Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH THẬN MẠN TÍNH ĐIỀU TRỊ BẢO TỒN

Bệnh thận mạn là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa tiến triển mạn tính, hậu quả của sự xơ hóa các neuphro chức năng, gây giảm sút từ từ mức lọc cầu thận, thận không còn khả năng duy trì tốt sự cân bằng của nội môi dẫn đến hàng loạt các rối loạn về lâm sàng và sinh hóa của các cơ quan trong cơ thể.

Mục tiêu của dinh dưỡng trong bệnh thận mạn: ngăn chặn tiến triển của suy thận; kiểm soát bệnh lý nền (như tăng huyết áp, đái tháo đường,…); dự phòng suy dinh dưỡng và hướng dẫn thực hành chế độ ăn hợp lý, phù hợp với lối sống.


Tháp chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy thận mạn

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh mắc bệnh thận mạn tính

Cung cấp đủ năng lượng: 25 – 35kcal/kg cân nặng/24h tùy mức độ hoạt động thể chất, mục tiêu về tình trạng cân nặng, giai đoạn bệnh thận mạn và bệnh lý đi kèm hoặc tình trạng viêm để duy trì tình trạng dinh dưỡng bình thường.

* Cân nặng dùng để tính tùy theo đánh giá của Bác sỹ.

Giảm đạm (Protid):

- Bệnh thận mạn giai đoạn 1- 2: 0,8- 1g/kg cân nặng/ngày.

- Bệnh thận mạn giai đoạn 3 – 5:

+ Không có bệnh lý đái tháo đường kèm theo: 0,55 – 0,6g/kg cân nặng/ngày.

+ Không có bệnh lý đái tháo đường kèm theo nhưng có sử dụng thêm các acid amin: 0,28 – 0,43g/kg cân nặng/ngày.

+ Có đái tháo đường kèm theo: 0,6 – 0,8g/kg cân nặng/ngày.

* Cân nặng dùng để tính tùy theo đánh giá của Bác sỹ.

Nhu cầu Lipid: 20 – 30% tổng năng lượng.

Giảm muối: Lượng muối < 5g/ngày. Hoặc điều chỉnh lượng muối theo điện giải đồ.

Đảm bảo cân bằng nước:

Khi có phù: lượng nước đưa vào tính theo công thức:

Lượng nước đưa vào trong ngày = lượng nước tiểu 24h của ngày hôm trước + lượng dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy…) + 300 đến 500ml (tùy theo mùa).

Lượng nước đưa vào trong ngày bao gồm: lượng dịch truyền, lượng nước uống thuốc, nước canh và sữa.

Khuyến nghị Kali khẩu phần: 2000 – 3000mg/ngày. Khi Kali máu > 5 mmol/lít thì hạn chế Kali  khẩu phần < 1000mg Kali/ngày.

Hạn chế Phospho: < 800mg/ngày

Bổ sung vitamin C: Nam 90mg/ngày, nữ 75mg/ngày.

Lời khuyên dinh dưỡng

Nhóm thực phẩm

Thực phẩm nên dùng

Thực phẩm hạn chế sử dụng

Nhóm thực phẩm giàu tinh bột

- Miến dong, sắn dây, khoai lang, khoai sọ, bún, bánh phở.

- Gạo tẻ chỉ nên ăn từ 150g – 200g tùy theo mức độ suy thận.

Nhóm thực phẩm giàu đạm

- Các loại thịt nạc, cá, tôm, cua…

- Sữa cho người bệnh suy thận mạn điều trị bảo tồn

- Các loại thịt nhiều mỡ: Thịt ba chỉ.

- Phủ tạng động vật: Tim, gan, óc, lòng…

- Các loại sữa có lượng đạm cao.

Nhóm thực phẩm giàu chất béo

- Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng…)

- Mỡ động vật

Nhóm rau xanh

- Các loại rau ít đạm: Bí xanh, bầu, mướp, rau họ cải, su su, su hào.

- Các loại rau nhiều đạm: Rau muống, rau ngót, rau giền, giá đỗ, đậu quả.

Nhóm quả chín

- Thanh long, ổi, gioi, quýt ngọt, táo, xoài chín…

- Các loại quả sấy khô: Nhãn khô, vải khô, nho khô…

- Chuối, mít, sầu riêng, bơ vỏ xanh

Nhóm thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối

Cá muối, thịt muối, mỳ tôm, xúc xích, thịt hộp, cá hộp, dưa muối, cà muối…

Thực đơn mẫu

Bữa ăn

Thực phẩm

Số lượng

Đơn vị thường dùng

Bữa sáng

Bún thịt nạc

Bún

150g

1 lưng bát to

Thịt nạc

20g

2 thìa đầy, thìa 7ml

Cà chua

30g

½ quả trung bình

Dầu ăn

10ml

2 thìa 5ml

Hành lá, rau thơm

Bữa phụ sáng

Thanh long

150g

1/4 quả to

Bữa trưa

Cơm miến, thịt rang tôm, bí xanh luộc

Gạo tẻ

50g          

2 nửa bát con cơm miến

Miến dong

50g

Thịt lơn nạc

20g

3 – 4 miếng thái mỏng nhỏ

Tôm đồng

30g

Dầu ăn

10ml

2 thìa 5ml

Bí xanh

200g

1 miệng bát con rau

Bữa phụ chiều

Chè khoai lang

Khoai lang

120g

1 củ trung bình

Bột sắn

8g

1 thìa đầy, thìa 5ml

Đường kính

20g

4 thìa, thìa 5ml

Bữa tối

Cơm miến, thịt bò xào hành tây, rau cải xào

Gạo tẻ

50g

2 nửa bát con cơm miến

Miến dong

50g

Thịt bò

30g

10 - 11 miếng thái mỏng nhỏ

Hành tây

30g

1/3 củ nhỏ

Rau cải xanh

150g

1 lưng bát con rau

Dầu ăn

10ml

2 thìa 5ml

Bữa phụ tối

Sữa cho người bệnh thận mạn chưa lọc máu ngoài thận: 150ml pha theo hướng dẫn

Chú ý: Lượng muối cả ngày < 5g

Thực phẩm thay thế tương đương

Nhóm đạm: 100g thịt lợn nạc tương đương với: 100g thịt bò, thịt gà; 120g tôm, cá nạc.

Nhóm chất bột đường: 100g gạo tương đương 2 lưng bát cơm; 100g miến, 100g phở khô; 100g bún khô; 250g bánh phở tươi; 300g bún tươi; 400g khoai củ các loại.

Nhóm chất béo: 1 thìa dầu ăn (5ml) tương đương với 8g lạc hạt, 8g vừng.

Muối: 1g muối ăn tương đương với 5ml nước mắm.

CNDD. Trần Thị Hiền

Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image