Theo Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO), có trên 600 triệu người trên thế giới bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn
tính (COPD), hơn 3 triệu người chết mỗi năm. COPD là nguyên nhân gây tử vong
cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu
não. Một số thống kê cho thấy chi phí điều trị cho COPD cao hơn hẳn chi phí
điều trị hen, lao, viêm phổi... Hơn cả những tác hại kể trên, COPD ảnh hưởng
nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân, hạn chế khả năng thực hiện các
hoạt động thường ngày.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở những người từ 40 tuổi trở lên là 4,2%, trong đó
tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 7,1% và nữ giới là 1,9%. Như vậy, cứ 100 người có
tuổi từ 40 trở lên sẽ có hơn 4 người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh phổi
tắc nghẽn mạn tính được đặc trưng bởi tiến triển nặng dần theo thời gian. Cho
tới nay, mặc dù tốn rất nhiều công sức, tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho
thấy có bất cứ thuốc hoặc biện pháp can thiệp nào giúp làm đảo ngược được diễn
biến nặng dần theo thời gian của bệnh.
Diễn biến tự nhiên của bệnh phổi tắc nghẽn
mạn tính thường bao gồm:
Diễn biến tự nhiên do
tình trạng viêm mạn tính niêm mạc đường thở từ đó gây các hậu quả: phù nề niêm
mạc, tăng tiết nhầy, co thắt cơ trơn, ở giai đoạn sau, xuất hiện tình trạng tái
cấu trúc đường thở và đứt gãy các sợi liên kết quanh phế nang và tiểu phế quản
tận, từ đó gây rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn. Điều đáng
nói là bệnh nặng lên nghiêm trọng mỗi khi có đợt cấp. Do vậy, mỗi khi đợt
cấp xuất hiện, chức năng hô hấp của bệnh nhân thường xấu đi nhanh, nguy cơ tử
vong tăng cao, sau khi điều trị ổn định đợt cấp, người bệnh cũng thường không
trở lại trạng thái như trước khi có đợt cấp, bệnh nhân có cảm giác mệt hơn, khó
thở nhiều hơn, chất lượng cuộc sống giảm hơn. Do những hậu quả nghiêm trọng như
vậy, việc ngăn ngừa đợt cấp là một trong những mục tiêu hàng đầu trong điều trị
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đo chức năng hô hấp cho người bệnh CODP.
Để ngăn ngừa đợt cấp hiệu quả, người bệnh
cần thực hiện các biện pháp sau:
Tuân thủ chặt chẽ việc dùng thuốc theo đơn
đã kê của thầy thuốc: Việc điều trị đúng theo
mức độ nặng giúp cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân và giúp ngăn ngừa tần suất
các đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Dùng thuốc đúng cách, đủ liều: Vì hầu hết các thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều
là thuốc dạng phun hít, do đó, việc dùng thuốc không đúng cách làm cho thuốc
không vào tới phổi bệnh nhân, như vậy, bệnh không được kiểm soát, trong khi
thuốc vẫn bị mất. Để hạn chế được điều này, bệnh nhân cần được hướng dẫn dùng
thuốc đầy đủ, đúng cách. Mỗi lần đi khám, người bệnh nên mang theo các bình
thuốc dạng phun hít để dùng ngay trước mặt nhân viên y tế. Khi phát hiện các kỹ
thuật dùng thuốc không đúng, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn lại cho người bệnh.
Bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc lá,
thuốc lào: Thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân hàng đầu
gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đây cũng là yếu tố nguy cơ cao của việc xuất
hiện đợt cấp, bên cạnh đó, việc tiếp tục hút thuốc cũng làm chức năng phổi xấu
đi nhanh hơn. Do vậy, tất cả các bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần
ngay lập tức dừng hút thuốc và tránh tiếp xúc khói thuốc.
Tiếp xúc khói, bụi nghề nghiệp cũng được chứng minh là yếu tố nguy cơ quan trọng của xuất hiện
đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn
tính cần tránh môi trường có nhiều bụi, khói, để giảm tần suất các đợt cấp bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm: Hầu hết các đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều xuất hiện
sau khi bệnh nhân bị cúm. Do đó, việc tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm giúp ngăn
ngừa cúm và từ đó tránh cho bệnh nhân mắc các đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn
tính.
Tiêm vắc-xin phòng phế cầu 5 năm một lần: Vi khuẩn thường gặp nhất trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn
tính là Streptococcus pneumoniae (phế cầu), do đó, việc tiêm phòng vắc-xin phế
cầu giúp làm giảm tần suất các đợt cấp của bệnh.
Với việc dùng thuốc đầy đủ, đúng cách, tránh tiếp xúc các yếu tố
nguy cơ như khói, bụi, khói thuốc lá, thuốc lào; tiêm vắc-xin phòng cúm và
phòng phế cầu đầy đủ có thể giúp người bệnh tránh được rất nhiều các đợt cấp
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cuộc đời, từ đó giúp kiểm soát bệnh tốt hơn,
sống lâu hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn.
TS. Nguyễn Thanh Hồi