Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

Hóa sinh lâm sàng bệnh ung thư và các lưu ý trong sử dụng các dấu ấn ung thư (Tumor markers)

Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc tăng sinh tế bào một cách mất kiểm soát và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến những bộ phận khác trong cơ thể (di căn).

Một số dấu hiệu và triệu chứng của khối u ác tính bao gồm chảy máu bất thường, ho kéo dài không rõ nguyên nhân, sụt cân, những bất thường trong đại tiểu tiện và thay đổi nhu động ruột… Mặc dù các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của ung thư, chúng cũng có thể là triệu chứng của các nguyên nhân khác. Hiện nay có khoảng hơn 100 loại ung thư ảnh hưởng đến con người. Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, năm 2020 theo thống kê của Globocan chiếm gần 10 triệu ca tử vong.

1.Tình hình ung thư trên thế giới và trong nước

Theo WHO, phổ biến nhất vào năm 2020 về các trường hợp ung thư mới là:

Vú (2,26 triệu ca); Phổi (2,21 triệu ca); Đại tràng và trực tràng (1,93 triệu ca); Tuyến tiền liệt (1,41 triệu ca); Da (non-melanoma) (1,20 triệu ca); và Dạ dày (1,09 triệu ca).

Những cơ quan phổ biến nhất gây tử vong do ung thư vào năm 2020 là:

Phổi (1,80 triệu ca tử vong); Đại tràng và trực tràng (916 000 ca tử vong); Gan (830 000 ca tử vong); Dạ dày (769 000 ca tử vong); và Vú (685 000 ca tử vong).

Mỗi năm, có khoảng 400.000 trẻ em mắc bệnh ung thư. Các bệnh ung thư phổ biến nhất khác nhau giữa các quốc gia. Ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến nhất ở 23 quốc gia.

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Hiện nay, chỉ có 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư theo GLOBOCAN. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ lệ mắc mới và thứ 50/185 về tỷ lệ tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy là tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.

2.Những bệnh ung thư phổ biến trên thế giới và trong nước

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2012, toàn thế giới chỉ có khoảng 14.090.100 ca mắc mới thì tới năm 2020, toàn thế giới có 19.292.789 ca mắc mới và 9.958.133 ca tử vong do ung thư.

5 cơ quan có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất trên thế giới hiện nay theo thứ tự đó là: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư dạ dày.

Ở nam giới, các loại bệnh ung thư thường gặp nhất là ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan.

Ở nữ giới, các loại bệnh ung thư thường gặp nhất đó là ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung,

Tại Việt Nam, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.

3.Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư?

Ung thư phát sinh từ sự biến đổi của các tế bào bình thường thành các tế bào khối u trong một quá trình nhiều giai đoạn, thường tiến triển từ một tổn thương tiền ung thư thành một khối u ác tính. Những thay đổi này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền của một người và ba loại tác nhân chính bên ngoài, bao gồm:

- Chất gây ung thư vật lý, chẳng hạn như tia cực tím và bức xạ ion hóa;                   

- Chất gây ung thư hóa học, chẳng hạn như amiăng, các thành phần của khói thuốc lá, rượu, aflatoxin (độc tố vi nấm sản sinh trong thực phẩm mốc) và asen (chất gây ô nhiễm nước uống);

- Chất gây ung thư sinh học, chẳng hạn như nhiễm trùng từ một số virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.

4.Các yếu tố nguy cơ gây ung thư

Sử dụng thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động và ô nhiễm không khí là những yếu tố nguy cơ gây ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.

Một số bệnh nhiễm trùng mạn tính là yếu tố nguy cơ gây ung thư. Đây là một vấn đề đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 13% trường hợp ung thư được chẩn đoán vào năm 2018 trên toàn cầu là do nhiễm chất gây ung thư, bao gồm Helicobacter pylori, virus HPV ở người (human papillomavirus), virus viêm gan B, C và virus Epstein-Barr.

Virus viêm gan B và C và một số loại HPV làm tăng nguy cơ ung thư gan và ung thư cổ tử cung. Nhiễm HIV làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung gấp sáu lần và về cơ bản làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư khác như Kaposi sarcoma.

