Người già, người trẻ, đàn ông, phụ nữ đều có thể ngáy khi ngủ nhưng ở mức độ khác nhau. Nhiều người khổ sở khi bị ngáy đã tìm đến cái mẹo, bài thuốc chữa tật này.
Mệt thân, ảnh hưởng người xung quanh
“Mỗi tối dù buồn ngủ nhưng em rất sợ phải nằm cạnh chồng anh ấy hay ngáy mà ngáy rất to và nghe rất sợ. Mỗi lần chồng ngáy em không ngủ được phải huých mạnh để chồng tỉnh giấc nhưng chỉ vài phút tiếng ngáy lại vang lên. Cảm giác buồn ngủ không ngủ được hoặc ngủ không ngon giấc mỗi sáng thức dậy rất mệt”, chị Minh Hạnh ở quận Hai Bà Trưng đưa chồng tới khám tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội tâm sự với mong muốn cứu vãn giấc ngủ cho gia đình mỗi đêm.
“Chồng mình nặng gần 1 tạ đêm đến nằm xuống là ngáy trong khi mình nằm bên khó ngủ nghe tiếng ngáy khó chịu lắm. Hồi mới cưới vợ chồng nằm chung nhưng sau không chịu được tiếng ngáy đành… ly thân, mỗi người một tầng. Đi du lịch cả nhà phải thuê 2 phòng để chồng nằm riêng. Nghe ai mách có cách nào chữa ngáy mình cũng áp dụng nhưng đều không hiệu quả”, chị Thùy Minh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội “cầu cứu” bác sĩ.
Theo chị Thùy Minh, dù đã áp dụng các biện pháp chữa ngáy cho chồng như thuốc xịt của Hàn Quốc trực tiếp qua đường mũi làm ngưng cơn ngáy, sắc cả thuốc theo đông y (như huyền sâm, cam thảo, mạch môn, đẳng sâm, hoàng kỳ, táo…) để uống, cùng đó là kết hợp các mẹo trong ăn uống, sinh hoạt như tránh xa bia rượu, dùng mật ong để hạn chế viêm họng, tất cả các bài thuốc đều đã áp dụng cho chồng nhưng không cải thiện.
Nghe vợ than vãn, chồng chị Thùy Minh ngồi cạnh tủm tỉm: “Ngủ ngáy cũng mệt lắm đừng nghĩ ngủ không biết gì”.
Ths. Bs Nguyễn Hoàng Hải, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cho biết, ngáy có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nam cao hơn nữ, có khoảng 7% dân số toàn thế giới mắc bệnh ngủ ngáy. Ngáy khó chịu cho người xung quanh nhưng lo ngại hơn là tình trạng ngừng thở khi ngủ.
Khó trị ngáy, chỉ lo ngừng thở
Đưa ra nguyên nhân của chứng ngủ ngáy, Ths. Bs Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây nên ngủ ngáy như chứng béo phì, các lớp mỡ dày ở cuống họng đã làm thay đổi cấu trúc họng, gây cản trở không khí lưu thông; bước vào tuổi mãn kinh; viêm xoang; từ thế nằm ngủ; thói quen sinh hoạt hút thuốc, sử dụng rượu bia…
“Khi ngủ không khí không được di chuyển qua vùng mũi và miệng nhưng khi không khí phải đi qua một chỗ hẹp trên đường thở, vị trí hẹp có thể ở mũi, họng, thường gặp nhất là do các cơ màn hầu trùng xuống gây ra ngáy.
Ngủ ngáy ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, dễ gây tình trạng mệt mỏi, ngủ ngáy không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân mà còn ảnh hưởng những người xung quanh”, Ths.Bs Nguyễn Hoàng Hải giải thích rõ.
Chia sẻ về chứng ngủ ngáy, BS Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho rằng: Nhiều trường hợp ngủ ngáy xuất hiện cơn ngừng thở trong thời gian từ 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu, sau đó động tác hô hấp hoạt động trở lại thường phối hợp với sự thức dậy ngắn. Hội chứng ngừng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, giảm trí nhớ ảnh hưởng đến sinh hoạt…
Có nhiều dạng ngủ ngáy như ngáy nhưng miệng ngậm cần kiểm tra đường lưỡi, ngáy nhưng há miệng nghĩ ngay đến tổ chức trong vùng hầu họng hay ngủ ngáy ở mọi tư thế cần đi kiểm tra để nhận được tư vấn từ bác sĩ.
Các chuyên gia cũng khẳng định, ngáy không thể điều trị triệt để, những thuốc quảng cáo chữa ngáy cũng không hết. Khi được điều trị, bệnh nhân chỉ giảm được ngáy. Có hiện tượng ngủ ngáy cần được thăm khám điều trị tránh ngừng thở khi ngủ. Các bác sĩ sẽ có hướng điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh tình.
Một số cách chữa giảm ngáy: - Giảm béo - Không sử dụng chất kích thích nếu hay ngủ ngáy - Điều trị các bệnh về hô hấp nếu có - Ăn uống, tập thể dục hợp lý - Thay đổi tư thế khi ngủ. |
Theo Lao động