Người bị thiếu máu thiếu sắt thường có da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, móng tay, móng chân dễ gãy và biến dạng, tóc khô cứng, dễ gãy...
Người bị thiếu máu thiếu sắt thường có da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, móng tay, móng chân dễ gãy và biến dạng, tóc khô cứng, dễ gãy... Ðối với phụ nữ mang thai, thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cả mẹ lẫn con. Thai phụ thường mệt mỏi, chóng mặt, khó thở khi gắng sức, rủi ro tử vong trong quá trình sinh nở. Thiếu máu cũng gây tình trạng đẻ non, sẩy thai, băng huyết ở mẹ, thiếu máu dinh dưỡng và nhẹ cân ở trẻ sơ sinh. Do vậy, bổ sung sắt cho phụ nữ tuổi sinh đẻ là cực kỳ quan trọng.
Chế độ ăn nghèo vi chất là nguyên nhân chính khiến cơ thể thiếu sắt. Báo cáo gần đây của Bộ Y tế cho biết, khẩu phần ăn hàng ngày của người Việt chỉ đáp ứng được 30-50% nhu cầu sắt của cơ thể. Sai lầm ăn uống, chế biến không hợp vệ sinh, nhiễm giun sán cũng làm tăng nguy cơ thiếu sắt.
Tại Việt Nam, tình trạng này khá phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ. Có tới 26% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu, chủ yếu do thiếu sắt. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho thấy, 66,1% phụ nữ mang thai trong quý 3 của thai kỳ bị thiếu máu thiếu sắt.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ nên chú ý bổ sung sắt bằng thực phẩm để phòng thiếu sắt.
Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) dễ bị thiếu máu thiếu sắt hơn nam giới vì dự trữ sắt thấp do mất máu trong các kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ không mang thai cần lưu ý đến các yếu tố nguy cơ thúc đẩy thiếu máu thiếu sắt và thiếu axit folic như: ra máu kéo dài, ra nhiều khi có kinh, ăn uống quá kiêng khem (có khi vì ám ảnh sợ béo phì). Phụ nữ có thai dễ bị thiếu máu, thiếu sắt do nhu cầu cao hơn bình thường để tăng khối lượng máu cho người mẹ và phát triển thai nhi nhưng lượng sắt dự trữ không đáp ứng đủ nhu cầu.
Chẩn đoán xác định thiếu máu thiếu sắt dựa chủ yếu vào các xét nghiệm máu: kết quả cho thấy tế bào hồng cầu nhỏ hơn và nhạt màu hơn so với bình thường, hàm lượng hemoglobin trong máu thường thấp hơn và lượng ferritin (protein dự trữ sắt trong máu) ở mức thấp (nồng độ hemoglobin (Hb) dưới 110g/L và ferritin huyết thanh dưới 30mcg/L.)
Cách tốt nhất để dự phòng thiếu sắt là duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm. Nên chọn các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hàng ngày. Thức ăn động vật chứa nhiều sắt bao gồm: trứng; gan các loại động vật (lợn, gà, vịt...) và các phủ tạng khác (như tim, bầu dục, đặc biệt tiết có hàm lượng sắt rất cao). Các loại thịt bò, thịt lợn và các loại thủy hải sản cũng chứa nhiều sắt. Sắt trong thức ăn có nguồn gốc từ động vật có giá trị sinh học cao và khả năng hấp thụ tốt hơn so với sắt có nguồn gốc thực vật. Trong thức ăn nguồn gốc thực vật thì sắt có nhiều trong đậu đỗ, vừng lạc, các loại rau màu xanh thẫm; rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau đay...
Muốn sắt hấp thu tốt cần ăn đầy đủ và thường xuyên các thực phẩm như: cam, quýt, chanh, bưởi, táo, đu đủ, chuối, dưa hấu... để tăng cường lượng viamin C trong khẩu phần ăn, một yếu tố quan trọng góp phần tăng cường hấp thu sắt. Không nên uống nước chè sau bữa ăn vì trong chè có tannin. Ngoài ra, phytat (có trong đậu đỗ, gạo và các loại ngũ cốc) cũng là chất ức chế hấp thu sắt.
Bổ sung viên sắt/axit folic như thế nào?
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chế độ ăn chỉ có tác dụng phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt. Khi đã bị thiếu máu do thiếu sắt thì việc bổ sung qua thức ăn là không đủ. Vì vậy, một giải pháp hữu hiệu được khuyến khích đối với các đối tượng này là sử dụng viên sắt hàng ngày, hàng tuần theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuy nhiên, cần cân bằng lượng sắt trong cơ thể, vì nếu lượng sắt trong cơ thể bị thừa có thể dẫn tới hậu quả cho sức khỏe. Sắt dư thừa sẽ được tích lũy trong gan và lách, nếu tích lũy kéo dài có thể dẫn tới suy gan, suy lách và hàng loạt các biến chứng khác.
Dấu hiệu của thừa sắt thường có các biểu hiện như: tiêu chảy, đi tiểu ra máu, buồn nôn, đau bụng... Lúc này, cần nhanh chóng đến bệnh viện, trung tâm y tế để bác sĩ thăm khám, không được chờ đợi bệnh tự thuyên giảm.
Theo hướng dẫn của Chương trình phòng chống thiếu máu, phụ nữ tuổi sinh đẻ không có thai uống bổ sung viên sắt/acid folic dự phòng thiếu máu, một đợt trong năm và kéo dài trong 16 tuần (4 tháng liên tục) mỗi tuần uống 1 viên vào 1 ngày nhất định (16 viên/năm/phụ nữ).
Phụ nữ có thai cần uống bổ sung viên sắt/acid folic (60mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic), liều lượng 1 viên/ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới sau đẻ 1 tháng. Thiếu máu là giai đoạn cuối của thiếu sắt kéo dài. Vì vậy khi có thai, ngay cả trong trường hợp bà mẹ cảm thấy sức khỏe bình thường cũng không có nghĩa là không bị thiếu sắt. Hơn nữa, kể cả khi không bị thiếu máu, việc bổ sung uống viên sắt là điều cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sắt tăng cao của phụ nữ trong thời kỳ có thai giúp bà mẹ phòng chống thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt.
Lưu ý khi dùng thuốc chứa acid folic và sắt
Sắt được hấp thu tốt nhất khi dạ dày trống nhưng vì nó có thể gây kích ứng dạ dày nên có thể dùng sau bữa ăn 1 -2 giờ. Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt qua đường tiêu hóa, vì thế việc bổ sung sắt sẽ hiệu quả hơn nếu uống cùng với nước chanh hoặc cam. Ngoài ra, nếu bạn đang điều trị bệnh dạ dày bằng các thuốc kháng acid, nên uống viên sắt trước hai giờ hoặc sau bốn giờ uống các thuốc này để tránh giảm hấp thu.
Không uống với nước trà (chè) mà nên uống với nước lã đun sôi để nguội (vì trà cản trở sự hấp thu sắt); nên uống trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ để sắt hấp thu được tốt hơn; không uống chung với thuốc kháng axit trị viêm loét dạ dày - tá tràng (sắt không được hấp thu), không uống chung với tetracyclin (tetracyclin bị giảm hấp thu); sau khi uống thuốc, phân đi tiêu có màu đen (do màu của sắt, đây là dấu hiệu không đáng ngại).
Việc bổ sung sắt có thể gây táo bón, vì vậy cần tăng cường thêm các chất xơ tự nhiên hoặc dùng thêm các thuốc làm mềm phân. Ăn nhiều rau xanh và quả chín vừa giảm táo bón vừa cung cấp vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt.
Ths.BS. Lê Thị Hải