5.Phòng ngừa ung thư

Nguy cơ ung thư có thể được giảm thiểu như: không sử dụng thuốc lá; duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh; ăn một chế độ ăn uống lành mạnh (thực đơn cân đối, bao gồm trái cây và rau quả,..); hoạt động thể chất một cách thường xuyên;tránh hoặc giảm uống rượu; chủng ngừa HPV và viêm gan B nếu bạn thuộc nhóm được khuyến cáo tiêm chủng; tránh tiếp xúc với bức xạ tia cực tím và / hoặc sử dụng các biện pháp chống nắng; đảm bảo sử dụng bức xạ an toàn và thích hợp trong chăm sóc sức khỏe; giảm thiểu tiếp xúc nghề nghiệp với bức xạ ion hóa; giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà, bao gồm radon (một loại khí phóng xạ sinh ra từ sự phân hủy tự nhiên của uranium, có thể tích tụ trong các tòa nhà - nhà ở, trường học và nơi làm việc).

6.Phát hiện sớm ung thư

Tỷ lệ tử vong do ung thư giảm khi các ca bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Có hai thành phần của phát hiện sớm: chẩn đoán và sàng lọc sớm.

Khi được xác định sớm, ung thư có nhiều khả năng đáp ứng với điều trị hơn, xác suất sống sót cao hơn, điều trị ít tốn kém hơn và cải thiện đáng kể cuộc sống của bệnh nhân ung thư bằng cách phát hiện ung thư sớm.

Nhận thức được các triệu chứng của các dạng ung thư khác nhau; tiếp cận các dịch vụ y tế để đánh giá và chẩn đoán lâm sàng; đồng thời chuyển tuyến kịp thời đến các dịch vụ điều trị. Chẩn đoán sớm các bệnh ung thư có triệu chứng có liên quan ở tất cả các cơ sở và phần lớn các bệnh ung thư. Các chương trình ung thư nên được thiết kế để giảm sự chậm trễ và các rào cản đối với việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc hỗ trợ.

7.Sàng lọc ung thư

Việc sàng lọc nhằm xác định những cá nhân có phát hiện gợi ý về một bệnh ung thư cụ thể hoặc tiền ung thư trước khi họ phát triển các triệu chứng. Khi các bất thường được xác định trong quá trình tầm soát, cần thực hiện các xét nghiệm (XN) thêm để xác định chẩn đoán xác định, cũng như nên chuyển tuyến để điều trị nếu chứng minh là có ung thư.

Các chương trình tầm soát có hiệu quả đối với một số nhưng không phải tất cả các loại ung thư và nói chung là phức tạp và tốn nhiều nguồn lực hơn so với chẩn đoán sớm vì chúng đòi hỏi thiết bị đặc biệt và nhân viên chuyên khoa. Việc lựa chọn bệnh nhân cho các chương trình sàng lọc dựa trên độ tuổi và các yếu tố nguy cơ để tránh các nghiên cứu dương tính giả quá mức. Ví dụ về các phương pháp sàng lọc: XN HPV (bao gồm XN HPV DNA và mRNA), là phương thức được ưu tiên để tầm soát ung thư cổ tử cung và chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú cho phụ nữ từ 50-69 tuổi ở những nơi có hệ thống y tế mạnh hoặc tương đối mạnh.

Năm 2021, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai chương trình sàng lọc ung thư vú miễn phí cho hơn 500 phụ nữ ≥ 40 tuổi cũng đã thu được kết quả rất tốt trong phát hiện ra các trường hợp ung thư vú sớm.

8.Các dấu ấn ung thư (tumor markers: TM)

Dấu ấn ung thư hay chất chỉ điểm khối u (TM) là một dấu ấn sinh học được phát hiện trong máunước tiểu và , được dùng để đánh giá sự có mặt của một hay nhiều loại ung thư. Có rất nhiều loại chất chỉ điểm khối u khác nhau, mỗi loại đại diện cho một quá trình bệnh lý nhất định và được sử dụng để phát hiện ung thư. Định lượng TM có thể giúp phát hiện ung thư, biết sự hình thành, phát triển hoặc đáp ứng với điều trị của một khối u ác tính. Nhưng các TM không chỉ đặc trưng riêng của ung thư, vì tế bào bình thường có thể sản xuất, bài tiết các loại TM và cũng có nhiều nguyên nhân khác gây tăng các TM (dương tính giả).

