Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Mật cá: trị bệnh hay gây độc

Nuốt mật cá trắm, uống mật rắn… nhằm chữa bệnh đau lưng, mỏi gối; chữa các bệnh đường tiêu hóa (đau dạ dày, đau mật, …); bồi bổ thể chất chống chứng bất lực ở đàn ông… là bài thuốc dân gian được truyền miệng. Quan điểm này đúng hay sai? Nó có thực sự hiệu quả trong công tác điều trị không? Chúng tôi đã có buổi trao đổi với TS.BS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai xung quanh vấn đề này.

20151104_5639615b78b37.jpg

Bệnh nhân T điều trị suy gan, thận cấp do ngộ độc mật cá trắm 

PV: Theo dân gian truyền miệng, nuốt mật cá trắm có thể chữa khỏi 1 số bệnh, thông tin như vậy có đúng không, thưa tiến sĩ:

TS. Nguyễn Kim Sơn: Quan niệm này là hoàn toàn SAI, 100% sai sự thật. Chúng tôi đã phải cấp cứu những trường hợp bị suy gan, suy thận do nuốt mật cá trắm.

PV: Với vai trò Giám đốc Trung tâm Chống độc  BV Bạch Mai, ông vui lòng cho cộng đồng biết cơ chế gây độc khi nuốt mật cá trắm, nó ảnh hưởng cụ thể đến sức khoẻ, tính mạng như thế nào?? Số người vào viện do ngộ độc mật cá có nhiều không thưa ông?

TS. Nguyễn Kim Sơn: Ngộ độc (NĐ) mật cá trắm cũng như NĐ các loại mật cá nói chung (cá mè, cá trắm, cá chép,…) là NĐ thường gặp tại các Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc vào dịp cuối năm hoặc Tết Âm lịch. Bệnh nhân (BN) được chuyển đến Trung tâm Chống độc (TTCĐ) thường ở giai đoạn nặng, trung bình mỗi năm TTCĐ tiếp nhận 4 – 6 BN bị NĐ mật cá trắm ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam,…).

Ngộ độc mật cá trắm có thể gây tử vong nếu bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện muộn với các biến chứng nặng như: phù phổi cấp, suy thận cấp, suy gan cấp, tăng kali máu cấp, co giật, phù não, …

Thành phần chính của mật cá trắm là 5α-cyprinol (C27H49O5)  gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, gây viêm gan và suy gan cấp, hoại tử ống thận gây suy thận cấp.

PV: Xin ông cho biết dấu hiệu nhận biết  và các xử trí khi có dấu hiệu ngộ độc. Người bị NĐ có thể sơ cứu điều trị tại nhà không hay phải đến bệnh viện có chuyên khoa chống độc?

TS. Nguyễn Kim Sơn: BN thường nuốt nguyên cả cái mật cá trắm hoặc pha với rượu uống. Sau khi nuốt hoặc uống 1 – 2 giờ sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu hóa: BN buồn nôn và nôn rất nhiều, BN đau bụng dữ dội sau xuất hiện ỉa chảy, ỉa máu dẫn đến dấu hiệu toàn thân: BN rất mệt, nằm liệt giường, đau khắp người, chóng mặt, toát mồ hôi.

Viêm, hoại tử ống thận cấp xuất hiện rất sớm ngay từ khi có rối loạn tiêu hóa BN bắt đầu đái ít, sau đó vô niệu. NĐ nặng: suy thận cấp nặng hơn, vô niệu, phù, có thể phù phổi cấp, phù não. Suy thận cấp là nguyên nhân chính gây tử vong ở BN ngộ độc mật cá trắm.

Viêm gan cấp có thể kín đáo hoặc rõ (từ ngày thứ ba trở đi:da và niêm mạc mắt vàng dần, gan to).

Vì vậy, không được để người bị NĐ ở nhà mà nên đưa đến các trung tâm y tế để có xử trí phù hợp và kịp thời.

PV: Ông có lời khuyên gì với những người có thói quen nuốt mật cá, uống rượu mật, tim, tiết rắn ?

TS. Nguyễn Kim Sơn: Không nên nuốt mật cá, uống rượu mật, tiết rắn và các loại mật và tiết khác vì không có tác dụng chữa bất cứ bệnh gì.

Nếu bị bệnh cần phải đi khám và chữa trị tại các cơ sở y tế,. Tuyệt đối không nghe truyền miệng các cách chữa trị không được kiểm chứng khoa học mà mang bệnh vào thân

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!.

Đỗ Hằng

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image