Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

ĐIẾC ĐỘT NGỘT: NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT

Điếc đột ngột là nghe kém thần kinh giác quan với biểu hiện sức nghe giảm nhanh trong vòng 72 giờ, thường xảy ra ở một bên tai. Đây là bệnh cấp cứu, cần được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điếc đột ngột là gì?

Điếc đột ngột là tình trạng giảm sức nghe ít nhất 30 decibel ở ít nhất 3 tần số liên tiếp xảy ra trong vòng 72h. Điếc đột ngột thường ở một bên tai, là cấp cứu nội khoa cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điếc đột ngột có tỷ lệ khoảng 5-27/100.000 dân mỗi năm, chủ yếu gặp ở người lớn trong khoảng 30 đến 60 tuổi.

Nguyên nhân gây điếc đột ngột

Điếc đột ngột do tổn thương tai trong, thần kinh thính giác hoặc trung tâm thính giác ở não. Tuy nhiên, chỉ 10-15% người bệnh điếc đột ngột phát hiện được nguyên nhân:

-         Viêm: nhiễm trùng (virus, lao, giang mai, …), tự miễn (hội chứng Cogan, xơ cứng rải rác, …).

-         Khối u: u thần kinh thính giác, u thân não, …

-         Mạch máu: nhồi máu, xuất huyết, co thắt mạch, phình tách động mạch.

-         Chấn thương.

-         Nhiễm độc: do thuốc (điều trị ung thư, lao, …), chì.

Triệu chứng của điếc đột ngột

-         Nghe kém: đột nhiên nghe không rõ ở tai, trước đó nghe bình thường, đa số được phát hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Người bệnh thường mô tả gặp khó khăn trong định hướng nguồn âm thanh, khó hiểu lời nói trong môi trường ồn ào.

-         Ù tai: nghe thấy có tiếng kêu trong tai (ví dụ như tiếng côn trùng).

-         Chóng mặt: cảm giác đồ vật xung quanh di chuyển quanh cơ thể, hoặc cơ thể di chuyển so với môi trường, mặc dù không có chuyển động thực sự.

-         Trong một số trường hợp, điếc đột ngột là biểu hiện của tổn thương thần kinh trung ương nặng như tai biến mạch não, khối u ác tính, … và sẽ kèm theo các triệu chứng khác như nhìn đôi, thất ngôn, rối loạn cảm giác xúc giác …

Người bệnh cần làm gì khi phát hiện nghe kém đột ngột?

Ngay khi phát hiện nghe kém đột ngột, người bệnh cần đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, không nên tự điều trị. Khả năng hồi phục sức nghe phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là tuổi, có chóng mặt kèm theo hay không, mức độ nghe kém, hình dạng thính lực đồ, thời gian từ lúc xuất hiện đến khi bắt đầu điều trị.

Điếc đột ngột nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến giảm sức nghe lâu dài, ảnh hưởng đến giao tiếp và chất lượng cuộc sống. Trong một số trường hợp, điếc đột ngột còn là một trong các triệu chứng của tổn thương thần kinh nặng có thể dẫn đến tử vong như nhồi máu/xuất huyết thân não.

Những việc bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ làm đối với người bệnh

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh để biết nghe kém đột ngột ở một hay hai tai, lần đầu tiên hay tái phát nhiều lần, các triệu chứng tai kèm theo như ù tai, chóng mặt, triệu chứng thần kinh như đau đầu, buồn nôn, yếu tay chân, … và tiền sử bị các bệnh nội ngoại khoa như chấn thương sọ não, tăng huyết áp, tiểu đường, …

Tiếp theo, bác sĩ sẽ khám tai để loại trừ các nguyên nhân gây nghe kém đột ngột ở tai ngoài và tai giữa như nút biểu bì, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa ứ dịch, khám tiền đình và thần kinh để phát hiện các tổn thương đi kèm.

Người bệnh sẽ được đo thính lực đơn âm để xác định có nghe kém hay không, loại nghe kém và mức độ nghe kém. Chẩn đoán điếc đột ngột khi kết quả đo thính lực cho thấy nghe kém tiếp nhận, mất từ 30 decibel trở lên ở ít nhất ba tần số liên tiếp. Do đa số trường hợp điếc đột ngột xảy ra ở một bên tai và ít khi người bệnh đã đo thính lực từ trước, vì thế mức độ giảm sức nghe sẽ được so sánh với tai bên đối diện.

