Là người đặt những viên gạch đầu tiên thành lập Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Mai Duy Tôn cũng vinh dự được cử làm Trưởng Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não thuộc Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 17/5/2022. Mới đây, PGS Mai Duy Tôn đã được Hội Đột quỵ Thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh năm 2022 vì những đóng góp to lớn cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và Thế giới.
Năm 2007 là dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của PGS.TS Mai Duy Tôn, hiện là Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não, Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi đó anh đang là bác sĩ nội trú tại Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai. Đây là lần đầu tiên anh được đi nước ngoài học tập tại Bệnh viện Mayo clinic của Mỹ và cũng chính sau chuyến đi này, anh quyết định nghiên cứu sâu về chuyên ngành Đột quỵ.
PGS Tôn chia sẻ: Ở Việt Nam, sinh viên y khoa thời điểm đó cứ thấy bệnh nhân đột quỵ là lắc đầu, không thấy có cơ hội cứu sống, con đường với bệnh nhân gần như dừng lại, không tử vong thì gần như tàn phế, rất khó hồi phục. Sang Mỹ, tôi nhận thấy hệ thống y tế của họ phát triển ngoài tưởng tượng của mình, đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu, điều trị tốt và ít để lại di chứng. Họ ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu vào lĩnh vực đột quỵ, giúp cải thiện kết quả điều trị, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ không chỉ diễn ra trong thời gian bệnh nhân nằm viện mà còn được duy trì sau khi bệnh nhân xuất viện. Mọi bệnh nhân, kể cả người cao tuổi đều phải tự lập, không có người nhà hỗ trợ như ở Việt Nam. Họ đều phải tập phục hồi chức năng, học cách tự phục vụ bản thân từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Từ đó, tôi ấp ủ quyết tâm học hỏi kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực đột quỵ của Thế giới để đưa về ứng dụng tại Việt Nam, mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân đột quỵ trong nước. Tôi đề xuất lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu A9 cho đi nghiên cứu chuyên sâu về đột quỵ. Từ năm 2009, kỹ thuật tiêu huyết khối được áp dụng trên bệnh nhân đột quỵ và cho kết quả rất ngoạn mục. Nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời, sau khi sử dụng thuốc 1 tiếng đã hồi phục hoàn toàn, nói năng, sinh hoạt bình thường, 1-2 ngày sau ra viện. Sự thay đổi ngoạn mục của bệnh nhân là động lực cho tôi quyết tâm tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về chuyên ngành này. Năm 2009, tôi làm nghiên cứu sinh đề tài về đột quỵ và năm 2014 tôi xin được học bổng của Hội Đột quỵ Châu Âu học thạc sĩ đột quỵ. Sang Áo học, tôi thấy hệ thống đột quỵ phát triển ngang tầm Mỹ, những gì kỹ thuật chuyên sâu nhất được áp dụng. Sau đó, được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Bệnh viện và Khoa Cấp cứu A9, Đơn vị Đột quỵ (thuộc A9) đã được thành lập, chuyên điều trị bệnh nhân đột quỵ và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu.
Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ phải phối hợp đa chuyên khoa, đặc biệt chẩn đoán hình ảnh để áp dụng các kỹ thuật điện quang mới nhất trong chẩn đoán, điều trị lấy huyết khối cơ học cho bệnh nhân tắc mạch lớn, can thiệp mạch cho bệnh nhân vỡ phình mạch; Phối hợp với khoa Phẫu thuật thần kinh để xử trí các ca cần phẫu thuật lấy máu tụ, kẹp túi phình mạch, mở sọ cho ca nhồi máu não và việc phối hợp đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, bệnh nhân đột quỵ cũng được tập phục hồi chức năng sớm để hồi phục và hạn chế di chứng.
