Sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm tự chủ bốn bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Bạch Mai, K, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy) đã bộc lộ một số bất cập. Mới đây, Bộ Y tế được giao đánh giá tình hình thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm phù hợp để tiếp tục triển khai.
Mục tiêu của thực hiện tự chủ là giúp các bệnh viện phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viên; nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài…
Tuy nhiên, đến nay thời gian thí điểm đã gần hết nhưng nhiều cơ chế, chính sách vẫn chưa được hoàn thiện nên bộc lộ nhiều bất cập.
Một trong những điểm nổi bật của mô hình tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ bốn bệnh viện thuộc Bộ Y tế là Chủ tịch Hội đồng quản lý (HĐQL) được trao quyền rất lớn. Thế nhưng trên thực tế thì Giám đốc bệnh viện mới là người nắm thực quyền.
Theo Nghị quyết 33, khi tự chủ bệnh viện lập Hội đồng quản lý gồm 7 đến 11 người, với nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao, như có quyền thành lập, giải thể các bệnh viện thành viên; điều động, miễn nhiệm với Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc. Nhưng thực tế, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản lý, Ban Giám đốc đều do Bộ Y tế bổ nhiệm.
Mặt khác, hiện tại pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về những thẩm quyền nêu trên của bệnh viện khi tự chủ. Do đó, vấn đề cần làm rõ là Chủ tịch Hội đồng quản lý và Giám đốc, ai thực sự là người đứng đầu?
Theo Nghị quyết về tự chủ, khi bắt đầu triển khai, Giám đốc đương nhiệm của bệnh viện sẽ kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý. Sau đó Bộ Y tế bổ nhiệm Chủ tịch theo đề xuất của Hội đồng quản lý.
Nhưng theo một số chuyên gia y tế, một người vốn là Bí thư kiêm Giám đốc hiện đang điều hành bệnh viện sẽ “bị” đẩy lên chức Chủ tịch Hội đồng quản lý, chủ yếu điều hành họp Hội đồng, ban hành Nghị quyết. Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng quản lý không có quyền bổ nhiệm giám đốc thì liệu có đủ uy để chỉ đạo giám đốc?
Thực tế, hai trong bốn bệnh viện đã triển khai thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33 là Bạch Mai và K thì đã gần hết thời gian thí điểm nhưng các văn bản hướng dẫn thống nhất cho các bệnh viện vẫn chưa có.
Như Bệnh viện Bạch Mai vẫn chưa có Chủ tịch Hội đồng quản lý mà Giám đốc bệnh viện kiêm nhiệm. Điều này dẫn tới nguy cơ quyền lợi của người bệnh có thể bị ảnh hưởng, vì nếu quản lý không tốt sẽ dễ dẫn tới tăng, lạm dụng chỉ định dịch vụ; nếu kiểm soát không tốt thì chính bệnh viện cũng ảnh hưởng vì nguồn thu của bệnh viện đến từ bệnh nhân.
Không ít ý kiến cho rằng, ở mô hình tự chủ, Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện thực tế chỉ ban hành Nghị quyết, họp hội đồng. Trong khi Giám đốc mới là người thực hiện các công việc điều hành bệnh viện. Điều này có thể dẫn đến chồng chéo, không thống nhất trong chỉ đạo, điều hành bệnh viện.
Ở vấn đề chi đầu tư, tài chính cũng bất cập, chồng bất cập. Vấn đề cốt yếu là quy định khung giá các dịch vụ y tế cần được tính đúng, tính đủ, nhưng quy định này đến nay vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành. Hiện trong lộ trình hoàn thiện, các bệnh viện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện chi đầu tư.
Theo quy định, bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.
Song đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu để các bệnh viện tham chiếu… trong khi chỉ còn 10 tháng nữa là kết thúc giai đoạn thí điểm.
Giá dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện tự chủ chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành (mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá) đã làm cho khả năng đầu tư và tái tạo nguồn lực bị hạn chế rất lớn.
Do đó các bệnh viện mong muốn và đề nghị Bộ Y tế sớm Ban hành giá trần dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu để các đơn vị được thu giá dịch vụ y tế theo đúng nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có tích lũy để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện triển khai các hoạt động theo cơ chế tự chủ, nhất là các quyết sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ chính sách đãi ngộ khuyến khích người lao động, tạo điều kiện để bệnh viện hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng đánh giá vấn đề tự chủ bệnh viện: “Hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, trong đó có tự chủ với bệnh viện công lập còn chưa đầy đủ; thiếu quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, liên doanh, liên kết, việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập”.
Rà soát bất cập, đề xuất cơ chế phù hợp
Ngày 11-6 mới đây, Văn phòng Chính phủ có Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp rà soát, cập nhật các quy định, cơ chế, chính sách liên quan quy định tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập ban hành sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19-5-2019 về thí điểm tự chủ bốn bệnh viện thuộc Bộ Y tế.
Đánh giá tình hình thực hiện thí điểm tự chủ tại hai bệnh viện Bạch Mai và K, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm phù hợp để áp dụng cho các bệnh viện Chợ Rẫy và Hữu nghị Việt Đức.
Văn bản này đưa ra thời gian báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-7-2021.
Trước những bất cập trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về tự chủ toàn diện khi triển khai tiếp ở hai bệnh viện còn lại là Chợ Rẫy và Hữu nghị Việt Đức, bởi nếu xảy ra xáo trộn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung, nhất là trong thời điểm các bệnh viện đang tập trung chống dịch.
Trường hợp nếu tiếp tục triển khai tự chủ toàn diện như mô hình ở bệnh viện Bạch Mai và K đã làm thì cần thận trọng, khắc phục những bất cập sau khi tổng kết kinh nghiệm tại hai bệnh viện này.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện một số quy định về cách tính giá dịch vụ; quy định cụ thể vị trí người đứng đầu; làm rõ hơn vai trò của Đảng ủy, mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý và Đảng ủy trong quản lý, điều hành…
Theo Nhân dân