Linh 23 tuổi, quê Hòa Bình, khóc lóc, buồn chán, không nói chuyện, luôn cho rằng mình đã mang bầu sau đó bị sảy thai, phải điều trị tâm thần.
Bệnh án ghi Linh kết hôn năm 2018, sống cùng gia đình chồng đến tháng 5/2020 thì chuyển ra ở riêng. Lấy chồng hai năm nay, Linh mong mãi mà chưa có con.
Cách đây 10 tháng, Linh thông báo với người nhà rằng mình đã mang thai, người nhà cũng thấy cô có biểu hiện nghén, bụng to, buồn nôn, nôn. Suốt 9 tháng qua, Linh thường tự đi khám, không có người nhà đi cùng. Gần đến ngày dự sinh, Linh đi khỏi nhà, vài ngày sau mới liên lạc với gia đình nói rằng đã sảy thai. Chồng và mẹ đẻ đưa Linh đến khám tại bệnh viện ở tỉnh, sau đó chuyển Bệnh viện Bạch Mai điều trị đầu tháng 10.
Ban đầu, Linh được đưa tới chuyên khoa Sản. Bác sĩ phát hiện cô có một vệt da màu đỏ dài trên da bụng ở vùng bụng dưới (hạ vị), phẳng, không nổi trên da, gần giống sẹo mổ. Tuy nhiên sau quá trình thăm khám, bác sĩ kết luận Linh chưa từng mang thai và không được mổ lấy thai.
Linh khóc lóc, không chịu nói chuyện, được chuyển điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần. Bác sĩ chỉ định "theo dõi rối loạn hoang tưởng", nhập viện theo dõi, chưa dùng thuốc tâm thần.
Bác sĩ cho biết Linh có biểu hiện mang thai giả. Tình trạng này xuất hiện trong hoàn cảnh Linh gặp căng thẳng về con cái, sau đó luôn tin tưởng rằng mình mang thai đồng thời có các biểu hiện như mang thai.
Ảnh minh họa khám cho bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai.
Việc điều trị cho Linh khó khăn do người nhà không nắm rõ tình trạng mang thai của cô, không thể cung cấp thông tin. Trong khi đó, cô không chịu nói chuyện, khó tiếp xúc, hầu như không trả lời câu hỏi của bác sĩ. Bác sĩ phải nhiều lần giải thích tình trạng bệnh, đồng thời áp dụng biện pháp điều trị tâm lý với Linh và người nhà.
Sau hai ngày, Linh bắt đầu nói chuyện, chấp nhận tình trạng không có thai của bản thân song còn buồn, ít nói, căng thẳng. Gia đình đã xin cho cô ra viện mặc dù tình trạng chưa ổn định, sau đó không tái khám.
Đây là trường hợp mang thai giả đầu tiên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trong năm 2020. Vào tháng 6, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Quảng Nam, cũng điều trị cho một trường hợp mang thai giả. Cặp vợ chồng đã lấy nhau 7 năm song không có con nên tới thầy tâm linh cho thuốc, đến khi mang bụng nặng nề đi đẻ mới phát hiện không có thai.
Bác sĩ khuyến cáo, gia đình cần sớm đưa bệnh nhân đi khám tại các cơ sở y tế, tốt nhất là các cơ sở có đầy đủ chuyên khoa Sản, Tâm thần, Nội tiết khi nghi mang thai giả. Người nhà cần động viên, giải thích nhưng không phủ định quyết liệt tình trạng của bệnh nhân nếu không có hướng dẫn của nhân viên y tế, tránh bệnh nhân suy nghĩ tiêu cực.
Vợ chồng hiếm muộn nên tới khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, không nên chữa bệnh theo tâm linh, tránh tốn kém chi phí và không mang lại hiệu quả điều trị.
Nguồn: https://vnexpress.net