Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Hội chứng tiêm truyền liên quan đến vancomycin

Vancomycin là một kháng sinh glycopeptid phổ hẹp, có tác dụng ức chế sinh tổng hợp vách tế bào, tác động đến tính thấm màng tế bào và quá trình tổng hợp ARN của vi khuẩn gây bệnh.

Sử dụng vancomycin có thể gây ra các phản ứng quá mẫn, bao gồm hội chứng do tiêm truyền vancomycin và phản vệ. Hội chứng tiêm truyền liên quan đến vancomycin (vancomycin flushing syndrome - VFS), hay còn được gọi là phản ứng truyền vancomycin (vancomycin infusion reaction – VIR) hoặc thông dụng hơn là hội chứng “Người đỏ” (Red man syndrome - RMS).

Nguyên nhân, tỷ lệ gặp: VFS là một phản ứng “giả dị ứng” hay “phản ứng dạng phản vệ” do sự mất hạt của tế bào mast và bạch cầu ưa kiềm dẫn đến giải phóng histamin, không phụ thuộc vào kháng thể IgE hay thông qua con đường hoạt hóa bổ thể. Nguyên nhân gây ra hội chứng do tiêm truyền vancomycin thường liên quan đến tốc độ truyền thuốc. Trên lâm sàng có thể không dễ dàng phân biệt dạng phản vệ liên quan đến tiêm truyền với phản ứng dị ứng qua trung gian IgE. VFS là phản ứng bất lợi thường được ghi nhận nhất đối với vancomycin tiêm truyền tĩnh mạch, với tần suất dao động từ 4% đến 50% người bệnh được điều trị bằng vancomycin tiêm truyền tĩnh mạch. Phản ứng này hiếm khi đe dọa tính mạng, mặc dù có thể có biểu hiện độc tính trên tim mạch, thậm chí ngừng tim.


 

Biểu hiện lâm sàng: Biểu hiện lâm sàng của VFS bao gồm ngứa, đỏ da vùng mặt, cổ, nửa người trên, cũng có thể biểu hiện trên tay, chân nhưng với  tỷ lệ thấp hơn. Các triệu chứng này thường thoái lui trong vòng 20 phút, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể kéo dài trong vòng nhiều giờ. Một số biểu hiện khác đã được ghi nhận bao gồm đau ngực, co thắt cơ trơn, hạ huyết áp hoặc phù mạch. Hạ huyết áp có liên quan đến tốc độ truyền vancomycin. Các dấu hiệu của VFS có thể xuất hiện trong vòng 4 - 10 phút kể từ khi bắt đầu truyền tĩnh mạch liều vancomycin đầu tiên. Hội chứng này có thể xảy ra trong quá trình truyền, vừa mới kết thúc truyền hoặc ở các lần truyền thuốc tiếp theo trong vòng 7 ngày.

Chẩn đoán phân biệt: VFS nên được phân biệt với phản vệ. VFS và phản vệ đều có các biểu hiện tương tự nhau như ngứa, phát ban đỏ và nhịp tim nhanh. Tuy nhiên biểu hiện của phản vệ thường bao gồm thở rít, phù mạch, nổi mề đay và thở khò khè do co thắt phế quản. Phản vệ là phản ứng dị ứng thông qua trung gian IgE và cần có sự tiếp xúc với  dị nguyên (thuốc) trước đó. Trong khi đó, VFS là một phản ứng bất lợi dạng phản vệ liên quan đến tốc độ truyền thuốc và thường hay gặp nhất trong lần đầu tiên tiêm truyền tĩnh mạch vancomycin.

Xử trí: Nếu xuất hiện VFS, cần ngừng truyền ngay vancomycin.

- Các trường hợp nhẹ (đỏ mặt nhẹ và ngứa nhẹ) có thể được kiểm soát bằng thuốc kháng histamin H1 và H2 như diphenhydramin (50 mg đường uống hoặc đường tĩnh mạch) và cimetidin (300 mg tiêm tĩnh mạch) hoặc famotidin (20 mg tiêm tĩnh mạch). Đa số các triệu chứng sẽ hết trong vòng 20 phút và có thể truyền lại vancomycin với tốc độ bằng một nửa tốc độ truyền trước đó, với thời gian kéo dài hơn 2 giờ. Vancomycin được dung nạp tốt hơn khi liều dùng trong ngày được chia nhỏ và số lần dùng thuốc nhiều hơn.

