Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Không khí ô nhiễm, làm sao bảo vệ sức khỏe?

 Nồng độ bụi siêu mịn (PM 2.5) liên tục gia tăng trong những ngày gần đây khiến người dân hết sức lo lắng, không biết nên làm gì để bảo vệ sức khỏe khi không khí ô nhiễm, nhiều bụi mịn, đặc biệt với những người mắc bệnh hô hấp mãn tính.

bui min 0 15699975683572007429074

Đeo khẩu trang khi ra đường là một trong những cách giúp ngăn bớt bụi mịn 

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm bụi mịn trong không khí gia tăng, tỉ lệ người mắc bệnh hô hấp như hen, phổi tắc nghẽn mãn tính... phải nhập viện cũng gia tăng đáng kể. 

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí được cho là liên quan đến 30% ca tử vong liên quan đến ung thư phổi, 40% ca tử vong liên quan đến bệnh lý hô hấp, 25% ca đột quỵ não và bệnh lý tim mạch.

Mặc dù rất nguy hiểm nhưng tác nhân bụi không khí mới được quan tâm trong 3-4 năm trở lại đây và hiện đang là mối lo hàng đầu của người dân.

Nhưng đối phó với bụi, trong đó có bụi mịn, như thế nào thì còn rất nhiều người chưa biết cách.

Để giải đáp những băn khoăn của bạn đọc, từ 9-10h30 sáng 3-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Y tế tổ chức buổi tư vấn trực tuyến "Giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí bằng cách nào?". 

Tại buổi tư vấn, các khách mời gồm PGS-TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe lao động và môi trường, Bộ Y tế; PGS-TS Phan Thu Phương - Phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và TS-BS Trịnh Hồng Nhiên - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) đã tư vấn cặn kẽ về cách chăm sóc sức khỏe "mùa" ô nhiễm, cách dùng khẩu trang đúng, cách "lọc" ô nhiễm khi không có điều kiện mua máy lọc không khí...

Bụi không khí xuất hiện nhiều thời điểm này vì sao? Nếu muốn góp phần ngăn chặn bụi không khí, người dân có thể làm gì?
PGS-TS Doãn Ngọc Hải:

Chúng ta cảm nhận việc bụi trong không khí xuất hiện nhiều tại thời điểm này vì hiện tượng của thời tiết như các chuyên gia nói có thể do nghịch nhiệt, dẫn đến việc làm sạch không khí một cách tự nhiên bị cản trở, bị chậm lại nên bụi lơ lửng trong không khí lâu hơn và có thể gây tích tụ, dẫn đến những chỉ số ô nhiễm cao trong khoảng thời gian dài. Nếu thời tiết thay đổi như có mưa hoặc khi hết hiện tượng nghịch nhiệt, việc làm sạch tự nhiên thuận lợi hơn, chất lượng không khí sẽ cải thiện nhanh như "cơn mưa vàng" ở Hà Nội sáng ngày 3-10.

Việc ô nhiễm không khí có nhiều nguồn, trong đó có nguồn do hoạt động của người dân gây ra, như sử dụng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, đốt rác, không vệ sinh môi trường xung quanh, ít quan tâm đến trồng cây. Ngoài ra, việc người dân sử dụng các phương tiện giao thông quá hạn, không được kiểm định, bảo dưỡng, rửa sạch sẽ cũng là nguồn gây ô nhiễm.

Để góp phần giảm ô nhiễm, mỗi người dân có thể đóng góp từ những hành động nhỏ như vệ sinh cảnh quan môi trường xung quanh, trồng nhiều cây, không đốt rơm rạ, không đốt rác cũng như sử dụng đúng cách, đúng hướng dẫn với phương tiện giao thông mình đang sử dụng. Một số hành động đơn giản như tắt động cơ xe máy khi dừng chờ đèn đỏ, không vứt rác nơi công cộng cũng góp phần hạn chế bớt nguồn thải gây ô nhiễm không khí.

gltt o nhiem 4
PGS-TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe lao động và môi trường, Bộ Y tế tại buổi giao lưu
trọng nghĩa:
1. Tại gia đình, góc độ người dân, bác tự bảo vệ mình trong thời gian bụi nhiều như thế nào? Mua thiết bị đo PM 2.5, máy lọc không khí?... 2.Giải pháp nào bảo vệ trẻ nhỏ tiểu học, mầm non? Nhà trường, gia đình phối hợp lắp các thiết bị đo bụi PM 2.5 trong lớp trường thế nào để theo dõi đảm bảo sức khỏe các cháu? Ngưỡng nào bụi PM 2.5 thì cho các con ở nhà? Phụ huynh có nên tự góp kinh phí nhà trường hỗ trợ chỗ lắp, theo tôi tìm hiểu 1,5 triệu 1 máy đo cơ bản của xiaomi?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Máy lọc không khí tốt thì cần có bộ lọc đầy đủ gồm có 3 màng lọc: màng lọc thô - lọc bụi lớn, phấn hoa...; màng thứ hai - cũng là lớp quan trọng nhất - lọc bụi mịn (bụi PM2.5) thường là loại lọc chuẩn HEPA; màng thứ ba thường là carbon hoạt tính giúp hấp thụ mùi, vi khuẩn gây hại, nấm mốc.

Trong các máy lọc không khí hiện đại thì mang lọc số 3 có thể thêm tính năng khác (công nghệ ion, công nghệ than hoạt, công nghệ chọn lọc các khói ô nhiễm độc hại như khói thuốc...). Với từng loại máy, trong khi lõi 1 và 2 thường cố định với các máy lọc khí tiêu chuẩn.

