Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

ĐIỀU TRỊ ĐAU CỔ VAI GÁY VỚI ĐÔNG Y AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ

Đau cổ vai gáy là căn bệnh phổ biến ở xã hội hiện đại, làm giới hạn vận động, gây khó chịu trong quá trình học tập, sinh hoạt của mọi người. Có những bài thuốc, bài tập, thủ thuật điều trị bằng Y học cổ truyền không chỉ rất đơn giản mà còn rất an toàn và hiệu quả.

“Điều trị đau vai gáy bằng các phương pháp Y học cổ truyền sẽ tác động trực tiếp vào căn nguyên gốc rễ gây bệnh từ trong cơ thể. Từ đó, giúp điều trị và loại bỏ các triệu chứng của bệnh từ gốc đến ngọn”, ThS.BS Hoàng Duy Luân, khoa Y học cổ truyền, BV Bạch Mai chia sẻ.

Đau cổ vai gáy - bệnh xã hội hiện đại

Xã hội hiện đại, con người làm việc căng thẳng, ngồi nhiều, lâu và thường xuyên cúi đầu làm việc với máy tính, điện thoại là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh đau cổ vai gáy. Ngoài ra, sai tư thế trong sinh hoạt, học tập, làm việc; thoái hoá cột sống, thoái hoá thoát vị đĩa đệm cột sống cổ; chấn thương vùng vai gáy gây tổn thương dây chằng, đốt sống; luyện tập quá sức, tập sai kỹ thuật, khởi động chưa đủ trước khi tập; Cơ thể nhiễm lạnh khiến dây thần kinh bị tổn thương… cũng là những nguyên nhân dẫn đến đau cổ vai gáy.

Các triệu chứng đau cổ vai gáy rất dễ nhận biết, người bệnh cần lưu ý để đánh giá tình trạng của mình. Đau vùng cổ vai gáy, đau tăng lên khi đi lại, ngồi lâu, vận động cột sống cổ… Đau khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là khi trời lạnh. Cơn đau có thể lan xuống bả vai, khiến cánh tay, cẳng tay và ngón tay tê mỏi. Đau kèm với đau vùng chẩm, nửa đầu. Đau khiến người bệnh bị hạn chế khi vận động cổ, không quay được đầu. Trường hợp nặng, chỉ cần cử động, đi lại nhẹ nhàng cũng thấy rất đau và khó chịu. Đồng thời với đau tại chỗ, có thể có chỉ điểm toàn thân liên quan bệnh lý khác: sốt kéo dài, thiếu máu, ho ra máu, cơn co rút tay chân….

Đau cổ vai gáy có hai loại chính. Mạn tính tình trạng đau vai gáy sẽ diễn ra thường xuyên, đau âm ỉ, lâu dài kèm một vài triệu chứng khác như đau lan xuống cánh tay, tê tay. Cấp tính (vẹo cổ cấp), thường xảy ra sau khi người bệnh vận động cổ, nằm ngủ sai tư thế hoặc ngồi thẳng dưới điều hoà lạnh, đau dữ dội khó hoặc không vận động được cổ.

Đau vai gáy khá phổ biến nhưng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cần phân biệt: Lao cột sống, các bệnh lý tuyến giáp, u đỉnh phổi, u tại cột sống, u tủy sống…Để chẩn đoán bệnh lý đau cổ vai gáy, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám chuyên khoa cẩn thận; các dấu hiệu lâm sàng sẽ được khai thác đầy đủ; các cận lâm sàng cần làm chính xác, Một số đau vai gáy là bệnh lý ngoại khoa cần can thiệp; một số đau vai gáy là bệnh lý nội tiết chuyên khoa sâu; đôi khi lại cần can thiệp kĩ thuật của chuyên khoa tim mạch…Do vậy, người bệnh không nên vội điều trị khi chưa khám bác sĩ.

Phương pháp Y học cổ truyền an toàn và hiệu quả

Theo Y Học Cổ Truyền, đau cổ vai gáy thuộc phạm vi chứng tý có bệnh danh là lạc chẩm, kiên tý, nếu có tê bì co thêm bệnh danh ma mộc… nguyên nhân thường do phong, hàn và thấp xâm nhập, do khí trệ huyết ứ sau vận động sai tư thế, chấn thương, hoặc do can thận âm hư cân cốt thất dưỡng, khí huyết kém lưu thông và  kinh lạc tắc trở. Đây là lý do khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác đau mỏi, tê cứng co cơ ở cổ và vai gáy, cơ thể mệt mỏi, khó chịu.

Phương pháp điều trị điện châm kết hợp ôn châm và chiếu đèn hồng ngoại.

Một số bài thuốc, phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền rất đơn giản, dễ dàng thực hiện, an toàn và mang lại hiệu quả. Ths Bs Hoàng Duy Luân, khoa Y học cổ truyền, BV Bạch Mai chia sẻ:

Chườm nóng

Bài 1: Ngải cứu 100gr, Muối hạt 50gr. Ngải cứu rửa sạch, để ráo nước, rồi đem rang nóng với muối hạt. Dùng khăn bông mềm bọc gọn lại rồi chườm lên vùng đau nhức. Hết 20 phút lại đem xào nóng và chườm thêm lần nữa. Thực hiện ngày 2 đến 3 lần giúp thư giãn và giảm đau hiệu quả.

