Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Giải pháp cho tình trạng quá tải bệnh viện

Quá tải bệnh viện từng là tình trạng diễn ra phổ biến tại gần như tất cả các bệnh viện tuyến cuối. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt các giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài tích cực được triển khai, cho nên đến nay tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đang từng bước được giải quyết. Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang phẫu thuật thành công ca mổ u não đầu tiên tại Tuyên Quang.

Giảm tải tại chỗ

“Điểm nóng” về tình trạng quá tải xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là các chuyên ngành: ung bướu, nhi, nội tiết… đòi hỏi ngành y tế và chính các bệnh viện phải có các biện pháp nhằm giảm tải, giúp nâng cao chất lượng điều trị, hạn chế tiêu cực.

Bộ Y tế đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Giảm tải cho các bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 với hàng loạt các giải pháp cụ thể được triển khai. Theo đó, Bộ Y tế tập trung đầu tư và cùng các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng bệnh viện từ tuyến huyện, tỉnh và trung ương. Các dự án xây mới và mở rộng, cải tạo trong các năm 2012-2015 đang được đưa vào sử dụng. Tính riêng 15 dự án trọng điểm mới đưa vào sử dụng như: Trung tâm Ung bướu và Tim mạch trẻ em (Bệnh viện Bạch Mai); Khu điều trị 15 tầng (Bệnh viện Nhi T.Ư); Bệnh viện Nội tiết; Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Chợ Rẫy); Bệnh viện T.Ư Huế; Tòa nhà kỹ thuật cao Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí... đã tăng thêm được 4.765 giường bệnh. Ngoài ra tiếp tục khởi công xây mới một số cơ sở khám, chữa bệnh lớn như cơ sở hai của hai bệnh viện Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình 175; Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Mỗi bệnh viện, tùy theo thực tế của mình, xây dựng các phương án giảm tải khu vực điều trị nội trú. Như Bệnh viện Nhi T.Ư, sau khi phân tích kỹ mô hình bệnh tật nằm điều trị nội trú, Bệnh viện đã đưa ra và thực hiện quyết liệt năm nhóm giải pháp giảm tải là: Sàng lọc bệnh nhi ngay từ khoa khám bệnh, tăng cường bác sĩ, mở thêm phòng khám bệnh, thành lập thêm bộ phận chăm sóc ban ngày để theo dõi sát, tư vấn hướng dẫn chăm sóc điều trị bệnh nhân, giảm số người bệnh không cần thiết nhập viện. Tại khu nội trú, bệnh viện triển khai thêm được 300 giường bệnh; các đơn vị nội trú thực hiện thống kê số lượng người bệnh tại ba thời điểm 8 giờ, 11 giờ và 16 giờ để điều chỉnh linh hoạt các khoa, phòng bảo đảm người bệnh không phải nằm ghép. Bệnh viện yêu cầu các bác sĩ trưởng, phó khoa, các bác sĩ giàu kinh nghiệm mỗi ngày phải đi khám, theo dõi người bệnh chặt chẽ ba lần. Tăng cường các phương tiện cận lâm sàng để tăng khả năng chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và tối ưu tại các khoa, giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhi. Liên kết hệ thống với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương để hội chẩn những ca bệnh nhân nặng, thực hiện việc chuyển viện phù hợp theo chuyên khoa… Nhờ đó, từ đầu năm 2015, sau lễ ký cam kết đến nay, tại Bệnh viện Nhi T.Ư không còn tình trạng nằm ghép.

Đến nay, 35 trong tổng số 39 bệnh viện tuyến trung ương ký cam kết không để người bệnh nằm ghép giường bệnh (với ba mức độ: ngay sau khi nhập viện; sau 24 giờ vào viện; sau 48 giờ vào viện). Còn bốn bệnh viện hiện chưa ký cam kết nhưng đã triển khai các nội dung được hướng dẫn. Tại TP Hồ Chí Minh có tới 29/31 bệnh viện tuyến cuối cam kết không để người bệnh nằm ghép. Qua theo dõi, giám sát tại tuyến trung ương có tới 80% số bệnh viện khẳng định không còn tình trạng người bệnh nằm ghép.