9.Một số lưu ý trong triển khai và sử dụng các dấu ấn ung thư

9.1.Phân loại TM theo độ nhạy, độ đặc hiệu

Độ nhạy và đặc hiệu phụ thuộc vào các yếu tố sau:

     Độ nhạy       Độ đặc hiệu
Số lượng tế bào sản xuất Dị hóa và bài tiết
Vị trí của tế bào Tổn thương tại mô tiết TM
Cơ chế bài tiết hoặc thải trừ
Dạng mô học
Độ biệt hóa tế bào
Tốc độ tăng trưởng
Độ tăng sinh mạch
Số lượng và vị trí khối u
Thời gian bán hủy trong huyết tương

Dựa trên độ nhạy và độ đặc hiệu các TM được chia thành ba nhóm:

Những TM có độ nhạy và độ đặc hiệu cao

Là những TM, dù bình thường vẫn có thể phát hiện được, nhưng trong trường hợp bất thường hoặc tăng quá cao thì luôn luôn cho thấy sự hiện diện của khối u ác tính. Nhóm này có β-hCG và calcitonin. Chỉ cần tăng nhẹ β-hCG ở phụ nữ không có thai hay không động chạm đến thủ thuật; hoặc β-hCG chỉ giảm ít sau nạo thai hay kết thúc thai kỳ; hoặc tăng nồng độ β-hCG nhiều hơn tuổi thai; tất cả đều là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của khối u ác tính.

Những TM có độ nhạy và độ đặc hiệu biến thiên

Là những TM có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp trong giai đoạn đầu. Nồng độ không khác người bình thường hoặc người có bệnh lành tính. Nhưng trong giai đoạn tiến triển, nồng độ TM trong huyết thanh có thể xác định ung thư. Chẳng hạn: ở BN có một ung thư khu trú, CEA bình thường hoặc tăng nhẹ, khoảng 10- 20 ng/mL; tương đương trong xơ gan, suy thận hoặc COPD. Nhưng nếu có di căn xa thì nồng độ kháng nguyên này có thể vượt trên 50 ng/mL, đây là mức không bao giờ thấy nếu không có ung thư. Đa số các TM đều thuộc nhóm này như: CEA, AFP, PSA, CA125, CA15-3, CA19-9…

Những TM có độ nhạy biến thiên và độ đặc hiệu thấp:

Tương tự như nhóm trên, các TM này có độ nhạy biến thiên theo giai đoạn, nhưng độ đặc hiệu thấp ngay cả ở giai đoạn tiến triển. Đa phần các enzym phân hủy đường (PHI, LDH) hoặc các cytokeratin (TPA, TPS) thuộc nhóm này. Những TM này có hoạt tính cao trong giai đoạn tiến triển, nhưng không thể phân biệt với một số bệnh không liên quan đến ung thư như viêm gan, nhồi máu cơ tim cấp hoặc viêm phổi... Ứng dụng chính của những TM này là để tiên lượng và theo dõi điều trị.

9.2.Các chiến lược nâng cao ứng dụng của các TM

Nguồn gốc các TM không có tính đặc hiệu nên khó phân biệt được bản chất lành hay ác khi nồng độ TM gia tăng. Có 4 tiêu chuẩn giúp phân biệt và đánh giá đúng nồng độ TM.

9.2.1.Nồng độ TM trong huyết thanh

Đa số TM nếu xuất hiện trong trường hợp không có khối u thì chỉ ở nồng độ cao vừa phải. Nồng độ càng cao thì càng nhiều khả năng có ung thư. Ví dụ: NSE< 40 ng/mL có thể có trong một số bệnh lành tính, nếu cao hơn mức này thì nhiều khả năng là ung thư hoặc tình trạng tán huyết (vỡ hồng cầu, tiểu cầu). Tương tự, nếu CA125 và/hoặc CA19-9 trên 1000 U/mL hoặc CEA> 25 ng/mL thì hơn 95% khả năng là ung thư.

