Những ngày qua, khi miền Bắc lạnh tăng cường, số lượng người mắc cúm phải nhập viện tăng nhanh. Tại các trường học cũng xảy ra việc học sinh phải nghỉ học do mắc cúm.
Học sinh mắc cúm phải nghỉ học để bệnh không lây lan
Theo phản ánh của phụ huynh, tuần qua tại Trường THCS Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), nhiều học sinh đã phải nghỉ học do mắc bệnh cúm. Đặc biệt có lớp có 48 em học sinh thì 28 em mắc bệnh.
Do đây là thời gian học sinh đang tập trung ôn tập và thi học kỳ, nên việc mắc cúm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến học tập.
Một giáo viên của trường xác nhận, những ngày qua nhiều học sinh của trường bị mắc bệnh cúm, chủ yếu tập trung ở khối 7. Để bệnh không lây lan rộng, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh yêu cầu các em nghỉ học và nhà trường sẽ có kế hoạch bồi dưỡng phụ trợ khi học sinh điều trị khỏi bệnh.
Trường Tiểu học Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) từng xảy ra việc nhiều học sinh phải nghỉ học vì bệnh viêm đường hô hấp nghi do cúm.
Tại Hà Nội, thời gian qua, nhiều học sinh Trường Tiểu học Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nghỉ học vì có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sốt. Có thời điểm riêng lớp 4A6 của trường có 31 học sinh xin nghỉ vì mệt và đau đầu.
Theo bà Bùi Thị Thu Thanh - Hiệu trưởng nhà trường - đa số các em được chẩn đoán bị viêm đường hô hấp nghi do cúm. Sang đến tuần này, sức khỏe học sinh đã ổn định và đi học trở lại bình thường. Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai để có biện pháp tuyên truyền cho học sinh, giáo viên, cũng như phụ huynh của trường cách để phòng bệnh lây lan.
Trẻ nhập viện vì cúm tăng nhanh
Tại các bệnh viện, những ngày qua, số trẻ phải đến thăm khám và nhập viện điều trị vì bệnh cúm cũng tăng nhanh. Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương, những ngày miền Bắc lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A bắt đầu vào viện nhiều, trung bình có khoảng 40-60 bệnh nhân phải điều trị tại khoa là bệnh nhi mắc cúm, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân phải nằm điều trị.
Đa số các cháu có bệnh cảnh nền như rối loạn chuyển hóa, viêm phổi mãn tính kéo dài... nên khi có thêm bệnh cúm, biểu hiện bệnh nặng lên rất nhiều. Theo bác sĩ Hải, đây là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân nên số các cháu mắc bệnh còn có thể gia tăng trong những ngày tới.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện bệnh lý hô hấp vẫn chiếm một tỉ lệ đáng kể trong số các bệnh nhi đang điều trị tại khoa.
Do thời tiết thay đổi, cộng thêm tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội những ngày qua, làm gia tăng các bệnh lý về đường hô hấp
Bác sĩ Nam khuyến cáo, đây vẫn chưa là thời điểm lạnh nhất trong năm ở miền Bắc, nên những ngày tới, cha mẹ chú ý đề phòng bệnh hô hấp, bệnh tiêu chảy do virus ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi là nhóm tuổi sức đề kháng còn yếu.
Để phòng tránh bệnh cúm, các bệnh về đường hô hấp, cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
Đối với các trường học cần thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng học sinh tiếp xúc hằng ngày. Với những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.
Tại Việt Nam, các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.
Bệnh cúm có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính thì bệnh diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.