Nhờ đó, việc điều trị đột quỵ ở Bệnh viện Bạch Mai càng ngày càng đạt được nhiều tiến bộ với các kỹ thuật ngang tầm khu vực. Ngày 9/11/2020, Bệnh viện Bạch Mai thành lập Trung tâm Đột quỵ trên cơ sở Đơn vị Đột quỵ thuộc Trung tâm Cấp cứu A9. Trong thời gian ngắn hơn 2 năm, Trung tâm ra đời đã có những đóng góp cho Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt cho chuyên ngành đột quỵ toàn quốc. Hàng năm, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân đột quỵ của miền Bắc. Các kỹ thuật chuyên sâu nhất được Bệnh viện phối hợp với các Trung tâm liên quan trong Bệnh viện triển khai, mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đây cũng là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Trong cuộc đời làm nghề, PGS.TS Mai Duy Tôn không thể nhớ mình đã cứu sống được bao nhiêu người bệnh bị đột quỵ. "Quan điểm của tôi là tập trung cứu chữa người bệnh trước tiên. Bệnh nhân bị đột quỵ cần phải cấp cứu nhanh chóng. Không thể chờ người nhà bệnh nhân có hay chưa có tiền đóng viện phí, có bảo hiểm hay không?… Nếu bệnh nhân không có tiền sau sẽ có cách. Có trường hợp bệnh nhân không có tiền tôi kêu gọi mọi đồng nghiệp, nhà tài trợ đến chi trả nhưng cái được đó là mang lại sự sống cho người bệnh", PGS.TS Mai Duy Tôn chia sẻ.
Trở về giai đoạn đầu dịch Covid-19 (năm 2020), các bệnh viện phong tỏa hết, việc chuyển bệnh nhân đột quỵ gần như bị đóng băng. Lúc đó, BVĐK tỉnh Hải Dương liên hệ có một ca đột quỵ cấp trong giờ vàng, “cầu cứu” các thầy Bạch Mai hỗ trợ. Nếu không cứu chữa kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ vỡ mạch máu não và tử vong cao. Trung tâm đột quỵ đã báo cáo xin lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đưa bệnh nhân lên. Trớ trêu thay, hai người nhà đưa bệnh nhân lên phải thực hiện biện pháp cách ly, xét nghiệm phòng dịch Covid-19. Họ cũng không mang theo tiền, không gửi tiền từ quê lên được vì mọi người cũng phải thực hiện cách ly.
“Trước tình huống này, tôi liên hệ với Phòng công tác xã hội chia sẻ đây là trường hợp bất khả kháng cần can thiệp ngay. Người nhà ký cam kết đồng ý cho bác sĩ cấp cứu, sau khi hết cách ly sẽ quay về thanh toán chi phí. Phương án là làm sao tập trung cứu chữa tốt nhất cho người bệnh", PGS. Mai Duy Tôn chia sẻ.
Trong rất nhiều ca bệnh là người nước ngoài được cấp cứu, điều trị tại Trung tâm thì bệnh nhân Bae Hyo N., 46 tuổi, người Hàn Quốc, đã sang sinh sống và làm việc tại Việt Nam được 7 năm để lại cho BS Tôn nhiều cảm xúc. Bệnh nhân là chủ của một công ty lớn tại Việt Nam chuyên sản xuất phụ kiện điện thoại Samsung và phụ kiện xe ô tô. Ngày 09/12/2020, bệnh nhân cùng nhóm đối tác đang chơi gôn ở Hòa Bình, đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, được chụp CT sọ não và chẩn đoán: chảy máu dưới nhện và được chuyển lên Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ đã nghi ngờ nguyên nhân chảy máu dưới nhện là do dị dạng mạch não. Bệnh nhân được đi chụp CTA - chụp mạch não phát hiện: chảy máu dưới nhện lan tỏa - chảy máu não thất do vỡ phình lóc tách động mạch đốt sống phải đoạn V4. Đây là một tổn thương có vị trí khó, phức tạp và tinh vi, thường cần một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu và nhiều kinh nghiệm mới chẩn đoán được.