Bài 2: Lá lốt, cúc tần, rượu trắng. Rửa sạch, đem 2 loại lá đi giã nhuyễn, Sau đó trộn với 1 ít rượu trắng. Rang nóng hỗn hợp lên. Dùng khăn bông mềm bọc tất cả lại để nguội bớt rồi đem đi chườm đắp lên vùng đau nhức. Thực hiện ngày 2 đến 3 lần, mỗi lần 30 phút.

Bấm huyệt:

- Huyệt lạc chẩm: vị trí ở mu bàn tay giữa hai xương bàn tay ngón 2 và ngón 3 (ngón trỏ và ngón giữa), từ khe giữa 2 ngón tay đo lên 1 thốn.

- Huyệt hậu khê: vị trí ở mé bàn tay phía ngón út, chỗ lõm, khi nắm bàn tay thì huyệt nằm ở đầu nếp gấp đường vân tim, nơi tiếp giáp da gan và da mu bàn tay.

Cách bấm: Dùng đầu ngón tay cái của bàn tay còn lại bấm (lưu ý cắt móng tay), hoặc đầu đũa, que đầu tù ấn. Khi ấn bấm có cảm giác căng tê tức nặng. Vừa bấm huyệt vừa vận động cổ nhẹ nhàng, thực hiện 3-5 phút, có thể lặp lại 2-3 lần.

Uống bột sắn dây (cát căn): Cát căn có vị ngọt, cay, tính bình, vào kinh tỳ vị. Có tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân chỉ khát. Dùng cho trường hợp đau cứng cổ gáy, nhất là đau mạn tính. Dùng dạng pha nước uống, hoặc nấu chín.

Điều trị tại Khoa Y học cổ truyền BV Bạch Mai:

Bệnh nhân đau cổ vai gáy đến với khoa Y học cổ truyền sẽ được điều trị bằng các phương pháp Y học cổ truyền chuyên biệt kết hợp với các máy vật lý trị liệu hiện đại.

- Châm cứu: Bác sĩ sử dụng cận tam châm pháp. Ưu điểm châm ít kim giảm cảm giác đau đớn sợ kim cho người bệnh, giảm đau nhanh chóng, rút ngắn thời gian điều trị hơn so với phương pháp châm thông thường.

- Ôn châm: Sự kết hợp giữa châm và cứu ngải. Mồi ngải được sử dụng ở đây đều do khoa tự sản xuất đảm bảo chất lượng cao.

- Giác hơi: Phương pháp giác nhanh không lưu sẽ không để lại các vết tím thâm trên cơ thể gây mất thẩm mỹ mà vẫn đạt được tác dụng thông kinh hoạt lạc chỉ thống.

- Xoa bóp bấm huyệt: phương pháp bấm huyệt giải cơ, kết hợp nắn chỉnh cột sống.

ThS.BS. Hoàng Duy Luân xoa bóp bấm huyệt chữa đau vai gáy

- Thuốc Đông y: sau khi thăm khám bệnh nhân, các Bác sĩ dẽ kê đơn dựa trên những bài thuốc cổ phương: Ma hoàng quế chi thang, quyên tý thang, tam tý thang… gia giảm cho phù hợp với từng người bệnh.

- Cấy chỉ catgut (chỉ tự tiêu): đây là phương pháp phát triển trên nền châm cứu và khoa học kĩ thuật hiện đại. Với việc sử dụng loại chỉ tự tiêu sau 3 tuần, mỗi lần cấy chỉ có thể tương đương với bệnh nhân được châm cứu liên tục 3 tuần. Phương pháp cấy chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian, mà hiệu quả cao, phù hợp với những bệnh nhân ở xa.

- Điều trị bằng sóng siêu âm: Khoa Y học cổ truyền đang sử dụng những máy siêu âm đa tần nhập khẩu hiện đại nhất.

Song song với các phương pháp, bài thuốc Y học cổ truyền, ThS.BS Hoàng Duy Luân, khoa Y học cổ truyền cũng khuyến cáo người dân cần có chế độ làm việc hợp lý, không nên ngồi lâu một chỗ mà cần có sự vận động, nghỉ giải lao. Có chế độ sinh dưỡng và tập thể dục phù hợp. Ngồi học, làm việc đúng tư thế. Khi ngủ dùng gối có độ cao vừa phải (3 - 5cm) và hạn chế nằm nghiêng lâu. Áp dụng một số bài tập nhẹ nhàng, bổ trợ kéo giãn cơ vùng cổ vay gáy.

Nguyên Hà

Khoa Y học cổ truyền, BV Bạch Mai được thành lập từ năm 1978, là đơn vị tiêu biểu của ngành y tế về kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại trong khám và điều trị bệnh nhân. Có đội ngũ Bác sĩ, Điều dưỡng, Dược sĩ, Kĩ thuật viên y khoa chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm. Có khu sơ chế, bào chế, sản xuất dược liệu, thuốc thành phẩm đáp ứng đầy đủ và đa dạng các loại thuốc Đông dược để phục vụ bệnh nhân. Khoa đã điều trị đạt hiệu quả cao một số bệnh lý: Tai biến mạch máu não, bệnh cơ xương khớp, mất ngủ, liệt thần kinh số 7, đau thần kinh toạ, viêm đa dây đa dễ thần kinh…

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image