Giảm tải từ xa

Một khâu được cho là đột phá giúp giảm quá tải bệnh viện tuyến trên là phát triển tuyến dưới để người dân được khám, điều trị ngay tại địa phương mình. Theo đó, ngành y tế cùng các địa phương tích cực triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 với việc hình thành mô hình bệnh viện vệ tinh của năm chuyên khoa đang quá tải nhiều nhất là: sản, nhi, ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình. Đến hết năm 2015 có tổng số 15 bệnh viện tuyến cuối tham gia là bệnh viện hạt nhân và 53 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến dưới ở 38 tỉnh, thành phố tham gia là bệnh viện vệ tinh.

PGS, TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, Bệnh viện K đã hỗ trợ tích cực sáu bệnh viện vệ tinh là bệnh viện đa khoa các tỉnh: Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình và Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh). Hàng loạt gói kỹ thuật được chuyển giao cho bệnh viện vệ tinh: phẫu thuật ung thư giáp trạng, phẫu thuật ung thư vòm họng, phẫu thuật ung thư cổ tử cung, xạ trị ung thư thực quản, xạ trị ung thư dạ dày, xét nghiệm mô bệnh học chẩn đoán ung thư…

Từ chỗ chỉ có bốn bệnh viện chuyên khoa ung bướu và 19 khoa, đơn vị ung bướu, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu khám bệnh ung bướu của nhân dân, đến nay số cơ sở chuyên khoa ung bướu đã tăng lên sáu bệnh viện, 46 trung tâm, khoa, đơn vị ung bướu trên toàn quốc, đáp ứng được hơn 70% nhu cầu khám, chữa bệnh ung bướu của nhân dân. Nếu như trước đây có tới 90% số người bệnh ung thư tại Phú Thọ phải chuyển về Bệnh viện K thì hiện tại chỉ còn dưới 5%. Trước đây, số lượng người bệnh tới Khoa Khám bệnh tại cơ sở Quán Sứ là khoảng 1.500 người/ngày, hiện tại chỉ còn trung bình 400 người/ngày, cơ sở Tân Triều 400 người/ngày… Như vậy có thể nói, số lượng người bệnh khám và điều trị tại Bệnh viện K có chiều hướng giảm, mặc dù qua thống kê số lượng người bệnh ung thư ngày một gia tăng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong số những đơn vị triển khai hiệu quả việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới thông qua đề án bệnh viện vệ tinh trong lĩnh vực ngoại khoa. Bệnh viện chuyển giao thành công 12 gói kỹ thuật cho bảy bệnh viện vệ tinh là bệnh viện đa khoa các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang với 220 học viên tiếp nhận kỹ thuật. Sau chuyển giao kỹ thuật, cán bộ y tế tuyến dưới được đào tạo bài bản, đúng quy trình kỹ thuật; cập nhật được những kiến thức, phương pháp điều trị, phẫu thuật mới. Nhiều kỹ thuật trước đây chưa thể triển khai, nay đã triển khai một cách thành thạo và thường quy. Nhiều kỹ thuật trước đây có tỷ lệ chuyển tuyến là 100% nhưng sau chuyển giao, giờ chỉ còn từ 5 đến 10%, có những kỹ thuật tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn dưới 1%…

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, các bệnh viện hạt nhân đã tổ chức được 386 lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho 7.051 cán bộ chuyên môn, chuyển giao được 791 kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân cho bệnh viện vệ tinh giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên, đạt từ 65 đến 100% số ca chuyển tuyến, như: Tim mạch: giảm tới 98,5%; Ung thư: giảm tới 97%; Ngoại khoa: giảm tới 98,5%; Sản khoa: giảm tới 99%; Nhi khoa: giảm tới 73% so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh. Giúp người dân không cần chuyển lên tuyến trên vẫn được điều trị và sử dụng các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, giúp giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí cho người bệnh.

Đến nay, sau ba năm thực hiện triển khai đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 với tám nhóm giải pháp cụ thể, tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết. Trên cơ sở kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ thị tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Theo đó Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các bệnh viện; công bố danh sách các bệnh viện đủ tiêu chuẩn làm bệnh viện hạt nhân để các bệnh viện vệ tinh lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn.

Đết hết năm 2015, tỷ lệ giường bệnh đạt 32,1 giường bệnh/10 nghìn dân, tăng đáng kể so với tỷ lệ 24,7 giường bệnh/10 nghìn dân (năm 2012). Các bệnh viện trong cả nước tích cực cải tiến quy trình khám bệnh, nhờ đó giảm từ 12 đến 14 bước xuống còn 4 đến 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, nên trung bình giảm 48,5 phút trên một lượt khám bệnh.

Nguồn Nhandan.com.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image