Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

MÀY ĐAY VIÊM MẠCH: NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT

Mày đay viêm mạch là một bệnh lý lâm sàng hiếm gặp đặc trưng bởi các đợt tổn thương mày đay mạn tính hoặc tái phát. Các dấu hiệu trên da của bệnh này có thể khó phân biệt bằng mắt thường với các dấu hiệu nổi mày đay vô căn mạn tính nhưng đặc biệt ở chỗ các tổn thương riêng lẻ tồn tại ≥ 24 giờ và có thể để lại tình trạng tăng sắc tố sẫm màu. 

Bệnh này thường vô căn nhưng có liên quan đến một số loại thuốc, nhiễm trùng, bệnh mô liên kết tự miễn, rối loạn sinh tủy và ung thư. Gần đây hơn, một số tác giả đã báo cáo về mối liên quan giữa viêm mạch mày đay và COVID-19, cũng như nhiễm cúm A/H1N1. Viêm mạch mày đay cũng có thể lan rộng toàn thân, thường ảnh hưởng đến hệ cơ xương, thận, phổi, tiêu hóa và mắt. 

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Phát ban trên da: là biểu hiện chính của bệnh mày đay viêm mạch. Tuy nhiên các tổn thương của mày đay viêm mạch kéo dài >24 giờ (thay vì 2-8h ở mày đay mạn tính vô căn), thường tồn tại trong vài ngày và có thể để lại vết tăng sắc tố sau viêm, điều không thấy ở mày đay vô căn mãn tính. Có thể quan sát thấy các tổn thương hình khuyên hoặc hình bia bắn. Ngoài ra, các tổn thương mày đay viêm mạch thường có đường kính từ 0,5 đến 5 cm, trong khi những tổn thương ở mày đay thực sự có thể kết hợp lại và trở nên rất lớn (>10 cm) hoặc có đường ngoằn ngoèo. Khi xuất hiện, các triệu chứng thường được mô tả là đau và/hoặc nóng rát, trái ngược với chứng mày đay thực sự, thường ngứa nhiều hơn.


 

Hình 1: Mày đay viêm mạch tổn tại >24h kéo dài 3 tháng ở bệnh nhân nữ 36 tuổi

Các triệu chứng toàn thân: Mày đay viêm mạch có thể có các biểu hiện ngoài da bao gồm các triệu chứng toàn thân ở hơn 50% bệnh nhân. Các biểu hiện toàn thân có thể xảy ra cùng lúc hoặc đơn lẻ ở vài cơ quan.

Các biểu hiện ở cơ xương khớp như đau khớp và viêm khớp là biểu hiện phổ biến nhất. Các biểu hiện ở  mắt cũng thường gặp, có thể bao gồm viêm màng cứng, viêm màng bồ đào và viêm kết mạc. Thận: Bệnh thận được đặc trưng bởi protein niệu và tiểu máu. Phổi: Các biểu hiện ở phổi phổ biến nhất là COPD và hen phế quản, gặp ở 5 - 20% bệnh nhân mắc mày đay viêm mạch... 

Tiêu hóa  Các triệu chứng về tiêu hóa, gặp ở 1/3 số bệnh nhân, bao gồm đau dưới xương ức, đau bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy….

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Mày đay viêm mạch xảy ra qua trung gian phức hợp miễn dịch và do đó được phân loại là phản ứng quá mẫn loại III. Các kháng thể phức hợp với kháng nguyên, có thể có nguồn gốc tự thân hoặc ngoại sinh, và kích hoạt bổ thể thông qua con đường cổ điển. Sau đó, C3a và C5a được tạo ra, gây ra sự thoái hóa tế bào mast và giải phóng các chemokine và cytokine. Hơn nữa, các enzyme phân giải protein được giải phóng khỏi bạch cầu trung tính và tất cả những thay đổi này dẫn đến tổn thương mô đặc trưng trong bệnh mày đay viêm mạch. Bạch cầu ái toan cũng có thể đóng một vai trò trong cơ chế bệnh sinh của căn bệnh này.

Nguyên nhân của mày đay viêm mạch thường không rõ, nhưng đã có nhiều báo cáo về các trường hợp do thuốc, nhiễm trùng, bệnh mô liên kết tự miễn, rối loạn sinh tủy hoặc ác tính. Một số loại thuốc có liên quan bao gồm cimetidine, diltiazem, kali iodide, fluoxetine, thuốc chống  viêm không steroid, methotrexate, telmisartan, enalapril, levetiracetam và thuốc giảm cân không kê đơn. 

Nhiều trường hợp còn là biểu hiện của bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn; mối liên quan với liên cầu khuẩn, bệnh lao, viêm gan B và C, virus Epstein–Barr, mycoplasma, COVID-19, cúm A/H1N1, trichomonas và bệnh Lyme đều đã được báo cáo. 

Mối liên hệ giữa viêm mạch mày đay và các bệnh tự miễn khác nhau, bao gồm bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren, viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột, hội chứng Schnitzler và hội chứng Muckle-Wells, cũng đã được đề xuất. Ngoài ra, viêm mạch mày đay có thể biểu hiện dưới dạng cận ung thư. 


 

Hình 2: Mày đay viêm mạch dạng viền, bán khuyên

ĐIỀU TRỊ MÀY ĐAY VIÊM MẠCH

Việc điều trị mày đay viêm mạch thường gặp nhiều khó khăn và liệu pháp điều trị không được chuẩn hóa. Việc quản lý được hướng dẫn bởi biểu hiện lâm sàng và các thuốc được lựa chọn dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh và sự hiện diện của tổn thương toàn thân. Glucocorticoid toàn thân được coi là phương pháp điều trị chính và thuốc bổ sung được mô tả dưới đây thường được thêm vào khi cần thiết. 

Bệnh nhẹ: Bệnh nhân mắc bệnh nhẹ thường được điều trị theo triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp bao gồm nổi mày đay, đau khớp hoặc viêm khớp. Bệnh nhân được chỉ định dùng nhóm Thuốc kháng histamine; thuốc chống viêm không steroid (NSAID) 

Bệnh vừa phải: Glucocorticoids có hoặc không có dapsone thường được sử dụng làm liệu pháp ban đầu cho những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ đến trung bình.

Bệnh toàn thân nặng: Sử dụng các thuốc khác kết hợp với glucocorticoid. Sử dụng các thuốc như Mycophenolate mofetil, Methotrexate, Azathioprine và Cyclosporine. 

LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ DÀNH CHO CỘNG ĐỒNG: Mày đay là một trong những bệnh lý mắc nhiều nhất trên thế giới với hơn 20% dân số từng mắc mày đay 1 lần trong đời và là nguyên nhân gây trầm cảm hàng đầu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Do đó chúng ta cần lưu ý, đi khám sớm tại các bác sĩ chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng để được tư vấn cũng như sàng lọc sớm các bệnh lý nguy hiểm liên quan như các bệnh lý tự miễn, nhiễm trùng hay ác tính. Bệnh lý mày đay có thể ảnh hưởng và tổn thương đa cơ quan đặc biệt như mày đay viêm mạch do đó người dân không nên chủ quan khi có các triệu chứng nghi ngờ. Người dân cũng cần có chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, ngừng thuốc lá và tiêm chủng thích hợp.

-----------------------------------------------

Khi có các biểu hiện như trên, người bệnh nên tới khám các bác sĩ chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng để được chẩn đoán và điều trị. Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng lâu đời nhất Việt Nam với hơn 50 năm thành lập và phát triển sẽ là một địa chỉ đáng tin cậy cho người bệnh cần thăm khám.

ThS.BSNT. Thái Nguyễn Hoàng

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image