9.2.2. Loại trừ những bệnh lành tính

Khi thấy TM tăng cao, ta cần loại trừ một số bệnh lành tính có thể làm tăng TM này. Tùy theo TM mà các bệnh này được xếp vào hai nhóm chính: biến đổi ở mô sản xuất TM hay ở quá trình dị hóa TM. Đa số TM phân hủy ở gan và bài tiết qua thận. Tổn thương các cơ quan này sẽ giảm quá trình dị hóa và/hoặc thanh thải TM, từ đó gây ứ đọng và tăng nồng độ quá giới hạn bình thường. Đa số TM tăng vừa phải (gấp 2 - 4 lần bình thường) ở bệnh nhân xơ gan hoặc suy thận, như CEA, CA125, CYFRA21-1 ProGRP,… Một số TM như SCCA, S-100 hoặc HE4 khi có suy thận, nồng độ trong huyết thanh có thể tăng giống như một số bệnh ác tính; do đó không thể đánh giá những TM này trong trường hợp suy thận.

Khi tổn thương một mô có chức năng sản xuất TM thì nồng độ TM đó tăng nhưng thường ở mức độ vừa phải (tùy mức độ tổn thương). Như trường hợp PSA trong viêm tiền liệt tuyến hoặc tăng sinh tiền liệt tuyến lành tính (BPH - benign prostatic hyperplasia), CEA trong viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn…. Đôi khi nồng độ tăng rất cao và cần phân biệt với bệnh ác tính; như trường hợp CA125 trong tràn dịch, chủ yếu ở tổn thương trung-biểu mô (mesothelial lesions). Hoặc nồng độ tăng quá cao đến mức không sử dụng được như trường hợp SCCA trong bệnh da. Ngoài ra, còn có nguyên nhân kết hợp gây dương tính giả; như trường hợp CA19-9 ở bệnh gan vàng da hay do kích thích bởi một số sản phẩm của thuốc, tương tự như CA72-4.

9.2.3.Định lượng TM nhiều lần

Nếu TM chỉ tăng trong một lần XN thì ít có giá trị. Khi nghi ngờ, đặc biệt người có yếu tố nguy cơ cao nên XN tiếp 2 - 3 lần cách nhau một thời gian lâu hơn thời gian bán hủy trong huyết tương của TM đó (đa số là 15 – 20 ngày). Nếu nồng độ tăng liên tục (lớn hơn hệ số biến thiên giữa các lần định lượng) (trên khoảng tham chiếu) thì nhiều khả năng là ung thư, vì nó phản ánh sự tăng trưởng của khối u. Ngược lại nếu nồng độ không đổi hoặc có xu hướng giảm thì nên chú ý vào những bệnh có nguồn gốc không ác tính.

9.2.4. Chất gây nhiễu và yếu tố khác

Vấn đề này đang trở nên ngày càng quan trọng. Có thể do kháng thể thiếu tính đặc hiệu, phản ứng chéo với các phân tử khác, hoặc do xuất hiện những kháng thể không thuần nhất.... Các phương pháp định lượng TM trên thị trường không hoàn toàn tương tự nhau và do đó có thể cho những kết quả khác nhau ví dụ: CA19-9. Một điều cần chú ý khi định lượng và biện luận CA 19-9: CA 19-9 là một kháng nguyên glycoprotein mucin liên quan đến kháng nguyên nhóm máu Lewis. Chỉ những bệnh nhân có các nhóm máu Le (α-β+) hoặc Le (α+β-) mới có khả năng tổng hợp được kháng nguyên CA 19-9. Có khoảng 5-10% số người có Lewis âm tính (Lewis-negative) trong cộng đồng không có khả năng tổng hợp CA 19-9 và gây nên kết quả âm tính giả

9.3. Phối hợp các tumor marker

Không có chất chỉ điểm khối u nào có thể đạt được độ chính xác 100%, và một chất chỉ điểm khối u cũng có thể liên quan đến nhiều loại khối u, vì vậy trong lâm sàng có thể sử dụng phối hợp các TM.

