Khóc bạn
Thúy ơi
Thúy ơi em
Xin đừng vội thế
Tỉnh lại đi em, tỉnh dậy đi nào
Tất cả bên em đau đớn nghẹn ngào
Em ngã xuống khi bình minh vừa rạng
Giặc Mỹ thua rồi bom đạn đã ngừng rơi
Giờ giao ban chỉ một lát nữa thôi
Thầy và bạn, tất cả đều đang đợi
Em đi rồi, ai báo cáo hôm nay
Tỉnh lại đi em, tỉnh lại đi nào
Đất nước ta thắm đỏ sắc hoa đào
Và rực rỡ bóng cờ bay chiến thắng
Có công em người bác sĩ dịu dàng
Đã hy sinh cho Tổ Quốc vẹn toàn
Cho đất nước muôn năm bền vững
Bóng em về rạng rỡ sáng xuân nay!
Vần thơ gọi bạn của một cựu sinh viên y khoa làm nhói buốt con tim những người đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”. Hôm nay, 22/12/2022, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, nhóm cựu sinh viên lớp A, Đại học Y Hà Nội, niên khóa 1967-1973 đã đến tượng đài tưởng niệm ở Bệnh viện Bạch Mai để khóc và nhớ bạn Đinh Thị Thúy - cô sinh viên năm 6 Đại học Y Hà Nội - đã nằm xuống trong trận rải thảm bom B52 xuống Bệnh viện Bạch Mai của 50 năm về trước.
Đây là bức ảnh truy điệu liệt sĩ Đinh Thị Thúy tại nghĩa trang Văn Điển ngày 23/12/1972
Bằng con mắt y khoa, các cô chú chia sẻ: Ngày đó, mọi người mất phần nhiều là do “Hội chứng vùi lấp”. Ban đầu, chúng tôi vẫn gọi được nhau, vẫn nói chuyện được với nhau, vẫn tuồn được chút nước và đồ ăn vào để tiếp tế cho những người bị kẹt ở trong hầm. Sau hơn một ngày, nhờ máy ủi, máy xúc, chúng tôi cứu được Thúy ra, nhưng dù được Giáo sư Vũ Văn Đính trực tiếp hồi sức, Thúy vẫn ra đi. “Hồi đó, GS. Đính là chủ nhiệm khoa, là thầy của chúng tôi. Lúc hồi sức để cứu, Thúy còn ngượng với thầy. Ngày đó Thúy mới 22-23 tuổi, chưa lập gia đình, chưa người yêu mà!”.
Bệnh viện Bạch Mai hồi năm 1972 có 2 tầng. Tầng trên mặt đất và một tầng hầm dưới lòng đất. Tầng trên mặt đất như thế nào thì dưới lòng đất y như vậy, cũng có phòng mổ, phòng hồi sức… các phòng đều đi thông với nhau y như trên mặt đất. Mới đầu, chúng tôi không thể nào tiếp cận được xuống lòng đất do bom làm sập lối xuống hầm. Sau đó, may nhờ tìm được một người là kiến trúc sư đã tham gia thiết kế bệnh viện từ thời Pháp nên chúng tôi biết được sơ đồ các lối xuống, các phòng thông nhau để tiếp cận từ các lối khác xuống hầm cứu người…
Câu chuyện ký ức 50 năm về trước của những cựu sinh viên Y6 Đại học Y Hà Nội hiển hiện như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Khóa Y niên khóa 1967-1973 năm đó có 101 sinh viên và đến hôm nay, ngày 22/12/2022, sau 50 năm ngày ném bom định mệnh đó, nhóm những người bạn vẫn họp nhau về trước Đài tưởng niệm Bệnh viện Bạch Mai để thắp hương khóc bạn. Chiến tranh đã qua đi, mọi đau thương rồi cũng lùi vào ký ức, chỉ mỗi tình người còn đọng lại mãi với thời gian./
---------------------------------------------------------------
Gia đình liệt sĩ Đinh Thị Thúy có 2 anh em. Người anh khi sinh ra bị điếc bẩm sinh nên Thúy thiết tha đi học ngành y để sau này chữa bệnh cho anh trai. Vậy nhưng ước nguyện chưa tròn thì cô nữ sinh viên năm cuối Đại học Y Hà Nội đã hi sinh trong trận bom B52 rải thảm xuống Bệnh viện Bạch Mai năm 1972 khi mới 23 tuổi đời.
Bài và ảnh: Tiểu Vũ