Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Nguy cơ lạm dụng và lệ thuộc tramadol trong điều trị cơn đau cấp: Cảnh báo từ SFPT

Để điều trị cơn đau cấp, việc cấp phát các dạng đóng gói nhỏ tramadol (viên nén hoặc viên nang) sẽ giúp đảm bảo tuân thủ thời gian điều trị ngắn được chỉ định theo đơn kê và hạn chế việc lưu trữ lượng tramadol dư thừa tại nhà để tránh người khác sử dụng hoặc sử dụng với mục khác như tác dụng hưng thần.

Hội Dược lý và Điều trị Pháp (Société Française de Pharmacologie et de Thérapeutique, SFPT) khuyến cáo

Ngoài việc hỗ trợ người bệnh cai thuốc tramadol (cần cai thuốc từ từ và trong trường hợp thất bại có thể điều trị thay thế bằng buprenorphin hoặc thậm chí methadon), cần có biện pháp ngăn ngừa người bệnh lạm dụng và lệ thuộc thuốc. Nguyên tắc sử dụng hợp lý tramadol tương tự như đối với các opioid khác theo khuyến cáo năm 2022 của Cơ quan Y tế cấp cao của Pháp (Haute Autorité de Santé, HAS), nhấn mạnh:

1. Việc điều trị bằng opioid phải do quyết định của bác sĩ và người bệnh.

2. Đối với cơn đau cấp, đơn thuốc phải được giới hạn kê trong 14 ngày với yêu cầu tái khám để tư vấn cho người bệnh và cần sự phối hợp giữa bác sĩ và dược sĩ trong bệnh viện và tại nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu.

3. Khi người bệnh xuất viện từ phòng cấp cứu hoặc có thời gian nằm viện ngắn, chỉ nên dùng opioid dạng giải phóng tức thời, ở liều thấp nhất có thể và trong thời gian ngắn nhất (2 đến 3 ngày).

Hệ thống Cảnh giác nghiện chất của Pháp được thành lập với mục đích giám sát, đánh giá và ngăn ngừa nguy cơ lạm dụng các chất hướng thần. Kiến thức chuyên môn về cảnh giác nghiện chất dựa trên việc phân tích dữ liệu được báo cáo từ nhân viên y tế hoặc người sử dụng cũng như các chương trình và khảo sát quốc gia hàng năm. Ví dụ, chương trình DRAMES (ghi nhận số ca tử vong do dùng quá liều chất hướng thần) và DTA (ghi nhận số ca tử vong do dùng thuốc giảm đau) cung cấp thông tin về diễn biến và tỷ lệ tử vong liên quan đến chất hướng thần. Chương trình OSIAP (chỉ số đơn thuốc nghi ngờ về khả năng lạm dụng thuốc) giám sát các loại thuốc được kê trên đơn thuốc. Khảo sát OPPIDUM (giám sát chất hướng thần bất hợp pháp hoặc sử dụng thuốc với mục đích khác ngoài mục đích điều trị) cho phép thu thập thông tin về mức độ tiêu thụ và cách tiếp cận để có được các chất gây nghiện của những người được theo dõi tại các trung tâm điều trị nghiện chất.

Dạng đóng gói nhỏ (10 hoặc 15 viên nén hoặc viên nang) tramadol có lợi ích giúp ngăn ngừa nguy cơ rối loạn khi sử dụng thuốc và tác dụng bất lợi khi sử dụng quá liều.

Tramadol là thuốc giảm đau tổng hợp loại opioid và có tác dụng serotonergic nên có tác dụng hưng thần giúp đạt trạng thái hạnh phúc, giải lo âu, gây hưng phấn hoặc kích thích. Tramadol được chuyển hóa ở gan thông qua CYP2D6 thành O-desmethyltramadol (một chất chủ vận thụ thể opioid µ có ái lực mạnh hơn nhiều so với tramadol) với đặc tính đa hình di truyền nên có tác dụng giảm đau và tác dụng không mong muốn khác nhau trên từng cá thể. Việc lạm dụng và lệ thuộc vào tramadol dẫn đến tình trạng nghiện nặng kèm theo cảm giác thèm ăn và nguy cơ tử vong sau khi dùng quá liều, được ghi nhận ở người bệnh được điều trị giảm đau và ở người lạm dụng tramadol. Hội chứng cai tramadol có thể xuất hiện sau khoảng một tháng điều trị, thường khó khắc phục và đòi hỏi phải sử dụng thuốc liên tục.

Tramadol  hiện vẫn là thuốc giảm đau opioid được kê đơn phổ biến nhất ở Pháp, ngay cả khi doanh số bán thuốc này bị giảm nhẹ trong những năm gần đây. Dữ liệu Cảnh giác nghiện chất của Pháp về tramadol cho thấy số người nghiện nặng hoặc lạm dụng (chứng co giật và tử vong) đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2018. Quy định đầu tiên đưa ra giới hạn thời gian kê đơn xuống còn 3 tháng vào tháng 4 năm 2020 làm giảm mức tăng hàng năm về số ca lạm dụng và lệ thuộc thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng bất hợp pháp (đặc biệt là thông qua đơn thuốc giả) và các trường hợp lạm dụng tramadol để có tác dụng hưng thần “tích cực” đã gia tăng song song, trong đó hơn một phần ba là trẻ vị thành niên và người lớn dưới 25 tuổi. Cũng theo thống kê hàng năm, tramadol là thuốc giảm đau opioid đứng thứ hai sau morphin trong chương trình DRAMES.

Từ năm 2010, tramadol đã được hệ thống Cảnh giác nghiện chất đưa vào chương trình giám sát hàng năm. Báo cáo ghi nhận thấy sự gia tăng lạm dụng thuốc này vượt quá 400 mg/ngày (liều khuyến cáo tối đa) ở những người sử dụng nhiều chất gây nghiện, đặc biệt là thanh thiếu niên. Hàng năm, tramadol là thuốc trong số các loại thuốc được phát hiện nhiều nhất trên các đơn thuốc giả. Theo khảo sát OPPIDUM, tramadol là chất gây lệ thuộc có tỷ lệ gia tăng đều đặn theo thời gian.

Vấn đề sử dụng tramadol cũng được ghi nhận ở các nước châu Âu khác, dẫn đến những thay đổi về quy định gần đây. Ví dụ tại Đan Mạch, kể từ tháng 1 năm 2018, loại thuốc này phải tuân theo các quy định kê đơn và phân phối chặt chẽ hơn (tương tự như quy định đối với morphin và oxycodon). Thuốc này đã được đưa vào danh sách các chất được kiểm soát từ năm 2022.

Tramadol không phải là loại thuốc opioid duy nhất có nguy cơ gây lạm dụng và lệ thuộc và các quy tắc sử dụng opioid hợp lý sẽ áp dụng cho tất cả các loại thuốc này.

Các thuốc hiện đang có trong danh mục thuốc của Bệnh viện Bạch Mai bao gồm:

Hoạt chất

Biệt dược

Paracetamol (acetaminophen) 325mg + Tramadol 37,5mg

Ramlepsa

SaViPamol Plus

 

Thông tin chi tiết xin truy cập tại:

https://sfpt-fr.org/pharmacofact-blog/2001-f019-traitement-de-la-douleur-aigu%C3%AB-par-le-tramadol, cập nhật ngày 16/05/2024.

Điểm tin: ThS. Nguyễn Thị Thu

Đơn vị Dược lâm sàng – Thông tin thuốc, Khoa Dược

           

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image