Các máy lọc không khí chỉ có tác dụng trong một phạm vi nhất định, thường trong khoảng 20-30m2. Cần chú ý sắp xếp các vật dụng trong phòng gọn gàng để tăng hiệu quả của máy. Ngoài ra, cần chú ý kiểm tra để súc rửa hoặc thay thế các màng lọc theo định kỳ hoặc màng ngoài đã bám quá nhiều bụi bẩn.

Các thiết bị đo bụi mịn PM nhìn chung chỉ có tác dụng quan trắc theo chỉ số ở một diện tích nhất định và chất lượng không thể so sánh các phương tiện của các cơ quan chức năng chuyên biệt. Hiện tại ở TP.HCM và Hà Nội đã có nhiều thiết bị quan trắc môi trường của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ với chất lượng đáng tin cậy. Người dân có thể tham khảo chỉ số này để có phương án phòng ngừa sức khỏe cho chính mình và người thân.

Điều quan trọng là các cơ quan này cần có cơ chế thông báo chính xác và kịp thời về thời gian và địa điểm khi có cảnh báo ô nhiễm vượt ngưỡng an toàn.

Hiện tại có một số ứng dụng cho phép người sử dụng cập nhật, theo dõi các chỉ số về không khí nhanh chóng và đáng tin cậy, anh/chị có thể tải về để tham khảo.

gltt o nhiem 2
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (trái) tại buổi tư vấn sáng 3-10
Lưu Hải Triều:
Nhờ bác sĩ cho biết cơ chế tác động của bụi không khí đến cơ thể người?
PGS-TS Phan Thu Phương:

Trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.Việc tiếp xúc với các hạt bụi trong thời gian ngắn hạn và dài hạn là các nguyên nhân gây ra các bệnh lý cấp tính và mạn tính.

Máy lọc không khí bán trên thị trường có lọc hiệu qua không thưa bác sĩ?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Máy lọc không khí tốt thì cần có bộ lọc đầy đủ gồm có 3 màng lọc: màng lọc thô - lọc bụi lớn, phấn hoa...; màng thứ hai - cũng là lớp quan trọng nhất - lọc bụi mịn (bụi PM2.5) thường là loại lọc chuẩn HEPA; màng thứ ba thường là carbon hoạt tính giúp hấp thụ mùi, vi khuẩn gây hại, nấm mốc.

Trong các máy lọc không khí hiện đại thì mang lọc số 3 có thể thêm tính năng khác (công nghệ ion, công nghệ than hoạt, công nghệ chọn lọc các khói ô nhiễm độc hại như khói thuốc...). Với từng loại máy, trong khi lõi 1 và 2 thường cố định với các máy lọc khí tiêu chuẩn. 

Các máy lọc không khí chỉ có tác dụng trong một phạm vi nhất định, thường trong khoảng 20-30m2. Cần chú ý sắp xếp các vật dụng trong phòng gọn gàng để tăng hiệu quả của máy. Ngoài ra, cần chú ý kiểm tra để súc rửa hoặc thay thế các màng lọc theo định kỳ hoặc màng ngoài đã bám quá nhiều bụi bẩn.

Sáu Thành:
Việc sử dụng khẩu trang và các thiết bị bảo vệ thế nào là hợp lý để phòng các bệnh hô hấp trong thời điểm này?
PGS-TS Phan Thu Phương:

Đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng do cơ quan chức năng chứng nhận (giúp cản bụi mịn), khẩu trang phải ôm kín mặt, có gọng mũi và van thở lọc 1 chiều khi ra đường. Nếu không có khẩu trang đạt tiêu chuẩn, bạn có thể sử dụng 2 khẩu trang y tế lồng vào nhau để tăng hiệu quả tránh bụi.

gltt o nhiem 8
PGS-TS Doãn Ngọc Hải (thứ hai từ phải sang) và PGS-TS Phan Thu Phương (thứ hai từ trái sang) tại buổi tư vấn trực tuyến sáng 3-10
Lê Bích Ngọc:
Bụi không khí thường hiện diện trong tầm nào của khoảng không gian trời? Tôi đang tầng 29 một chung cư tại quận Bình Thạnh. Vị trí này cũng khá cao so với mặt đất. Mới đây, tôi nghe mọi người nói càng lên cao thì bụi mịn càng ít phải. Mong bác sĩ lý giải giúp tôi?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Sự phân bố các hạt bụi mịn và các chất gây ô nhiễm khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: nhiệt độ, độ ẩm, gió. Thông thường các hạt bụi mịn có khuynh hướng ở vùng thấp, tuy nhiên khi có gió hoặc nhiệt độ tăng cao thì các chất này có thể bay lên cao do hiện tượng đối lưu. Vì vậy, các chất này có thể phân bố khắp hết tầng đối lưu của khí quyển. Việc ở tầng cao cũng không thể đảm bảo tránh được tác hại của những yếu tố này. Vì vậy, anh/chị chú ý phòng tránh môi trường trong nhà và xung quanh khu vực mình sinh sống.