Các bác sĩ nhận định đây là một ca đột quỵ nặng, nguy cơ vỡ thì hai rất cao và bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được can thiệp cấp cứu. Ngay lập tức bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa: Trung tâm Đột quỵ, Trung tâm Điện quang, Khoa Phẫu thuật thần kinh thống nhất: tiến hành can thiệp Điện quang cấp cứu, có chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh chuẩn bị sẵn sàng - phòng biến chứng vỡ thì hai sẽ mổ cấp cứu. Bệnh nhân được đưa vào phòng can thiệp mạch không một phút giây chần chừ. Vị trí mạch máu não tổn thương là một vị trí rất nguy hiểm, can thiệp rất khó khăn, và có nguy cơ biến chứng nhồi máu vùng thân não rất cao. Sau hơn 01 giờ căng thẳng, đấu trí ca can thiệp đã thành công. Bệnh nhân được đưa về phòng hồi sức tích cực của Trung tâm Đột quỵ.
Can thiệp mạch xong nhưng đó chỉ là một bước trong nhiều bước điều trị toàn diện cho bệnh nhân chảy máu dưới nhện - chảy máu não thất. Những ngày sau Trung tâm Đột quỵ phối hợp với Trung tâm Phục hồi chức năng tiến hành điều trị và phục hồi chức năng sớm, ngay tại giường cho bệnh nhân. Sau 12 ngày tích cực điều trị, được tập thể y bác sĩ nhiệt tình điều trị và chăm sóc, tình trạng bệnh nhân đã dần ổn định, tiến triển tốt và đã được xuất viện.
Đột quỵ hiện nay đang là vấn đề thời sự của Thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ với xu hướng đang ngày càng trẻ hóa. Để đảm bảo người bệnh đột quỵ được cấp cứu và điều trị tốt, người bệnh cần được chăm sóc và điều trị chuyên sâu để phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, điều trị phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng. Bên cạnh việc được điều trị tại các đơn vị chuyên điều trị đột quỵ thì cũng rất cần có các nhân sự được đào tạo chuyên sâu, phối hợp đa chuyên khoa theo một quy trình chuẩn hóa để đảm bảo người bệnh được chăm sóc điều trị tốt nhất, giảm thiểu tối đa hậu quả do đột quỵ.
Trước nhu cầu đó, ngày 17 tháng 05 năm 2022, một ngày đặc biệt đánh dấu sự ra đời của Bộ môn “Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não” thuộc Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS. TS. BS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai vinh dự được cử làm Trưởng Bộ môn. Bộ môn có sứ mệnh đào tạo các thế hệ bác sĩ chuyên nghành Đột quỵ trong tương lai (Bác sỹ chuyên khoa định hướng, Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2, Bác sỹ nội trú, Bác sỹ cao học và Tiến sỹ) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị người bệnh đột quỵ và các bệnh lý mạch máu não. Đồng thời, Bộ môn cũng thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, các hội thảo khoa học… nhằm thúc đẩy sự phát triển của chuyên nghành đột quỵ vươn ra tầm thế giới. Theo dự kiến trong năm nay sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên thạc sĩ chuyên ngành đột quỵ.
Với dân số 100 triệu, ước chừng có khoảng 200 nghìn bệnh nhân đột quỵ mới mỗi năm, việc quản lý theo dõi bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng. Với người đột quỵ, thời gian là vàng. Bệnh nhân đột quỵ cần được tiếp cận nhanh nhất với các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu chuyên sâu về đột quỵ. Ước tính Việt Nam cần gần 400 đơn vị/trung tâm/khoa đột quỵ, nhưng thực tế hiện nay (đến 2022) mới có 125 bệnh viện có khoa đột quỵ, chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu của người bệnh. Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, PGS Mai Duy Tôn mong muốn xây dựng nhiều Trung tâm/khoa đột quỵ ở các bệnh viện trên toàn quốc để khi người bệnh không may đột quỵ được tiếp cận gần nhất, sử dụng các phương pháp điều trị tốt nhất, tránh những tàn phế và di chứng đáng tiếc.
Bài: Mai Thanh/Ảnh: Thế Anh