lót dạ khi đã quá bữa. "Suốt ngày quần quật nên thời gian trôi qua nhanh hơn bóng câu qua cửa sổ. Nhiều lúc ngửa mặt lên không biết đang là đêm hay ngày", bác sĩ Thủy nói.
Nguồn: https://vnexpress.net