Nguyễn Thị Tám:
Tôi năm nay 54 tuổi, sinh sống TP.HCM đã hơn 10 năm qua. Chưa lúc nào tôi cảm thấy bất an và lo ngại cho sức khỏe mình như những ngày gần đây vì ô nhiễm không khí mức báo động. Tôi có thói quen tập thể dục mỗi sáng, thường từ 6h30-7h30. Đọc báo tôi thấy các chuyên gia khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Vậy thưa bác sĩ, thời điểm này cụ thể là lúc nào? Khoảng thời gian tôi tập thể dục có bị ảnh hưởng không? Nếu có thì tôi nên cần tập ra sao (thời gian, địa điểm, bài tập)? Rất mong nhận được lời khuyên bác sĩ?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Những thời điểm ô nhiễm không khí nặng thường là những giờ cao điểm khi có nhiều phương tiện tham gia giao thông. Khoảng thời gian từ 6h30-7h30 là thời điểm nhiều người đi làm, đi học nên có nhiều nguy cơ ô nhiễm nặng. Nếu được bác có thể tập thể dục vào khung giờ sớm hơn và cần lưu ý lựa chọn những nơi thông thoáng, có nhiều cây xanh và tập những bài tập nhẹ nhàng, tránh gắng sức nặng.

gltt o nhiem 1
Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng hoa TS-BS Trịnh Hồng Nhiên - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (phải) tại buổi tư vấn sáng 3-10
Lê Thị Thái Hà:
Trong nhà đóng cửa suốt thì có cần thiết bị lọc không khí? Những dấu hiệu như mắt cay, mũi ngứa... có liên quan gì đến yếu tố bụi không khí không?
PGS-TS Doãn Ngọc Hải:

Như bạn nói, việc đóng cửa suốt cũng không thể khẳng định được 100% ngăn được ô nhiễm, vì không khí nếu có ô nhiễm vẫn có thể đi qua khe cửa, thông gió hoặc khi mở cửa ra vào. Khi có những triệu chứng như mắt cay, ngứa mũi, cần xem cụ thể xem nguồn gốc gây ra những hiện tượng đó là gì, việc này cần được khám, chẩn đoán vì cũng có thể do dị ứng mà không liên quan đến ô nhiễm không khí.

Khi bạn cảm thấy không an tâm về chất lượng không khí trong nhà, bạn có thể lựa chọn một thiết bị lọc không khí và khử mùi phù hợp với điều kiện kinh tế.

Trang Vu:
Tôi được 60 tuổi, áp huyết đo bình thường không bị cao, nhưng không biết tại sao khoảng 3 tuần trở lại đây, tôi hay bị choáng váng, sáng ngủ dậy chóng mặt, 1 bên tay rất khó cử động, xin hỏi tôi sẽ khám bệnh ở đâu để có thể được giúp chẩn đoán bệnh đúng, cảm ơn ban tư vấn!
PGS-TS Phan Thu Phương:

Với các triệu chứng như bác chia sẻ, bác cần phải đến cơ sở y tế để các bác sĩ chẩn đoán bệnh.

gltt onhiem 9
PGS-TS Phan Thu Phương (trái) - Phó giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai 
Văn Hải:
Khi chọn thiết bị lọc không khí thì cần lựa chọn dựa trênnhững yếu tố nào?
PGS-TS Doãn Ngọc Hải:

Khi lựa chọn thiết bị lọc không khí, cần đáp ứng các yếu tố sau:

Thứ nhất, thiết bị đó phải lọc sạch không khí theo tỉ lệ do nhà sản xuất công bố.

Thứ hai, thiết bị đó có chức năng khử mùi, khử khuẩn, vì khi xảy ra ô nhiễm thường có khả năng ô nhiễm bụi, ô nhiễm mùi và nguy cơ về nhiễm khuẩn. Ngoài ra có thể lựa chọn những thiết bị có thêm những chức năng khác như tạo độ ẩm, hẹn giờ, tuỳ theo điều kiện kinh tế của gia đình để lựa chọn.

Tuy nhiên, khi mua các thiết bị, gia đình cần mua ở các cơ sở có uy tín, có bảo hành, ngoài ra cần kiểm chứng về những thông tin mà cơ sở bán máy công bố.

Hằng Thy:
Con tôi đi học xa, đi đến 10km, giờ ô nhiễm quá tôi rất lo cho con. Đeo khẩu trang vẫn thấy không an tâm vì đằng nào không khí cũng len qua kẽ hở khi ta thở mà vào phổi. Liệu có cách nào để tăng cường bảo vệ sức khỏe cho cháu không bác? Cảm ơn bác!
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Theo tôi, chị có thể cho cháu di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, nếu được thì cho cháu đi học sớm, tránh giờ cao điểm khi mà nhiều phương tiện giao thông hoạt động.

Còn việc đeo khẩu trang và các phương tiện phòng hộ khác, chị vui lòng xem những câu đã trả lời trước.

Mai Hải Tùng:
Khi có việc phải đi xe máy ra ngoài đường thì dùng khẩu trang loại nào để hạn chế ô nhiễm xâm nhập đường hô hấp? Có cần phải dùng thuốc hay dung dịch rửa mặt mũi khi về đến nhà hay không?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Về việc dùng khẩu trang phù hợp tránh bụi không khí xâm nhập đường hô hấp, anh/chị vui lòng xem câu trả lời trước đó. Cần chú ý khẩu trang chỉ được sử dụng một lần, không giặt sử dụng lại vì sẽ làm phá hủy lớp màng bảo vệ.