- Các trường hợp vừa đến nặng (phát ban nặng, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đau ngực, đau lưng, co thắt cơ, suy nhược, phù mạch) nên được quản lý theo mức độ nghiêm trọng của phản ứng. Người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng nên được đánh giá về sốc phản vệ hoặc nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng hiện tại của người bệnh trước khi cho rằng đó là hội chứng tiêm truyền do vancomycin (VFS). Nếu người bệnh được xác định mắc VFS, có thể bắt đầu dùng thuốc kháng histamin như diphenhydramin và cimetidin/famotidin theo đường tĩnh mạch. Nếu xuất hiện tụt huyết áp, cần truyền dịch và sử dụng thuốc làm tăng huyết áp trong trường hợp nặng. Hạ huyết áp là vấn đề đáng quan ngại nếu xuất hiện tại phòng mổ sau dùng vancomycin làm kháng sinh dự phòng. Người bệnh có dùng thuốc chẹn beta trước phẫu thuật có khả năng ngăn ngừa phản ứng tụt huyết áp do truyền vancomycin. Sau khi hết các triệu chứng, vancomycin có thể được truyền lại trong vòng 4 giờ hoặc dài hơn 4 giờ. Nên sử dụng kháng sinh thay thế cho vancomycin nếu có sẵn thuốc phù hợp. Trong trường hợp cần tiếp tục sử dụng vancomycin, nên dự phòng bằng thuốc kháng histamin trước mỗi liều vancomycin, với thời gian truyền thuốc dài hơn 4 giờ và tiếp tục theo dõi huyết động học trong quá trình truyền.

- Nếu có các triệu chứng của sốc phản vệ,  như thay đổi trạng thái tinh thần, hạ huyết áp, thở rít, khó thở, thở khò khè và nổi mề đay, nên áp dụng ngay phác đồ xử trí phản vệ, dùng sớm adrenalin.

Người bệnh cần truyền nhanh vancomycin có thể được dự phòng trước bằng diphenhydramin và cimetidin/famotidin. Tuy nhiên, biện pháp phòng ngừa tốt nhất để tránh VFS là duy trì tốc độ truyền ≤ 10 mg/phút (tương ứng với  ≤ 1 gam/100 phút) và thay đổi luân phiên vị trí truyền thuốc.

Bảng 1. Hướng dẫn pha dung dịch truyền và tốc độ truyền vancomycin

1

Truyền ngắt quãng:

 

Liều vancomycin trong 1 lần truyền

Lưu ý pha truyền trong dung môi

≤ 1.000 mg

pha trong 250 mL, truyền trong 60 phút

1.000 mg – 1.500 mg

pha trong 250 mL, truyền trong ít nhất 90 phút

≥ 1.500 mg

pha trong 500 mL, truyền trong ít nhất 120 phút

2

Truyền liên tục:

 

Dung dịch sau pha loãng có nồng độ 4 mg/mL (tương ứng với pha 1.000 mg vancomycin trong 250 mL dung môi), truyền thuốc với tốc độ tương ứng với chức năng thận của người bệnh.

Lưu ý:

- Dung môi: natri clorid 0,9% hoặc glucose 5%;

- Vancomycin được truyền liều nạp theo cân nặng và liều duy trì theo mức lọc cầu thận của người bệnh (tham khảo quy trình của bệnh viện);

- Với người bệnh phải hạn chế dịch, nồng độ vancomycin sau pha loãng cần đảm bảo ≤ 10 mg/mL.

* Tham khảo các thông điệp trên, lưu ý các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai theo dõi nguy cơ xuất hiện hội chứng tiêm truyền liên quan đến vancomycin (VFS) khi sử dụng các thuốc có chứa vancomycin hiện đang lưu hành tại Bệnh viện Bạch Mai bao gồm: Voxin 500 mg, Vancomycin 500 mg (Vĩnh Phúc), Vancomycin hydrochloride for infusion 1 g.

Điểm tin: ThS. Nguyễn Thị Thu Hà,

Đơn vị Dược lâm sàng – Thông tin thuốc, Khoa Dược

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image