28.2.2022 diec dot ngot 1

 

Hình 1. Các hình thái thính lực đồ trong điếc đột ngột.

(Nguồn: EMC Oto-rhino-laryngology, 2020)

Khi đã chẩn đoán điếc đột ngột thì bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh nhập viện điều trị. Tại khoa Tai Mũi Họng, người bệnh sẽ tiếp tục được thực hiện những thăm dò chuyên sâu sau:

-         Đo thính lực lời: đánh giá khả năng nhận biết và hiểu lời nói. Đây là chỉ số rất quan trọng, giúp phân loại mức độ giảm khả năng giao tiếp bằng lời cũng như hồi phục sau điều trị. Bên cạnh đó, hình dạng của thính lực đồ lời giúp bác sĩ định hướng nguyên nhân gây ra điếc đột ngột là ở tai trong hay chặng dẫn truyền từ dây thần kinh thính giác đến não.

-         Đo âm ốc tai (DPOAE): góp phần phân biệt nghe kém tại ốc tai hay sau ốc tai.

-         Ù đồ: xác định loại, tần số và cường độ tiếng ù.

-         Khám tiền đình: phát hiện rối loạn chức năng thăng bằng và chỉ định phương pháp điều trị và tập luyện phục hồi chức năng.

-         Xét nghiệm công thức máu, sinh hoá máu, tốc độ máu lắng, xét nghiệm miễn dịch khi cần (kháng thể tự miễn, kháng thể đặc hiệu).

-         Chụp cộng hưởng từ sọ não: nhằm phát hiện các tổn thương đặc biệt là khối u ở mê nhĩ, ống tai trong, góc cầu tiểu não. Nghiên cứu cho thấy khoảng 2-10% người bệnh điếc đột ngột có khối u góc cầu tiểu não.

28.2.2022 diec dot ngot 2

Hình 2. Hình ảnh khối u góc cầu tiểu não phải trên phim cộng hưởng từ ở bệnh nhân điếc đột ngột.

Điều trị

Corticosteroid (methylprednisolone, dexamethasone, …) là thuốc điều trị chính, chủ yếu theo đường toàn thân như tiêm tĩnh mạch hoặc uống với thời gian trung bình 10-14 ngày.

Trong những năm qua tại Khoa Tai Mũi Họng còn áp dụng phương pháp tiêm corticosteroid trực tiếp vào tai giữa. Thuốc ngấm vào tai trong với nồng độ cao, giúp tăng khả năng hồi phục sức nghe, giảm ù tai và chóng mặt. Tiêm thuốc trực tiếp vào tai giữa không gây tác dụng phụ toàn thân, vì vậy còn được chỉ định khi người bệnh không thể tiêm hoặc uống thuốc (tăng huyết áp, tiểu đường chưa kiểm soát, đục thuỷ tinh thể, loét dạ dày, …), cũng như khi đã kết thúc liệu trình toàn thân nhưng sức nghe chưa cải thiện.

Nhằm tăng cường tuần hoàn tai trong, hỗ trợ hồi phục tế bào giác quan của ốc tai và tiền đình, bác sĩ phối hợp thêm các thuốc như piracetam, betahistine, … Khi cần thiết, liệu pháp oxy cao áp có thể được chỉ định.

Lời khuyên của chuyên gia

Theo PGS.TS. Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng ngay khi đột ngột nghe kém. Chẩn đoán đúng và điều trị càng sớm thì cơ hội hồi phục sức nghe càng cao, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu tiên từ khi xuất hiện nghe kém.

Sau khi kết thúc liệu trình điều trị tại bệnh viện, người bệnh sẽ được theo dõi và khám lại, đo thính lực sau 1 tháng và 6 tháng để đánh giá mức độ hồi phục cũng như nhu cầu trợ thính. Tại Trung tâm thính học Việt Nhật của Khoa Tai Mũi Họng có đầy đủ các thiết bị trợ thính đường khí, đường xương, đáp ứng được yêu cầu phục hồi chức năng nghe đa dạng.

Trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cần tránh tuyệt đối chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, …), chế độ ăn ngủ điều độ, tránh căng thẳng, hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn. Cần mang các thiết bị bảo vệ tai khi phải làm việc trong môi trường có âm thanh cường độ lớn.

Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh nội khoa như xơ vữa mạch máu, tiểu đường, tăng mỡ máu, … là yếu tố nguy cơ dẫn đến điếc đột ngột.

TS. BS. Đào Trung Dũng

Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image