Sau khi ở ngoài về, anh/chị có thể vệ sinh cá nhân bằng cách tắm rửa bằng xà phòng; nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Vân Hà:
Những người mắc bệnh lý hô hấp được cho là dễ bị tác động do ô nhiễm không khí. Nếu ô nhiễm không khí thì những ngwofi có bệnh lý này có cần chăm sóc đặc biệt? Những bệnh lý hô hấp nào bị ảnh hưởng nhiều?
PGS-TS Phan Thu Phương:

Những bệnh lý hô hấp bị tác động bởi ô nhiễm khí như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản cấp, viêm phổi và các bệnh lý hô hấp mạn tính như hen phế quản, phối tắc nghẽn mãn tính... rất cần chăm sóc đặc biệt. Bệnh nhân có bệnh hô hấp mạn tính không nên ra ngoài vào thời điểm không khí ô nhiễm nặng nếu không thực sự cần thiết. Người bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh hô hấp mãn tính khác cần phải tuân thủ và duy trì uống thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi phát hiện triệu chứng cấp, khó thở thì cần liên lạc ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ.

Thanh Phong:
Cháu làm trong nhà xưởng (chuyên thiết bị nhôm). Mấy ngày nay thấy mắt cay cay khó chịu, không biết do gì? Khi làm cháu có đeo khẩu trang, nhưng cũng có lúc ngộp quá, nóng bức nên cháu bỏ ra để thở. Nhờ bác tư vấn giúp cháu nên làm gì để bảo vệ mình trong điều kiện làm việc của cháu. Cảm ơn bác!
PGS-TS Doãn Ngọc Hải:

Như bạn nêu bạn làm việc trong điều kiện nhà xưởng sản xuất thiết bị nhôm, bạn cảm thấy cay cay khó chịu, hiện tượng như bạn nêu chưa thể kết luận cụ thể do nguyên nhân gì để có giải pháp. Bạn có thể tham khảo những người quản lý của nhà xưởng để biết môi trường không khí có bị ô nhiễm hay không và những người làm cùng có bị tình trạng như bạn nêu không. Nếu nhiều người cùng có chung triệu chứng như bạn nêu thì đây là vấn đề nghiêm trọng, cần được báo cáo với người có trách nhiệm của công ty, ngoài ra bạn có quyền không làm việc trong điều kiện môi trường không đảm bảo về an toàn sức khỏe.

Việc sử dụng khẩu trang, phương tiện bảo hộ lao động phải theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất vì đây là quy định trong Luật An toàn vệ sinh lao động. Còn nếu bạn thấy có vấn đề về sức khỏe, cần tới cơ sở y tế khám để được chẩn đoán cụ thể.

Nguyễn Bích thuỷ:
Tôi phải đi xe máy 20km từ 6 giờ sáng, chặng đường đi phải qua đường Cộng Hòa, vậy bác sĩ cho tôi hỏi ô nhiễm không khí như vậy tôi Phải rửa mặt làm sao để không bị mụn trứng cá do da tôi loại dầu? Và vệ sinh mắt sạch bụi như thế nào?
PGS-TS Phan Thu Phương:

Để đảm bảo sức khỏe với điều kiện của bạn, bạn nên có những phương tiện phòng hộ như đeo khẩu trang đủ tiêu chuẩn, đeo kính. Rửa mặt hàng ngày bằng sữa rửa mặt phù hợp và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.

Hoàng Hoàn:
Bạn em bị khó thở đau ở lồng ngực, có đi khám tại bệnh viện rồi nhưng chưa phát hiện ra bệnh, nhờ bác sĩ tư vấn giúp.
PGS-TS Phan Thu Phương:

Với thông tin bạn đưa chưa thật sự đầy đủ, bạn cần phải đến cơ sở y tế để các bác sĩ hỏi bệnh, thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh và phác đồ điều trị phù hợp.

Mẹ Thúy An:
Xin chào Bác sĩ, tôi có cháu nhỏ 15 tháng tuổi, cần làm gì để bảo vệ cho bé khi đi ra ngoài và nên loại thực phẩm nào và bổ sung thuốc gì để tốt cho bé trong tình trạng ô nhiễm không khí. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ và tòa soạn.
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cần hạn chế ra ngoài trong thời điểm ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài thì phụ huynh cần cho trẻ mang khẩu trang đúng chuẩn như đã đề cập ở các câu trả lời trước. Ngoài ra, cần cho cháu mang áo khoác và khăn để che chắn các bộ phận da và niêm mạc. Sau khi về nhà, cần vệ sinh da, mắt, mũi, miệng cho trẻ bằng xà phòng và dung dịch nước muối sinh lý.

Về dinh dưỡng, phụ huynh cần chú ý bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất (chất bột, chất béo, chất đạm, các vitamin và khoáng chất). Bên cạnh đó, cần chú ý thêm trái cây và rau xanh để phòng ngừa tác hại của các chất oxy hóa. Phụ huynh cũng cần lưu ý cho con trẻ tiêm ngừa đầy đủ, đặc biệt là các văcxin tiêm ngừa các bệnh lý đường hô hấp. Việc bổ sung các thuốc tăng cường sức đề kháng là không cần thiết nếu trẻ hoàn toàn khỏe mạnh.

Huỳnh Nga:
Thông tin trên mạng xã hội cho rằng loại khẩu trang y tế thông thường không ngăn được bụi mịn, thực tế có phải như vậy? Vậy có thể sử dụng loại khẩu trang nào, việc sử dụng khẩu trang qua nhiều lần có đảm bảo vệ sinh?
PGS-TS Doãn Ngọc Hải:

Như bạn đặt ra câu hỏi khẩu trang y tế thông thường không ngăn được bụi mịn, điều này chưa hoàn toàn đúng. Bởi vì ô nhiễm không khí không phải tất cả đều là bụi mịn, mà bụi mịn chỉ là một tỉ lệ nhất định trong lượng bụi ô nhiễm không khí, điều này còn tuỳ thuộc và khu vực ô nhiễm không khí.

