Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Hướng dẫn sử dụng thuốc hít, xịt ở người mắc bệnh phổi mãn tính

Phần lớn những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản điều trị ngoại trú được kê và sử dụng các dụng cụ phân phối thuốc đường hô hấp cầm tay (các bình hít, xịt định liều). Lợi ích chung của các thuốc này đó là thuốc được phân phối và có tác dụng tại chỗ (ở các niêm mạc đường hô hấp trên và dưới), không gây ra các phản ứng toàn thể và hiệu quả nhanh.

Tuy nhiên hiệu quả sử dụng các dụng cụ phân phối thuốc đường hô hấp phụ thuộc rất nhiều vào kĩ thuật và khả năng hít của người bệnh – góp phần lớn vào việc quản lý bệnh hen và phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà. Vậy làm thế nào để sử dụng thuốc hít xịt đúng cách và hiệu quả?

Dưới đây là 4 loại dụng cụ phân phối thuốc đường hô hấp thường gặp và cách sử dụng của từng loại nhằm mục đích nâng cao hiệu quả điều trị bằng thuốc khí dung qua đường hô hấp.

1. Bình hít định liều (MDI- Metered Dose Asthma Inhalers)


Hình 1a. Một số loại bình hít định liều được sử dụng ở bệnh nhân mắc bệnh phổi mãn tính

Ưu điểm của các loại bình hít này ngoài việc là nhỏ gọn và dễ mang theo, thiết bị còn có khả năng phân bố nhiều liều cùng lúc. Tuy nhiên, loại bình hít này yêu cầu người sử dụng phải phối hợp tốt giữa động tác cầm nắm và thì hít vào (Hình 1b).

Hình 1b. Hướng dẫn sử dụng bình hít định liều (MDIs)

Nguồn : Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Bộ Y tế

 Đối với người bệnh gặp khó khăn trong việc sử dụng bình hít đơn thuần (cầm nắm và hít thở kém) thì buồng đệm sẽ giúp cải thiện phân bố thuốc và giảm lượng thuốc dính ở họng (có thể gây khó chịu hoặc nhiễm khuẩn ở những vùng thuốc đọng) hoặc mất vào không khí hơn. Những đối tượng này thường là trẻ em, người lớn tuổi khó phối hợp động tác tay và thở.

Hình 1c. Buồng đệm có van một chiều ngăn cho người bệnh thở lại vào buồng đệm

Hình 1d. Buồng đệm với mặt nạ được sử dụng đối với trẻ em dưới 5 tuổi

Kỹ thuật hít thuốc với buồng đệm được thực hiện y hệt kỹ thuật sử dụng bình hít định liều, chỉ khác là thay vì ngậm trực tiếp vào ống dẫn thuốc, người bệnh hít thuốc bằng đầu buồng đệm hoặc hít thuốc qua mặt nạ nối với buồng đệm.


Hình 1e. Hướng dẫn sử dụng buồng đệm với bình hít định liều

2. Bình hít bột khô Accuhaler


2a. Thuốc dùng đường hô hấp dưới dạng bột khô accuhaler

Bình hít bột khô (DPI) có ưu điểm là được kích hoạt bởi nhịp thở, không cần buồng đệm và giữ nhịp thở sau khi hít vào, cũng như không chứa chất đẩy. Tuy nhiên đi kèm theo đó, muốn phân bố thuốc tốt thì người bệnh phải có lưu lượng thở thích hợp; ngoài ra, thuốc có thể lắng đọng ở hầu họng và việc bảo quản thuốc không đạt tiêu chuẩn có thể dễ khiến thuốc bị vón cục, làm giảm lượng phân bố thuốc vào phổi. Cho nên cần chú ý giữ bình thuốc khô, tránh bị ngấm hoặc nhúng nước, lau ống ngậm và làm khô ngay sau khi hít thuốc, tuyệt đối không nuốt viên nang dùng để hít.

Hình 2b. Hướng dẫn sử dụng Accuhaler

Nguồn : Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Bộ Y tế

3. Bình hít bột khô Turbuhaler

Tương tự như bình hít bột khô accuhaler, bình hít turbuhaler được thiết kế để đưa thuốc dưới dạng bột mịn vào đường hô hấp bằng nguyên lý hít thở, tuy nhiên, ống hít turbuhaler còn có bộ đếm liều hiển thị chính xác lượng thuốc còn lại, nếu không có bộ đếm liều, người bệnh có thể kiểm tra chỉ thị đỏ ở cửa sổ của thiết bị, nếu thấy vạch đỏ có nghĩa là còn khoảng 20 liều thuốc.

Hình 3a. Bình hít bột khô turbuhaler

Hình 3b. Hướng dẫn sử dụng Turbuhaler

Nguồn : Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Bộ Y tế

4. Bình hít hạt mịn dưới dạng phun sương Respimat

Bình hít respimat là công cụ phân phối thuốc với thiết kế đặc biệt giúp tạo ra các hạt mịn dưới dạng phun sương. Ưu điểm của thiết kế mới này đó là các phân tử thuốc sẽ đi vào phổi dưới dạng phun sương giúp thuốc được phân bố tốt và đều hơn so với phân tử thuốc dạng bột. Tuy nhiên, loại bình hít này cần phối hợp tốt giữa các động tác tay và hít thở để có thể đưa thuốc vào sâu trong đường thở hơn.


