Công an quận Ba Đình vừa quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối tượng Nguyễn Việt Cường (quê Thanh Hóa) để điều tra về tội “vô ý làm chết người” vì tình nghi người này trong lúc “phê” ma túy đã nhét tỏi vào miệng một cô gái khiến nạn nhân tử vong. Sự việc một lần nữa làm gióng lên lời cảnh báo về việc sử dụng ma túy tổng hợp ở giới trẻ. Sử dụng ma túy đá thế hệ mới không chỉ gây tình trạng hoang tưởng mà có thể gây tử vong.
Dễ tử vong do ngộ độc cấp tính
Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do sử dụng ma túy đá thế hệ mới. Đa số nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, đã có 2 trường hợp tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trước đây các ca nhập viện vì ma túy đá chủ yếu có dấu hiệu loạn thần, ảo giác, kích thích, rất ít ca tử vong. Thế nhưng, thời gian gần đây, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nặng sau khi dùng methamphetamin (thường gọi là ma túy đá) với biểu hiện chính là hôn mê, co giật, suy tim cấp, tụt huyết áp… Do bị tác động tim mạch, có người tử vong nhanh chóng, thậm chí chết trước khi tới được bệnh viện.
Cán bộ công an tuyên truyền về tác hại của ma túy đá cho học sinh.
Điển hình là trường hợp một nam bệnh nhân 41 tuổi (quê ở Hải Dương) có tiền sử sử dụng ma túy đá 4 năm. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, có ít nhất 2 lần ngưng tim trên đường chuyển từ bệnh viện tỉnh lên Bệnh viện Bạch Mai. Trường hợp thứ 2 là một nữ bệnh nhân (16 tuổi) quê ở Kiên Giang, ra Hòa Bình làm việc. Sau khi sử dụng ma túy đá, bị sốc, thiếu nữ này được bạn đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bất tỉnh hoàn toàn…
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, đó là những trường hợp điển hình của ngộ độc cấp tính ma túy dạng kích thích.
Nhóm ma túy gây kích thích nguy hiểm nhất gồm amphetamin, methamphetamin (thường ở dạng tinh thể như muối) hay MDMA (thường ở dạng viên với màu sắc khác nhau)… Hơn 60% số trường hợp tử vong sau khi dùng ma túy đá là do tim mạch bị ảnh hưởng. Trong nhiều trường hợp, ở người trẻ sử dụng ma túy xuất hiện tình trạng nhồi máu cơ tim do các chất ma túy gây co thắt, thậm chí tạo thành các cục máu gây tắc động mạch vành. Việc điều trị nhồi máu cơ tim ở người trẻ do dùng các loại ma túy này rất phức tạp; bệnh nặng, thậm chí nặng hơn so với nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi hoặc ở người mắc bệnh đái tháo đường.
Còn tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), số bệnh nhân nhập viện điều trị ma túy đá từ đầu năm 2017 đến tháng 1-2018 lên đến gần 800 người. Bà Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, sau những cuộc vui có sử dụng ma túy đá, nhiều người phải nhập viện do sức khỏe suy yếu, rối loạn thần kinh, thường xuyên bị ảo giác, hoang tưởng. Điều nguy hiểm là số người nhập viện ở độ tuổi thanh niên đang gia tăng. Nguyên nhân là giới trẻ hiện khá mơ hồ về tác hại của ma túy đá. Phần lớn bệnh nhân trẻ đang điều trị tại bệnh viện cho rằng “hàng đá” không gây nghiện, nên có thể dùng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trên thực tế, não bộ của người sử dụng ma túy đá sẽ dần bị phá hủy, nguy cơ cao trở thành bệnh nhân tâm thần.
Bệnh nhân ngộ độc ma túy đá được điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Tuyệt đối không dùng thử
Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay trên thế giới, số lượng ma túy tổng hợp có hơn 600 loại với nhiều tên gọi khác nhau, như: Ma túy đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, ngọc điên… Ma túy tổng hợp làm não bộ người sử dụng bị tổn thương nặng nề, gây loạn thần, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi, có xu hướng phạm tội sau khi sử dụng. Nếu như hêrôin, thuốc phiện gây hưng phấn trong vài giờ thì ma túy tổng hợp tạo hưng cảm tới 3-4 ngày. Trong thời gian này, người sử dụng sống trong thế giới hoang tưởng, thậm chí như thấy có “tiếng nói” trong đầu xui khiến họ tấn công người khác.
Ông Hoàng Đình Cảnh cho rằng, dù đã được cảnh báo rất nhiều về tác hại của ma túy tổng hợp nhưng tỷ lệ người sử dụng vẫn đang gia tăng. Tình hình ngày càng phức tạp, khiến cho công tác điều trị cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng nghiện ma túy đang có xu hướng chuyển từ sử dụng cần sa, hêrôin sang ma túy tổng hợp.
Điều đáng nói, nếu như người nghiện các chất dạng thuốc phiện còn có Methadone để điều trị, có cơ hội làm lại cuộc đời, thì người nghiện ma túy tổng hợp hiện vô phương cứu chữa, có thể cả đời còn lại chỉ gắn với trại cai nghiện, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. “Với tốc độ sản xuất rất lớn, thủ đoạn tinh vi để tiếp cận với người nghiện, ma túy tổng hợp sẽ gây những hệ lụy khôn lường nếu các cơ quan quản lý không có biện pháp kiểm soát kịp thời”, ông Hoàng Đình Cảnh nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng khuyến cáo: Ngày càng có quá nhiều loại ma túy mới xuất hiện, “núp bóng” thuốc, trò chơi, đồ ăn thức uống… với độc tính phức tạp, không dễ nhận biết. Vì vậy, các bậc phụ huynh luôn phải để mắt tới con em mình, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, phòng nguy cơ con bị lừa, bị dụ dỗ dùng chất gây nghiện. Cần nhớ: Tuyệt đối không dùng thử ma túy dù chỉ 1 lần bởi điều đó dễ dẫn tới nghiện ngập - điều không chỉ hủy hoại sức khỏe, sự nghiệp, tương lai mà có thể gây nguy hiểm cho xã hội.
Nguồn Hanoimoi.com.vn