Còn để ngăn được bụi mịn hoàn toàn, đã có các thiết bị chuyên dụng như mặt nạ và bán mặt nạ, việc này chuyên môn không khuyến cáo sử dụng dân dụng trong cộng đồng, trừ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Nếu khu vực bạn sinh sống hoặc bạn phải tiếp xúc trong môi trường làm việc có ô nhiễm bụi mịn với tỉ lệ cao và thường xuyên, mà được xác định bởi cơ chức năng quan trắc, khi đó bạn nên chọn khẩu trang chuyên dụng có hiệu quả cao để lọc bụi mịn, trên thị trường có bán loại khẩu trang này.

Việc sử dụng khẩu trang nhiều lần tuỳ thuộc vào hướng dẫn của đơn vị sản xuất khẩu trang, nếu không sử dụng theo hướng dẫn có thể làm giảm hiệu quả, chất lượng lọc của khẩu trang, thậm chí còn xảy ra những tác dụng phụ khi khẩu trang không còn đảm bảo chất lượng.

Trần Tám:
Để phòng ngừa và giảm tác động ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, người dân chúng tôi nên làm gì thưa bác sĩ?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Việc phòng ngừa tác động ô nhiễm không khí chủ động nhất chính là không để xảy ra ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm gần đây tại Hà Nội và TP.HCM được xác định chính là do tăng khí thải của các phương tiện giao thông và sử dụng quá mức các nhiên liệu hóa thạch khác. Vì vậy, để có một môi trường trong lành thì người dân cần chung tay góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí bằng cách: giảm sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân, giảm sử dụng các thiết bị gia dụng tiết kiệm điện năng, hạn chế tối đa sử dụng bếp than tổ ong, sử dụng xăng E95 thay cho xăng E92, phân loại rác thải tại nguồn...

Khi tình trạng ô nhiễm đã xảy ra theo cảnh báo của cơ quan chức năng thì người dân cần đặc biệt chú ý để phòng tránh tác hại trực tiếp của các loại khói bụi bằng các biện pháp: hạn chế lưu thông trong giờ cao điểm, hạn chế ra ngoài trong khu vực có ô nhiễm nặng. Nếu ra ngoài cần mang các phương tiện phòng hộ cá nhân như khẩu trang, mắt kính, áo khoác...

Đối với những người có nguy cơ cao như người cao huyết áp, hen suyễn, tim mạch... cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, hạn chế vận động nặng, nếu được nên tránh xa vùng ô nhiễm.

Lê Nguyễn Tường Vy:
Nhiều người nhắc đến việc thải độc, có cách gì giúp hỗ trợ giảm bụi nếu các phương tiện như khẩu trang không đảm bảo hết bụi?
PGS-TS Phan Thu Phương:

Hiện nay chưa có bằng chứng về vai trò và giá trị của thải độc trong ô nhiễm không khí. Ngoài phương tiện như khẩu trang giúp hạn chết hít phải bụi có hại cho sức khỏe, thì không còn cách nào tránh được không khí bị ô nhiễm, mà chỉ có cách áp dụng các biện pháp để hạn chế tối đa các công trình xây dựng đang phát sinh bụi, hạn chế các phương tiện giao thông, không nên đốt rơm rạ, sử dụng nhiên liệu sạch (bếp điện, bếp từ) để đun nấu.

Hải Đường:
Thời điểm nào trong năm số ca bệnh liên quan đến bụi không khí gia tăng mà bác sĩ hay gặp?
PGS-TS Phan Thu Phương:

Các nhà khoa học đã giải thích quá trình đô thị hóa, nhiều công trình đang xây dựng phát sinh bụi, cùng mật độ và các phương tiện giao thông lớn là nguyên nhân lớn gây tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội, TP.HCM cũng như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới. Ngoài ra tại thời điểm giao mùa trời thường không có mưa, lặng gió, làm giảm khả năng phân tán, phát tán bụi.

Với tình trạng ô nhiễm không khí mức độ cao vào thời điểm giao mùa, làm gia tăng số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh hô hấp và bệnh lý tim mạch.

Hoàng Hải:
Tôi thấy các nước khi ô nhiễm quá họ sẽ khuyến cáo và phát khẩu trang cho người dân, Bộ y tế có kế hoạch phát khẩu trang cho dân không? Ngoài cảnh báo, Bộ có động thái gì để bảo vệ sức khỏe người dân ạ? Cảm ơn ông!
PGS-TS Doãn Ngọc Hải:

Bộ Y tế được Chính phủ giao chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Trước tình hình ô nhiễm không khí, Bộ đã làm một số việc như đưa ra khuyến cáo cho người dân mà phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, ví như khi ô nhiễm thì khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, đặc biệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp; Chỉ đạo các cơ sở ý tế sẵn sàng cho việc khám, phát hiện các bệnh tật liên quan đến hô hấp, liên quan đến ô nhiễm không khí.

Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên-môi trường, UBND tỉnh có ô nhiễm cao tìm giải pháp khống chế các nguồn ô nhiễm.