STT LOẠI UNG THƯ SỰ KẾT HỢP CÓ THỂ CÁC TM
1 K Dạ dày CEA, CA72-4, CA 19-9, CA 50, CA 242
2 K Ruột CEA, CA 50, CA 242, CA 19-9
3 K Gan AFP
4 Chưa xác định bệnh lý K CEA, NSE, CYFRA21-1, CA125
5 K Phổi tế bào nhỏ CEA, NSE, Pro GRP
6 K biểu mô tế bào vảy Cyfra 21-1, SCC, TPA
7 K phổi tế bào lớn Cyfra 21-1, CA 125, TPA
8 K biểu mô tuyến phổi Cyfra 21-1, CEA, TPA
9 K vú CA 153, CEA
10 K buồng trứng CA 125, HE4, CEA
11 K tụy CA 19-9, CA 242, CEA
12 K tuyến tiền liệt PSA total, PSA free, p2PSA

 

9.4. Sử dụng XN dấu ấn ung thư trong điều trị

 hoa sinh 220.5

9.5. Kiểm soát chất lượng trong định lượng TM những yêu cầu cơ bản

Chất lượng xét nghiệm là xương sống, là uy tín của mỗi PXN. Các XN định lượng TM cũng phải tuân thủ rất chặt chẽ các yêu cầu để đảm bảo chất lượng:

Các yêu cầu tiền phân tích (Pre-analytic requirements)

Trong XN Hóa sinh, chất lượng luôn giữ tầm quan trọng cốt lõi, Phòng XN cần đạt tiêu chí đánh giá số 2429/QĐ-BYT ngày 12 tháng 6 năm 2017, chứng chỉ ISO 15189, CAP,..

Kết quả định lượng các TM có thể gây lo lắng hoặc ảnh hưởng đến thời gian sống còn lại của bệnh nhân, hoặc phác đồ điều trị. Trong XN nói chung và định lượng TM nói riêng đều trải qua 3 giai đoạn kèm theo các yêu cầu:

Đa số XN TM không đòi hỏi khắt khe, nhưng nếu không chú ý có thể gây phân tích nhầm lẫn. Hiếm khi bệnh nhân phải theo chế độ ăn đặc biệt hoặc điều kiện khắt khe trước khi lấy mẫu như trường hợp 5-hydroxyindoleacetic acid. Một số mẫu đòi hỏi loại bệnh phẩm riêng (huyết tương hay huyết thanh), bảo quản và vận chuyển và phải đúng cách, như các cytokine – vì thành phần định hình của máu có thể phóng thích ra các cytokine, do đó phải sử dụng huyết tương và phân tích nhanh. Trường hợp PSA (đặc biệt là PSA tự do) hoặc NSE thì phải tách cục máu khỏi huyết thanh trong vòng 3 giờ và mẫu thử phải bảo quản ở 4oC trong thời gian ngắn hoặc < -30 oC nếu để thời gian dài hơn.

Có đủ thông tin của bệnh nhân và tránh những tình huống đưa đến sai sót, ví dụ CA125 có thể tăng nhẹ trong những ngày có kinh, nên không lấy mẫu vào thời điểm này nhất là khi cần xác định sự tăng nhẹ để chẩn đoán bệnh sớm. Khi định lượng PSA cũng cần tránh như thăm khám tuyến tiền liệt bằng tay (qua trực tràng), sinh thiết, đặt ống catheter,.. trước khi lấy mẫu máu

Thời gian bán hủy của TM cũng cần chú ý, ví dụ thời điểm làm XN lần này (khi lặp lại) cách lần XN trước phải dài hơn thời gian bán hủy của TM đó. Không tiến hành XN CA125 trong vòng 10 – 15 ngày sau phẫu thuật vì vết thương ở phúc mạc có thể làm tăng nồng độ. Nồng độ TM có thể tăng sau hóa trị hoặc xạ trị ít nhất là 15 ngày.

Các yêu cầu trong phân tích.

XN TM giống như các XN khác phải tuân thủ qui định nội và ngoại kiểm chuẩn để bảo đảm chất lượng kết quả. Yêu cầu phải dùng phương pháp có chỉ số biến thiên giữa các lần định lượng < 5% và chỉ số biến thiên giữa các phương pháp định lượng < 10%.

Theo dõi các TM đóng vai trò quan trọng trong đánh giá kết quả điều trị hay khả năng tái phát của ung thư, để có kết quả ổn định nên thực hiện trên cùng hệ máy, cùng phương pháp và tại PXN đảm bảo chất lượng

Phải lưu ý khả năng sai sót do “hiệu ứng Hook”, chủ yếu ở những kỹ thuật dùng cùng loại kháng thể để bắt và phát hiện kháng nguyên. Phương pháp chính để phát hiện là XN hàng loạt. Nếu nghi ngờ có “hiệu ứng Hook” thì phải thử lại mẫu ở hai độ loãng khác nhau hoặc dùng phương pháp khoảng đo lớn hơn.