 

 


Hình 4a. Một số bình hít dạng phun sươg Respimat

Hình 4b: Hướng dẫn sử dụng dụng cụ Respimat

Nguồn : Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Bộ Y tế

5. Breezhaler

Bộ breezhaler gồm có một ống hít Breezhaler và vỉ thuốc chứa viên nang được sử dụng trong ống hít (hình 5a).

Hình 5a. Bình thuốc dạng breezhaler

Hình 5b. Hướng dẫn sử dụng Breezhaler

Nguồn : Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Bộ Y tế

6. Khí dung

Máy khí dung là thiết bị chuyển dung dịch thuốc từ dạng nước thành dạng phun sương để tối ưu hóa sự lắng đọng thuốc ở đường hô hấp dưới. Các thuốc có thể sử dụng dưới dạng khí dung bao gồm corticosteroid, thuốc giãn phế quản, thuốc kháng cholinergic, kháng sinh, thuốc làm loãng đờm. Đây là một trong những phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp giúp chống viêm tại chỗ cũng như để điều trị co thắt phế quản, tắc nghẽn đường thở. Ưu điểm của máy khí dung là sử dụng cho người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ, những đối tượng không thể phối hợp các thao tác tay và hít thở và có thể phân phối liều thuốc lớn hơn. Tuy nhiên đi kèm với đó sẽ là nhược điểm như máy cồng kềnh, cần sử dụng nguồn điện để máy hoạt động, giá thành cao hơn và lượng thuốc bị mất vào không khí cũng nhiều hơn.

Một số tác dụng phụ tại chỗ khi sử dụng máy khí dung có thể là ho, khàn giọng, nhiễm nấm vùng hầu họng, kích thích niêm mạc hầu họng hoặc kích thích da mặt nếu sử dụng chụp mũi - miệng. Do đó, khi sử dụng chụp mũi - miệng cần lắp vừa khít và sau khí dung nên súc miệng sạch.


Hình 6a. Một số máy khí dung thường được sử dụng


Hình 6b. Các loại thuốc được sử dụng với máy khí dung

Cách sử dụng:

  • Chuẩn bị dụng cụ: Đặt máy khí dung và các phần mặt nạ khí dung trên một mặt phẳng. Lắp các bộ phận của máy và nối với nguồn điện.
  • Chuẩn bị thuốc: Rửa tay sạch, sau đó lấy thuốc (nước muối 0.9% hoặc các thuốc khí dung theo tép sẵn như ảnh) và cho vào cốc đựng thuốc. Chú ý cho lượng thuốc theo đúng liều được bác sĩ chỉ định. Đóng nắp.
  • Khí dung: Nối phần bầu đựng thuốc với ống ngậm hoặc mask. Nối phẩn cuối của bầu đựng thuốc với dây nối với máy nén khí. Đeo mặ nạ lên và chỉnh dây vừa khít với khuôn mặt để tránh thuốc mất vào không khí. Bật máy và kiểm tra thuốc có được phun ra thành các dòng sương không.
  • Trong quá trình khí dung, theo dõi các phản ứng. Dừng máy ngay khi người bệnh cảm thấy khó chịu hoặc có các dấu hiệu khác.
  • Sau khi khí dung: khi không thấy khí phun ra nữa thì có nghĩa là quá trình khí dung đã kết thúc.
  • Vệ sinh vùng hầu họng và da mặt. Đây là những vùng tiếp xúc nhiều với thuốc nhất, việc vệ sinh đúng cách sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ trên những bộ phận đó.
  • Vệ sinh máy và các bộ phận: sau khi dùng, tháo mặt nạ hoặc ống ngậm, bầu đựng thuốc ra khỏi dây nối nhựa. Rửa mặt nạ, ống ngậm và bầu đựng thuốc dưới vòi nước, để khô. Lắp lại vào ống dẫn rồi bật công tắc cho máy chạy khoảng 20 giây để làm khô ở phía trong.

Các thao tác sử dụng thuốc hít xịt rất quan trọng và yêu cầu người sử dụng phải tuân thủ đầy đủ các bước hướng dẫn. Ngoài ra, việc vệ sinh các dụng cụ hít xịt sau khi sử dụng cũng rất quan trọng nhằm làm giảm nguy cơ tích tụ vi khuẩn đặc biệt là ở đầu ngậm của dụng cụ. Sau đây là một vài lưu ý dành cho người bệnh khi bảo quản và làm sạch các bình đựng thuốc phân phối qua đường hô hấp:

  • Tuyệt đối không ngâm và rửa trực tiếp các bình đựng thuốc
  • Chi tiết cần phải vệ sinh nhất của bình đựng thuốc đó là đầu ngậm ống. Đối với các bình đựng thuốc thông thường, chỉ cần lau và vệ sinh ống ngậm cùng nắp bằng nước ấm và để qua đêm cho tự khô. Việc vệ sinh buồng đệm cũng tương tự như vậy

Đối với trường hợp người bệnh dùng mặt nạ để phối hợp với dụng cụ hít, xịt, chỉ cần tháo mặt nạ và rửa với nước ấm sau khi sử dụng.

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image