Việc đeo khẩu trang đã được khuyến cao lâu nay, đặc biệt với người dân khi tham gia các hoạt động ngoài đường phố. Việc sử dụng khẩu trang cũng đã được nhiều người dân lựa chọn. Tuy nhiên, trong một số tình huống khẩn cấp hoặc khi xảy ra những sự cố ở một khu vực nào đó, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân trong khu vực, Bộ Y tế và địa phương sẽ triển khai việc phát khẩu trang để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân khu vực đó.

Bộ Y tế cũng có những khuyến khích các cơ sở sản xuất khẩu trang đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá thành phù hợp với người dân, như khẩu trang y tế hiện nay vẫn bán tại các hiệu thuốc với giá thành phù hợp, khoảng 1.000-2.000đ/chiếc, để người dân sử dụng nhiều hơn.

Trần Đức Phúc Thanh:
thưa bác, nhà cháu buổi tối và đêm ngủ hay có mùi nhựa và khói đốt rác bay vào rất khó chịu và nhức đầu vậy phải làm sao?
PGS-TS Doãn Ngọc Hải:

Như cháu nói như vậy thì có nguồn ô nhiễm gây ảnh hưởng tới gia đình cháu. Gia đình nên xác định rõ xem nguồn gây ô nhiễm đó xuất phát từ đâu để tìm cách giải quyết tận gốc nguồn ô nhiễm đó. Trong trường hợp như nguồn ô nhiễm đó là bãi rác, hay cơ sở sản xuất nhựa, gia đình nên có ý kiến với chính quyền, các cơ quan chức năng. Cũng có thể những mùi nhựa, khói đốt rác đó xuất phát từ hoạt động đốt rác, đốt nhựa của các khu vực xung quanh, gia đình sau khi xác định được rõ cơ sở cụ thể, cần kiến nghị với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm, vì đây là quyền của người dân được sống trong môi trường an toàn, trong sạch và chính quyền phải có trách nhiệm giải quyết việc này. Ngoài ra, trong lúc chờ giải quyết dứt điểm các nguồn gây ô nhiễm, gia đình có thể áp dụng một số giải phá để hạn chế nguồn gây ô nhiễm, như đóng kín cửa, lựa chọn các thiết bị lọc không khí có khử mùi phù hợp có bán sẵn trên thị trường.

Nguyễn Duy:
Nhà tôi không có máy lọc không khí và máy điều hòa. Vậy có cách nào khác để không khí trong nhà luôn thông thoáng, sạch sẽ, không bụi bặm ngoại trừ thường sau lau, quét sàn nhà không bác sĩ?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Ngoài việc thường xuyên quét nhà, lau sàn; việc trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh nhà hoặc trong nhà cũng làm giảm thiểu các chất ô nhiễm, đặc biệt là các chất có nguồn gốc hữu cơ như: NO, CO, CO2, SO... Đặc biệt là các loại cây có khả năng thải oxy ngay cả ban đêm như trầu bà, lưỡi hổ...

Nguyễn Văn Hài:
Bụi không khí tác động vào các cơ quan trong cơ thể thể nào? Chỉ bụi nhỏ tác động hay cả loại bụi kích thước lớn mà mình có thể cảm nhận thấy?
PGS-TS Phan Thu Phương:

Trong thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn, còn bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta không cảm nhận được rõ ràng. Khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan của cơ thể, gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau. Việc tiếp xúc với các hạt bụi trong thời gian ngắn hạn và dài hạn là các nguyên nhân gây ra bệnh lý cấp tính và mạn tính.

Lê Thị Sáu:
Trong tình hình bụi không khí tăng cao, người đã có bệnh mãn tính, phụ nữ có thai... bị ảnh hưởng nhiều hơn người bình thường phải không bác sĩ? Những tác động cụ thể ấy là gì?
PGS-TS Phan Thu Phương:

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt ở một số nhóm đối tượng như mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi và trẻ em. Qua các kết quả nghiên cứu đã cho biết ở trẻ em, ảnh hưởng của việc hít khí chất lượng kém có thể ức chế tăng trưởng, phát triển, rối loạn não bộ (ví dụ như học kém, tự kỷ, thiếu tập trung), giảm chức năng của phổi và gây nhiễm trùng đường hô hấp nhiều đợt. Đối với người cao tuổi, thiếu máu cơ tim cục bộ và đột quỵ là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời.

Một số nghiên cứu về các tác động khác của ô nhiễm không khí cũng cho thấy mối liên hệ đến bệnh đái đường và tình trạng thoái hóa thần kinh ở người lớn (bao gồm cả bệnh Alzheimer). Với nhóm bệnh hô hấp mạn tính, như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản, khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí, các triệu chứng này nặng hơn và cần thay đổi phác đồ điều trị thường quy.

Trần Đức Thanh:
Buổi tối, đêm ngủ trong nhà có mùi nhựa đốt và mùi khói rất khó chịu và nhức đầu thì phải làm gì? Xin tư vấn giúp cách giải quyết.
PGS-TS Doãn Ngọc Hải:

Như bạn nói buổi tối, đêm ngủ trong nhà có mùi nhựa đốt và mùi khói rất khó chịu và nhức đầu, như vậy bạn cần xác định nguồn gây ô nhiễm cụ thể là gì. Nếu như nguồn do người dân bên cạnh đốt thì cần có ý kiến với gia đình bên cạnh, còn nếu như nguồn từ các cơ sở sản xuất thì cần có kiến nghị với chính quyền địa phương.