Các vấn đề khác có thể là tạp nhiễm khi vận chuyển (cần đánh giá thường kỳ) hoặc yếu tố gây nhiễu do kháng thể HAMA (human anti-mouse antibodies) làm sai số ở bệnh nhân đang dùng kháng thể đơn dòng để điều trị hoặc chẩn đoán. Vấn đề sai số ngày càng quan trọng; cần cảnh giác ngay khi thấy kết quả lạ hoặc không hợp lý vì sai lệch có thể xảy ra với mọi TM và các phương pháp.

Những kháng nguyên giống-mucin, nhất là CA19-9. Nếu còn nghi ngờ sai số, phải XN lại với độ loãng tăng dần hoặc xử lý bằng polyethylene glycol để xem có hồi phục không. Trong những mẫu không được pha loãng hoặc lâu hồi phục, ta nên nghi có sai số và báo cho bác sỹ lâm sàng.

Phải tìm lỗi về phương pháp như không có độ lặp lại khi kết quả cao hoặc thấp quá (PSA, ß-hCG).

Các yêu cầu sau khi phân tích

Đa số các TM có thể định lượng trên hệ thống máy tự động, để dành thời gian cho việc đối chiếu kết quả với tình trạng của bệnh nhân. Nhiều trường hợp tăng nhẹ trong những bệnh lý lành tính, có thể nồng độ TM tăng nhẹ do suy thận hoặc bệnh gan. Ví dụ, tắc mật không do ung thư có thể làm CA 19-9 tăng rất cao, nhưng sẽ giảm nhanh khi ống mật không bị tắc. Vì vậy, trong trường hợp nghi ngờ tắc mật lành tính, nên kiểm tra lại mức độ CA 19-9 khoảng 1-2 tuần sau khi nguyên nhân gây tắc ống mật được loại bỏ. Muốn được như vậy cần có thông tin của bệnh nhân. Do đó cần phải làm việc thành một nhóm với các chuyên khoa khác hoặc với bác sỹ ra chỉ định – như vậy thông tin về bệnh nhân mới đầy đủ và mới có thể thực hiện thành công những phác đồ phối hợp hoặc theo dõi chung nhau. Nếu bệnh nhân có tăng nhẹ nồng độ, và duy trì mãi như vậy mà không do điều trị đặc biệt, mà vẫn thực hiện trên một hệ thống máy và phương pháp XN thì coi chừng đây là kết quả dương tính giả, không cần phải lo lắng.

Khi nhận định giá kết quả, phải xem kết quả thay đổi như nào, thay đổi bệnh lý là khi nồng độ tăng hoặc giảm > 25%. Nếu kết quả trong giới hạn bình thường, chỉ cần đánh giá những thay đổi lớn, và nhớ rằng độ biến thiên sinh học có thế cao (> 100%) tùy theo loại TM và biên độ dao động của kết quả. Theo ETGM, độ biến thiên sinh học của TM ở đàn ông trên 50 tuổi khoảng 20%.

Hiện nay có nhiều kỹ thuật định lượng TM do nhiều công ty sản xuất khác nhau, sử dụng kháng thể từ nguồn khác nhau, do vậy các kết quả dẫn đến không tương đương. Vì lý do này nên ghi tên kỹ thuật, phương pháp, khoảng tham chiếu và hệ thống máy phân tích cần thể hiện trên phiếu kết quả. Nếu phương pháp thay đổi, phải để ý đổi tỷ lệ phần trăm (tăng hay giảm) và xem những giới hạn bình thường hoặc bất thường. Có lẽ cần phải thử bằng hai phương pháp cùng một lúc hoặc thử lại bằng cách khác khi đánh giá kết quả mới. Bất cứ khi nào thay đổi phương pháp thì phải ghi vào phiếu kết quả trong thời gian ít nhất là 6 tháng.

9.6. Một số dấu ấn ung thư chính, nguyên nhân dương tính giả và chỉ định

hoa sinh 320.5

hoa sinh 420.5

hoa sinh 520.5

hoa sinh 620.5

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image