TS.BS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) vừa cho biết, từ đầu hè đến nay, khoa liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị đuối nước, phải thở máy trong tình trạng rất nặng.
BS Tuấn kiểm tra cho 1 bệnh nhi bị đuối nước đang phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
"Từ tháng 5, chúng tôi phải điều trị cho hơn chục bệnh nhi đuối nước. Điều đáng nói, hiện đang là thời điểm nắng nóng kỷ lục, chỉ riêng trong 1 tuần trở lại đây đã có 4 cháu đuối nước phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Những trường hợp trẻ đuối nước chuyển đến khoa Hồi sức tích cực phải thở máy đều là những ca nặng, may mắn là 4 ca trong tuần vừa rồi đều được cứu sống, trong đó có ca được rút ống thở”, BS Tuấn Anh chia sẻ.
Đang chăm con gần 4 tuổi bị đuối nước tại BV Nhi Trung ương, chị T. (Bắc Giang) cho biết, con gái chị không biết bơi, nhưng đi theo các anh chị lớn trong làng ra ao chơi, trong quá trình chơi đùa, cháu trượt chân xuống nước và bị đuối nước. Mặc dù sau đó được cứu lên kịp thời nhưng con gái chị T. đã rơi vào trạng thái hôn mê, phải chuyển lên BV Nhi Trung ương cấp cứu.
BS Tạ Anh Tuấn cho biết, trường hợp này vẫn đang thở máy, tuy tính mạng không còn nguy hiểm, nhưng có thể sẽ để lại những di chứng về lâu dài.
Một bệnh nhi đuối nước nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Nằm bên cạnh là cháu Trân Anh D. (7 tuổi), cũng đang cấp cứu vì đuối nước. Cháu D. vừa được các bác sĩ rút ống thở vào trưa 2.7, tuy nhiên vẫn phải theo dõi trong những ngày tiếp theo. Bố cháu D. cho biết, thấy cháu được rút ống thở là mừng rồi, vì như vậy có nghĩa là con trai đã sống sau nhiều ngày hôn mê.
Bố của cháu D cho biết, sống ở vùng nông thôn nên con anh thường hay đi tắm sông, hồ. Hôm đó, do bơi ra quá xa, bị chuột rút nên cháu bị đuối nước, sau đó phải nhập viện cấp cứu.
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trong số trẻ em bị tai nạn thương tích. Giai đoạn 2015- 2017, khoảng 2.000 trẻ em tử vong đuối nước mỗi năm. Đuối nước đã cướp đi sự sống của nhiều trẻ em, để lại nỗi đau đớn tột cùng cho các gia đình và xã hội.
Bé Trần Thị Thanh T bị đuối nước đang phải điều trị tích cực
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường xung quanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em.
Nguồn: laodong.vn