Về phía gia đình, bạn có thể đóng kín của, mua máy khử mùi, máy lọc không khí phù hợp. Cần chọn mua máy khử của các hãng uy tín, được công nhận về chất lượng. Hoặc có thể sử dụng điều hòa, nhưng điều hòa không khử được mùi như một số loại máy khử mùi chuyên dụng.

Phạm Tấn Lực:
Thời gian vừa qua tôi nghe nhiều về bụi mịn PM2.5, PM10; bác sĩ giải thích giúp tôi rõ hơn về 2 loại bụi này, đặc biệt là nguồn phát sinh?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

PM là chữ viết tắt tiếng anh của hạt bụi mịn (Particulate Matter). PM10 là viết tắt của hạt bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 10 micromet. PM2.5 là viết tắt của hạt bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet.

Thành phần của các hạt bụi mịn bao gồm: các hợp chất của cacbon, nito và các hạt kim loại nặng được phát sinh khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu, than đá; các nhà máy nhiệt điện, trong các động cơ; hoạt động của núi lửa, cháy rừng.

Hoàng Thi:
Nhiều chuyên gia khuyến cáo nếu không có khẩu trang chuyên dụng thì nên dùng 2 khẩu trang y tế tròng vào nhau hoặc 1 khẩu trang y tế lót thêm bên trong 1 miếng khăn giấy. Tuy nhiên, tôi vẫn lo ngại bụi mịn len lỏi qua lớp 2 khẩu trang y tế nên tôi đeo thêm 1 cái nữa (tổng cộng 3 cái). Đeo như vậy có gây ra tác dụng ngược không?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Trong điều kiện thông thường, không có ô nhiễm nặng thì việc dùng 1 khẩu trang y tế là đủ bảo vệ chúng ta khỏi khói bụi ô nhiễm. Việc dùng 2 lớp khẩu trang hay lót thêm giấy không có bằng chứng cải thiện tác hại bụi mịn so với 1 lớp. Mặt khác, việc dùng quá nhiều lớp khẩu trang có thể làm cho người sử dụng có cảm giác bị ngột ngạt, khó chịu hơn.

Một khẩu trang tốt cần có đủ 5 lớp, trong đó có đủ 3 lớp màng lọc: màng than hoạt tính, màng lọc tĩnh điện, màng lọc các hạt nhỏ. Ngoài ra còn có lớp thoáng để giảm cảm giác ngột ngạt khi đeo và lớp vải không dệt để lọc các chất ô nhiễm có kích thước lớn.

Triệu Hải Hà:
Ngoài hệ hô hấp, các bệnh liên quan đến phổi, bụi có thể tác động đến da, mắt, tóc... hay không thưa bác sĩ? Những ảnh hưởng có thể đó là gì?
PGS-TS Phan Thu Phương:

Các kết quả nghiên cứu cho thấy bụi siêu mịn PM 2.5 có thể đi theo máu đến mọi cơ quan trong cơ thể, gây tổn thương khắp cơ thể từ bệnh tim, bệnh phổi cho đến tiểu đường và chứng mất trí nhớ, từ bệnh về gan cho đến giòn xương và tổn thương da...

Phan Trung Tín:
Bụi không khí ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh cao hơn? Riêng đối với trẻ, cách nào để bảo vệ trẻ trong những ngày ô nhiễm nặng nề này?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Các chất gây ô nhiễm không khí gây hại trực tiếp đến sức khỏe cấp tính và lâu dài.

Về cấp tính, chúng có thể gây kích ứng tại chỗ như ngứa mắt, chảy nước mắt; nghẹt mũi, sổ mũi; khó thở. Bên cạnh đó, chúng còn có thể kích thích gây cơn hen cấp hoặc đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đối với những người có tiền sử về bệnh mạch vành hoặc các bệnh lý về mạch máu não thì chúng có thể gây thiếu máu cơ tim tức thời; thiếu máu não. Điều đó có thể gây cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, thậm chí đột quỵ.

Về lâu dài, do hạt bụi gồm những thành phần là chất rắn không tan nên một khi xâm nhập vào cơ thể, chúng rất khó hoặc không thể đào thải mà tích tụ trong các cơ quan như phổi, tim, mạch máu, thận...; lâu dần sẽ gây suy giảm chức năng của các cơ quan này.

Những đối tượng cần lưu ý để phòng tránh ô nhiễm không khí mức ô nhiễm chỉ trên mức trung bình bao gồm: người già, người có tiền sử cao huyết áp hoặc bệnh lý tim mạch, người có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn; phụ nữ mang thai.

Đối với trẻ em, do các cơ quan trẻ còn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nên cơ thể trẻ rất nhạy cảm với các tình trạng ô nhiễm nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Trẻ em cần được bảo vệ tránh tình trạng ô nhiễm bằng các biện pháp như: đeo khẩu trang thích hợp, tránh xa những khu vực ô nhiễm nặng, không tiếp xúc khói thuốc lá, đặc biệt đối với trẻ có tiền sử về hen suyễn hoặc các bệnh lý về tim mạch.

Thanh Hà:
Người dân sống ở các khu vực có bụi tăng cao có bị ảnh hưởng hơn các khu vực khác không thưa bác sĩ?
PGS-TS Phan Thu Phương:

Môi trường có nồng độ bụi tăng cao đã được chứng minh có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đối với người dân sống trong khu vực có ô nhiễm không khí nặng muốn hạn chế ảnh hưởng thì cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang chuyên dụng, hạn chế ra ngoài đến các khu vực có ô nhiễm nặng, hạn chế chất thải của các phương tiện giao thông, sử dụng nhiên liệu sạch với môi trường để đun nấu, không đốt rơm rạ...

