Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Những điều cần biết khi nội soi dạ dày

Đau bụng trên rốn, nôn, khó nuốt hoặc nóng rát sau xương ức, đau xiên chiếu từ ức ra sau lưng... là những dấu hiệu gợi ý để bạn cần khi khám dạ dày. Sau khi thăm khám, đánh giá lâm sàng, các bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm nội soi dạ dày. Vậy nội soi dạ dày là gì? Cần lưu ý ra sao? Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai xin có một số giải đáp quanh vấn đề này.

noi soi da day

Nội soi dạ dày là gì?

Nội soi dạ dày là thủ thuật giúp chẩn đoán tổn thương bề mặt niêm mạc thực quản, dạ dày, tá tràng. Bác sỹ sử dụng ống mềm có gắn đèn và camera ở đầu ống (dây nội soi) đưa qua miệng vào dạ dày và tá tràng để quan sát, phát hiện các tổn thương bệnh lý.

Những ai có chỉ định cần nội soi dạ dày?

Nội soi dạ dày được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng đường tiêu hoá trên như đau bụng trên rốn, nôn, khó nuốt hoặc nóng rát sau xương ức…Đồng thời, đây cũng là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán các nguyên nhân chảy máu từ đường tiêu hoá trên.

Nội soi dạ dày giúp phát hiện tổn thương ung thư sớm của đường tiêu hoá cũng như phân biệt các tổn thương ung thư hoặc không ung thư bằng kỹ thuật sinh thiết. Bác sỹ nội soi sẽ sử dụng một dụng cụ đặc biệt để lấy một mảnh mô từ tổn thương. Mảnh mô này được gửi đến phòng xét nghiệm để làm giải phẫu bệnh.

Trong quá trình nội soi, bác sỹ có thể thực hiện thủ thuật can thiệp như cắt polyp, gắp dị vật  hoặc can thiệp cầm máu với các trường hợp chảy máu mà người bệnh gần như không cảm thấy khó chịu. Trong đó, can thiệp cầm máu qua nội soi dạ dày an toàn và hiệu quả giúp giảm tỷ lệ truyền máu và phẫu thuật ở nhiều người bệnh.

Một số phương pháp khác thay thế nội soi dạ dày như chụp Xquang dạ dày có uống barit, nội soi viên nang... Tuy nhiên nội soi dạ dày giúp chẩn đoán tổn thương viêm, loét hoặc u ở thực quản, dạ dày và tá tràng chính xác hơn rất nhiều so với chụp Xquang dạ dày. Nội soi viên nang cũng có thể quan sát hình ảnh tổn thương dạ dày, tá tràng, tuy nhiên nội soi viên nang cũng như chụp Xquang dạ dày không thể làm thủ thuật, sinh thiết tổn thương, hoặc xét nghiệm tìm vi khuẩn H.pylori trong dạ dày

Người bệnh cần chuẩn bị gì trước nội soi dạ dày?

- Người bệnh không được ăn hoặc uống (đặc biệt nước có màu) ít nhất 6 giờ trước nội soi.

- Người bệnh được hướng dẫn uống thuốc chống tạo bọt giúp quan sát tốt, không bỏ sót tổn thương.

- Người bệnh/người nhà người bệnh cần phải thông báo với bác sỹ

+ Tiền sử bệnh lý tim mạch, bệnh phổi mạn tính, rối loạn tinh thần, rối loạn đông máu

+ TẤT CẢ các thuốc đang sử dụng cũng như tiền sử DỊ ỨNG thuốc, đặc biệt các thuốc chống đông máu (warfarin, lovenox), thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel) vì tăng nguy cơ chảy máu, NSAIDs, insulin (điều trị tiểu đường).

+ Người bệnh đang mang thai hoặc cho con bú cần thông báo với bác sỹ để được tư vấn.

- Trường hợp soi dạ dày gây mê, hoặc làm các thủ thuật can thiệp cần phải có người nhà đi cùng.

Quá trình nội soi dạ dày diễn ra như thế nào?

Bác sỹ, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cách thức và động viên người bệnh hợp tác trong quá trình nội soi để tránh cảm giác khó chịu, giúp việc quan sát và làm thủ thuật thuận lợi.

Bác sỹ sẽ đưa dây nội soi qua miệng người bệnh, xuống thực quản, dạ dày, tá tràng. Hơi được bơm vào dạ dày trong suốt quá trình nội soi giúp cho việc quan sát. Quá trình nội soi dạ dày không ảnh hưởng đến khả năng hít thở của người bệnh.

Toàn bộ quá trình nội soi diễn ra khoảng 10 phút hoặc kéo dài hơn nếu bác sỹ phải làm thêm thủ thuật.

Theo dõi sau nội soi

Người bệnh sẽ cảm thấy đầy chướng bụng do trong quá trình nội soi bác sỹ phải bơm hơi làm căng dạ dày để quan sát bề mặt niêm mạc (mặc dù bác sỹ sẽ hút hơi khi kết thúc soi nhưng không thể hút toàn bộ). Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy đau họng một vài ngày. Tuy nhiên biểu hiện này sẽ hết dần mà không phải xử trí gì.

Sau nội soi, người bệnh có thể ăn uống bình thường nếu như bác sỹ không có hướng dẫn khác.

Nếu người bệnh soi dạ dày gây mê, người bệnh sẽ được theo dõi tại khu vực hồi tỉnh cho đến khi hết tác dụng của thuốc gây mê và phải có người nhà đưa về.

Kết quả nội soi sẽ được trả trong ngày. Nếu phải làm sinh thiết, kết quả sinh thiết sẽ được trả sau vài ngày.

Biến chứng của nội soi dạ dày là gì?

Nội soi dạ dày và sinh thiết nhìn chung khá an toàn, hiếm xảy ra biến chứng.

Biến chứng chảy máu ít gặp (1/1000) có thể do người bệnh nôn nhiều hoặc sau làm thủ thuật sinh thiết, cắt polyp. Đây thường là các tổn thương nhỏ nên có thể tự cầm máu hoặc được cầm máu trong quá trình nội soi. Hiếm trường hợp phải phẫu thuật để cầm máu.

Biến chứng thủng rất hiếm gặp (1/5000), nếu xảy ra cần phải phẫu thuật. Các biến cố tim mạch hoặc nguy cơ sặc vào phổi khá hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở người bệnh già yếu, có tiền sử bệnh lý tim mạch, bệnh phổi.

Bỏ sót tổn thương (polyp…) trong nội soi thường do người bệnh ứ đọng thức ăn trong dạ dày, ăn thức ăn khó tiêu, không hợp tác trong quá trình nội soi ảnh hưởng đến khả năng quan sát và phát hiện tổn thương. Các biến chứng khác như dị ứng, phản ứng phản vệ với các thuốc trong nội soi (thuốc gây mê…)…có thể gặp. Tuy nhiên, các biến chứng trên hiếm khi dẫn đến tử vong.

Nhìn chung, nội soi dạ dày là một thủ thuật an toàn. Điều quan trọng là khi người bệnh có bất kể vấn đề gì bất thường trong, sau khi nội soi (thậm chí sau nhiều ngày), cần đến khám lại ngay tại cơ sở y tế hoặc thông báo cho nhân viên y tế để được chẩn đoán và xử trí sớm./.

Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, BV Bạch Mai 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image