Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, lớn nhất miền Bắc, mỗi ngày có khoảng 6.000 lượt người khám ngoại trú, 4.000 bệnh nhân nội trú. Mỗi một bệnh nhân thường kèm theo một, thậm chí đến hai người nhà chăm sóc. Do đó, Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh thường gấp đôi so với thực tế đáp ứng.
Trước đây, người nhà bệnh nhân nghèo, nhất là những người ở xa khi đến bệnh viện để chăm sóc người thân rất vất vả, buổi trưa, buổi tối thường phải nằm vạ vật tại hành lang, ghế đá, vườn hoa trên mảnh chiếu cũ hay tấm ni-lông che mưa - đi đôi với nó là sự ảnh hưởng đến sức khoẻ, rác bẩn, nạn trộm cắp thường xuyên xảy ra làm nhiều người nhà bệnh nhân rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi tiền trông nom người nhà bị mất cắp hết.
Trước nhu cầu thực tế của người bệnh, ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu lúc bấy giờ, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp với tập đoàn Vingroup xây dựng, lắp ghép khu nhà lưu trú cho các bệnh nhân. Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ Bệnh viện 4 tỷ đồng xây dựng toàn bộ công trình. Như vậy, từ ý tưởng của Bộ trưởng vào tháng 11/2009 đến tháng 4/2010, nhà lưu trú dành cho người nhà bệnh nhân nghèo đã đi vào hoạt động. Khu nhà rộng 600m2, kết cấu bằng khung thép, có quy mô 300 giường, nếu ghép phụ sẽ ở được khoảng 450 người. Mỗi tầng nhà lưu trú có khu vệ sinh và nhà tắm rộng rãi. Đối diện là khu siêu thị, nhà ăn Trường Sinh nên rất thuận lợi cho việc mua sắm, ăn uống của người nhà bệnh nhân.
Người bệnh hài lòng, an ninh trật tự bệnh viện đảm bảo
Bệnh viện Bạch Mai xác định khu lưu trú không phải dịch vụ kinh doanh mà là một hoạt động phi lợi nhuận. Các thủ tục để vào trọ tại khu lưu trú hết sức đơn giản. Ở các khoa, phòng khám bệnh đều treo các tờ thông báo về khu lưu trú để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết thông tin này. Người nhà bệnh nhân chỉ cần xuất trình "Phiếu xác nhận thân nhân bệnh nhân nghèo xin lưu trú" của nơi điều trị là sẽ được bố trí giường ở với đầy đủ chăn, chiếu, màn, khóa hòm tôn và thẻ lưu trú để ra vào. Khu nhà lưu trú hiện có 25 người phục vụ, bảo vệ 24/24, đội vệ sinh lau dọn thường xuyên để đảm bảo môi trường, các thủ tục nhanh gọn.
Qua thực tiễn 7 năm hoạt động (từ tháng 4/2010) đã cho thấy ưu điểm nổi bật của mô hình nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và các bệnh viện nói chung. Khu nhà lưu trú đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của thân nhân người bệnh, giúp họ bảo đảm sức khỏe, đồng thời tiết kiệm chi phí trong thời gian chữa bệnh. Nó không chỉ giúp người nhà có chỗ nghỉ ngơi thuận tiện, an toàn, giá cả hợp lý mà còn giúp đảm bảo an ninh trật tự, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng quá tải trong bệnh viện. Cảnh người nhà bệnh nhân nằm vạ vật trên ghế đá, hành lang bệnh viện đã giảm đi đáng kể, do đó nạn trộm cắp cũng bị hạn chế phần nào, đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện.
Chúng tôi đã gặp bác Nguyễn Thị Liên và chị Bế Thị Thu tại Nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo Bệnh viện Bạch Mai khi bác cùng cô con gái từ Lào Cai về bệnh viện chăm sóc người nhà. Bác phấn khởi lắm và cho chúng tôi biết, cách đây hai năm, bác cũng đã có dịp về đây thăm người cùng cơ quan điều trị thương tật. “Dạo ấy, cứ đêm đến, tôi thấy người nhà của bệnh nhân nằm la liệt khắp hành lang, ghế đá của bệnh viện; nghĩ đến mình lần này về đây cũng vậy tôi sợ quá, vì các cụ bảo “xảy nhà ra thất nghiệp” nên bảo con mang cả chiếu, ni-lông để ngủ đêm ở hành lang, ai ngờ khi làm thủ tục nhập viện xong, được cô y tá giới thiệu liền đến ngay và có được phòng trọ đàng hoàng, phục vụ chu đáo, mà mừng quá!”. Không phải chỉ riêng bác Liên, chị Thu mà người nhà của các bệnh nhân khác đến từ Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nam Định, Bắc Giang… đang trọ tại đây cũng đều có những cảm nhận như vậy vì ở đây, họ đã có những giấc ngủ ngon, vệ sinh, an toàn và giá cả lại rất phải chăng.
Nên nhân rộng mô hình nhà lưu trú
Tại khu vực gần các bệnh viện ở Hà Nội như Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi… đều có dịch vụ cho thuê nhà trọ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà trọ này đều có môi trường vệ sinh không tốt, điều kiện sống không đảm bảo cho sức khỏe của người thuê trọ. Đó là chưa kể đến nguy cơ lây nhiễm bệnh từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng, người thuê trọ không có lựa chọn nào khác khi trong bệnh viện, bệnh nhân còn phải nằm ghép thì nói gì đến chỗ nằm cho người đi trông nom. Thôi thì đành ở tạm nhà trọ, vừa tiện lợi vì ở gần viện, giá trọ cũng rẻ, hợp với người nghèo, dù biết chắc: "Tiền nào của đấy".
Với quy mô trên 3.000 giường thực kê, mỗi ngày có khoảng 6.000 lượt người khám ngoại trú, 4.000 bệnh nhân nội trú. Mỗi bệnh nhân nội trú thường kèm theo một, thậm chí đến hai, ba người nhà chăm sóc. Khi nhà lưu trú dành cho người nhà bệnh nhân nghèo đi vào hoạt động thì tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đã được giải quyết phần nào. Ban giám đốc BV đã cử 25 cán bộ, nhân viên phục vụ nhà lưu trú suốt 24/24 giờ trong ngày và mức thu đối với mỗi người nhà bệnh nhân chỉ là mức tối thiểu 20.000 đồng/người/ngày đêm, được trang bị mỗi người một hòm sắt có khoá để đựng đồ, trật tự an ninh được đảm bảo. Tuy nhiên, với qui mô 300 giường như hiện nay, nhà lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người nhà bệnh nhân. Vì vậy, tình trạng nằm hành lang, hay trong khuôn viên ở BV Bạch Mai vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Như vậy, sau BV Việt - Đức, thì BV Bạch Mai là đơn vị thứ hai có nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo, đã phần nào giảm bớt những khó khăn cho gia đình người bệnh khi đi chăm sóc người thân nằm viện. Tuy đây là mô hình cần thiết và được người dân mong chờ nhưng cái khó của các BV hiện nay là thiếu quỹ đất và thiếu kinh phí xây dựng. Chính vì vậy để mỗi BV có những khu lưu trú cho người nhà bệnh nhân (kể cả bệnh nhân không thuộc diện nghèo) thì chắc chắn không thể chỉ trông chờ vào sự cố gắng của các BV. Hoạt động này rất cần được xã hội hoá, có sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng hoặc kêu gọi những nguồn vốn đầu tư nước ngoài…
B.M