Lâm Thảo:
Nên sử dụng sản phẩm bảo vệ hô hấp nào khi ra đường? Cơ quan chức năng đã có kế hoạch và biện pháp nào giảm thiểu ô nhiễm chưa?
PGS-TS Doãn Ngọc Hải:

Khi ra ngoài đường, cần sử dụng khẩu trang để bảo vệ sức khỏe. Việc sử dụng khẩu trang tùy theo môi trường cụ thể để sử dụng cho phù hợp. Ví như khi tham gia giao thông, nên chọn khẩu trang có than hoạt tính để hấp thụ hơi, khí độc từ khí thải phương tiện giao thông. Khi vào bệnh viện, nên chọn khẩu trang có kháng khuẩn để chống nhiễm khuẩn. Khi đến những khu vưc như công viên, hồ, chỉ cần sử dụng khẩu trang thông thường mà không cần yêu cầu khẩu trang nào đặc biệt.

Một khẩu trang đạt yêu cầu phải đáp ứng 5 yếu tố: Thứ nhất, đó là hiệu suất lọc, ví như hiệu suất lọc hạt bụi thì phải lọc được tất cả hạt bụi nào từ 0-2,5 mcr. Tiếp nữa là hiệu suất lọc bao nhiêu % của kích thước hạt bụi đó.

Thứ hai, đó là độ kín, khít của khẩu trang. Khẩu trang phải ôm vùng hô hấp, che được mũi và miệng.

Thứ ba, khẩu trang không được vướng víu, che tầm nhìn.

Thứ tư, không được làm cản trở việc hô hấp bình thường.

Thứ năm, trọng lượng khẩu trang phải đủ nhẹ.

Ngoài ra, có một số khẩu trang cũng được bổ sung than hoạt tính, tráng nano bạc để tăng cường hiệu quả cho việc chống nhiễm khuẩn từ bên ngoài.

Thanh Nhã:
Ô nhiễm không khí có ảnh hưởng não bộ, làm tăng nguy cơ chứng tự kỷ ở trẻ em không bác sĩ? Tôi có 2 đứa con nhỏ nên rất bất an. Bụi mịn ảnh hưởng đến não bộ như thế nào? Tỉ lệ trẻ mắc cao không?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Theo nghiên cứu, ô nhiễm không khí không chỉ làm gia tăng tỉ lệ trẻ tự kỷ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cả trẻ em và người lớn.

Các chất ô nhiễm không khí đa phần là các chất oxy hóa mạnh, có thể gây kích thích các gen gây bệnh tiềm tàng của chứng bệnh tự kỷ. Ngoài ra, chúng còn ảnh hưởng đến sự cung cấp máu cho não và tim. Điều đó có thể gây nên tình trạng nhức đầu, choáng váng, khó chịu, chóng mặt, mệt mỏi...

Hiện chưa có công bố chính thức tỉ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ do ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sự gia tăng chứng tự kỷ gần đây, đặc biệt là các khu vực có tình trạng ô nhiễm không khí cao nên chúng ta cần phải đặc biệt chú ý tránh cho trẻ em tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm và tránh khu vực ô nhiễm không khí.

Mai Hân:
Tôi có con nhỏ 9 tháng tuổi. Vì nhiều lý do nên đi đâu hai vợ chồng chỉ dùng xe máy. Hiện TP ô nhiễm nặng, vợ chồng tôi cũng chú ý đến các cách phòng tránh bụi khi ra ngoài cho con bằng cách đeo khẩu trang. Nếu như ngày thường một cái thì nay tăng lên 2 cái. Tuy nhiên, điều này làm bé ngột ngạt, khó chịu, quấy khóc. Vì thế tôi chỉ đeo cho con 1 khẩu trang y tế, cộng với trùm 1 chiếc khăn vải voan cho cả phần đầu và cổ. Thưa bác sĩ, cách làm này có phòng bụi mịn được không ạ? Có cần lưu ý gì trong việc áp dụng các biện pháp phòng tránh bụi mịn đối với trẻ nhỏ?
TS-BS Trịnh Hồng Nhiên:

Theo tiêu chuẩn, khẩu trang y tế thông thường có thể cản được 90% các loại bụi ô nhiễm; loại khẩu trang y tế chống nhiễm khuẩn ngoài tác dụng bảo vệ các loại khói bụi còn có thể giúp bảo vệ trước sự xâm nhiễm của các loại vi sinh vật. Do đó, nếu đeo khẩu trang y tế có thể phần nào bảo vệ trẻ tránh khói bụi và vi khuẩn trong điều kiện thông thường. Tuy nhiên, trong điều kiện ô nhiễm nặng thì khẩu trang y tế không thể bảo vệ hoàn toàn.

Trong điều kiện ô nhiễm không khí nặng như hiện nay, phụ huynh nên giảm, tránh cho trẻ ra ngoài đường nhiều, đặc biệt là giờ cao điểm. Trong điều kiện bắt buộc phải ra ngoài, tốt nhất nên cho trẻ mang khẩu trang chống ô nhiễm tối thiểu 3 lớp bảo vệ. Ví dụ có thể cho trẻ em mang khẩu trang N95.

Nguồn: https://tuoitre.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image