Việc được ghép thận từ người hiến sống có thể là cùng huyết thống hoặc không cùng huyết thống hay trong chương trình hoán đổi để ghép cặp trên tinh thần nhân đạo, tự nguyện đang được khá nhiều người quan tâm. Vậy, những người nào đủ tiêu chuẩn để hiến thận, ai không đủ tiêu chuẩn? PGS.TS Đặng Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu sẽ chia sẻ cho chúng ta về những tiêu chí này.
PV: Xin bác sĩ cho biết những tiêu chí để lựa chọn người hiến thận?
PGS.TS Đặng Thị Việt Hà: Điều đầu tiên là người hiến phải trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện: Có giấy cam đoan của bản thân, sự đồng ý của gia đình. Bên cạnh đó cần có thêm các tiêu chí dưới đây:
- Đủ sức khỏe để thực hiện cuộc phẫu thuật
- Có chức năng thận bình thường và nguy cơ mắc bệnh thận sau này thấp.
- Không có yếu tố nguy cơ truyền các bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh ác tính sang người nhận.
- Không có yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận còn lại của người hiến.
- Phản ứng chéo giữa người hiến và người nhận âm tính.
- Tuổi người hiến nên dưới 60.
PV: Với những người trên 60 tuổi, ví dụ như bố - mẹ muốn hiến cho con thì có được lựa chọn không, thưa bác sĩ?
PGS.TS Đặng Thị Việt Hà: Cũng có tiêu chuẩn của người hiến thận mở rộng, bao gồm:
- Tuổi > 60, không có yếu tố nguy cơ (một số trung tâm ghép tạng lấy tiêu chuẩn người hiến > 70 tuổi, tuy nhiên tuổi người hiến cao sẽ đi kèm nhiều nguy cơ ảnh hưỏng đến giảm chức năng thận ghép).
- >50 tuổi có yếu tố nguy cơ (một số trung tâm ghép tạng lấy tiêu chuẩn > 60 tuổi): tăng huyết áp, đái tháo đường (có thể hiến tạng cho người bệnh có đái tháo đường).
- Mức lọc cầu thận > 50 ml/phút và tạng vẫn còn giá trị cho ghép một thận.
PV: Vậy Phó giáo sư có thể chia sẻ cho bạn đọc biết, những ai không đủ tiêu chuẩn để được hiến thận?
PGS.TS Đặng Thị Việt Hà: Những người không được hiến thận bao gồm: Người dưới 18 tuổi. Người mắc bệnh thận móng ngựa, thận đa nang, thận bệnh lý; mắc bệnh đái tháo đường; bệnh hệ thống, ung thư, lao, giang mai, nghiện ma túy, phụ nữ có thai.
Và một số nhóm có chống chỉ định tương đối: Bất thường mạch máu thận, bệnh béo phì (BMI > 30), tiền sử sỏi thận; Tăng huyết áp không kiểm soát được; Nhiễm trùng tiết niệu; Protein niệu, hồng cầu niệu kéo dài.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
Diệu Hiền (thực hiện)
Nếu bạn còn thắc mắc, băn khoăn và muốn biết cụ thể xem liệu mình có thể hiến thận được không? Hoặc những trường hợp người hiến thận mắc các bệnh lý đặc biệt như nhiễm các bệnh lý truyền nhiễm như viêm gan B, C, giang mai, …hay các bệnh lý khác? Hiến thận có gây ảnh hưởng tới sức khỏe không? … Bạn có thể tới khám tại Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu và Khoa khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai - nơi có các PGS, TS chuyên về ghép thận như PGS. TS Đỗ Gia Tuyển, PGS.TS Đặng Thị Việt Hà, TS.BS Nghiêm Trung Dũng và đội ngũ các bác sĩ chuyên về ghép thận nhiều năm để được kiểm tra và được tư vấn thêm.
---------------------------------------------------
HƯỚNG DẪN ĐẶT LỊCH KHÁM THEO YÊU CẦU NHÀ K1
Cách 1: Gọi số Hotline Tổng đài bệnh viện: 1900.888.866
Cách 2: Gọi hoặc nhắn tin đăng ký vào số Zalo: 0965.795.470
Cách 3: Nhắn tin vào fanpage Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu.
Cách 4: Theo hướng dẫn đường link: https://dkkham.bachmai.gov.vn/dat-lich