Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu
Tổng kết kinh nghiệm xây dựng GDVYTCB của các nước trên thế giới, TS. Khương Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Y tế cho biết, GDVYTCB phải đạt 4 yêu cầu: Thiết yếu; Hiệu quả về ý nghĩa lâm sàng, đạt được mục tiêu chẩn đoán điều trị dự phòng; Hiệu quả về chi phí; Tính khả thi của ngân sách, khả năng cung ứng dịch vụ. Ở các nước có nguồn tài chính hạn hẹp, bản chất của GDVYTCB chính là danh mục các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được coi là thiết yếu hay cơ bản cần được cung ứng cho tất cả.
Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu.
Có 3 loại GDVYTCB là GDVYTCB bao gồm đầy đủ các dịch vụ thiết yếu áp dụng chung cho tất cả người dân; GDVYTCB cho một nhóm dân cư cụ thể để giải quyết nguyên nhân bệnh tật và tử vong chính hoặc giảm bất công bằng trong chăm sóc sức khỏe; GDVYTCB cho mọi người dân để giải quyết một số vấn đề sức khỏe ưu tiên như phòng chống bệnh lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe sinh sản…
Khái niệm và phạm vi gói GDVYTCB ở mỗi nước có khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là nhằm đảm bảo mọi người dân đều có khả năng tiếp cận được với gói các dịch vụ thiết yếu nhất nhưng hiệu quả, có khả năng chi trả trong đó nhằm sử dụng nguồn tài chính hạn hẹp; tăng cường tính công bằng của hệ thống y tế và tập trung nguồn lực vào các vấn đề ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe phù hợp với thực tế của mỗi quốc gia. Phạm vi GDVYTCB ở các nước trung bình và thấp cốt lõi vẫn là chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế công cộng, nâng cao sức khỏe và chủ yếu được cung cấp tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Hướng đến bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHYT
Theo TS. Nguyễn Khánh Phương - Viện Chiến lược chính sách y tế, tại Việt Nam, theo quy định của Luật BHYT, GDVYTCB do Quỹ BHYT chi trả theo tuyến chăm sóc sức khỏe, loại dịch vụ kỹ thuật và đối tượng thụ hưởng là người có BHYT. Qua nghiên cứu cho thấy, các bệnh thường gặp tần suất sử dụng dịch vụ cao nhưng chi phí lại thấp; dịch vụ kỹ thuật cao và thuốc có chi phí lớn có tần suất sử dụng thấp nhưng chi phí lại lớn; dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu thì có chi phí rất thấp.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho rằng, xây dựng GDVYTCB ở Việt Nam cần tận dụng danh mục hơn 17 nghìn dịch vụ kỹ thuật đã có. Tuy nhiên, hiện nay, trong danh mục này có nhiều dịch vụ trùng lặp và cũng bỏ sót một số dịch vụ như y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu… Cần phải xây dựng các điều kiện thanh toán, hàng rào kỹ thuật để điều chỉnh các dịch vụ. Các dịch vụ còn thiếu mà cần thiết thì tập hợp lại và kiến nghị với các bộ, ngành liên quan, với Chính phủ để bổ sung, điều chỉnh. Xây dựng GDVYTCB là rất khó khăn, phức tạp, cần có sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành nhằm đảm bảo nhu cầu, quyền lợi chăm sóc sức khỏe toàn diện của nhân dân.
“Để hoàn thiện GDVYTCB do BHYT chi trả, cách tốt nhất là áp dụng mô hình “xác định giải pháp theo từng vấn đề” thông qua quy trình tái định hình GDVYTCB này để xác định những vấn đề cần giải quyết và giải quyết đến mức độ nào… Điều chỉnh GDVYTCB của Việt Nam cần chú trọng vào các mục tiêu và lựa chọn chính sách vĩ mô, trong đó ưu tiên một số chính sách: Bảo đảm tính bền vững của quỹ BHYT, tăng cường bảo đảm tài chính cho các đối tượng tham gia, mở rộng độ bao phủ”, Trưởng nhóm y tế Ngân hàng Thế giới Kari Hurt khuyến nghị.
Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, xây dựng thành công GDVYTCB sẽ là nền tảng để đảm bảo phát triển hệ thống y tế theo hướng mở rộng bao phủ chăm sóc sức khỏe, gắn liền với việc đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế và ổn định nguồn tài chính, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe từ tiền túi của bệnh nhân.
Nguồn Suckhoedoisong.vn