Trong những năm gần đây số lượng trẻ đến khám ở viện sức khoẻ tâm thần càng ngày càng tăng, là một trong những vấn đề y tế đáng lo ngại ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.
ThS.BS Lê Công Thiện - Trưởng phòng Tâm thần nhi và trẻ vị thành niên Viện Sức khỏe tâm thần (SKTT), Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo các số liệu thống kê đánh giá hàng năm chúng tôi nhận thấy rằng tỉ lệ của các cháu đến khám tại Viện SKTT vì các vấn đề liên quan đến trường học nhiều hơn so với trước đây. Lý giải vấn đề này thì có rất nhiều lý do, đầu tiên là áp lực học tập, thứ hai là tương tác giữa các giới trẻ bây giờ cũng khác so với thời xưa, thứ ba là những quan điểm, những mâu thuẫn trong cuộc sống, đặc biệt là trong gia đình và nhà trường cũng có sự thay đổi.
Vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng trong việc phát triển của trẻ, đặc biệt là nhà trường. Khi có những vấn đề ở trường học mà các cháu cũng không thể chia sẻ, không kể lại với bố mẹ, do vậy với giáo viên, hay các cán bộ chuyên trách quản lý học sinh, và đặc biệt là các nhà tâm lý học đường sẽ là những nhóm người phát hiện đánh giá về tâm lý. Đầu tiên là vấn đề về tâm lý, sau đó là sức khoẻ tâm thần.
Thứ hai là về gia đình, các bậc phụ huynh nên lưu ý, khi mà các con về nhà rồi thì ta sẽ đánh giá về sự thay đổi về mặt tâm lý, lối sống, thói quen và sở thích của con thì đấy cũng là một trong các yếu tố để mình phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh. Các vấn đề phổ biến hay gặp như lo âu, trầm cảm, rối loạn phát triển như tăng động, tự kỷ là những vấn đề thường gặp ở lứa tuổi trẻ em vị thành niên hay kể cả lứa tuổi trẻ em thấp hơn.
Nếu không được phát hiện sớm và kịp thời về vấn đề tâm lý, tâm thần của trẻ, việc đầu tiên sẽ ảnh hưởng là khả năng học tập. Vì khi các cháu có vấn đề, thì khả năng tập trung, ghi nhận thông tin sẽ thay đổi. Thứ hai là ảnh hưởng đến sự tương tác, khả năng thích nghi với cuộc sống. Để phát hiện được sớm thì đặc biệt là giáo viên, nhà trường cộng với gia đình cần phải hiểu biết những dấu hiệu đầu tiên là vấn đề tâm lý lứa tuổi, sau đó là các vấn đề về sức khoẻ tâm thần.
Các dấu hiệu sớm như là có các vấn đề về giấc ngủ, sự thay đổi về các nề nếp sinh hoạt, hay có các dấu hiệu triệu chứng như căng thẳng, lo lắng như khi phải đi học hoặc khi nhắc đến câu chuyện nào đó ở trường mà các cháu tự dưng thấy không thích. Như vậy, cách chúng ta tiếp cận đầu tiên là các cháu có vấn để về tâm lý trước, sau đó mới nghĩ đến vấn đề bệnh lý.
Để phòng tránh rối loạn tâm thần tuổi vị thành niên, bác sĩ đưa ra khuyến cáo: Đầu tiên là xuất phát từ gia đình, gia đình phải quan tâm đánh giá sự thay đổi về mặt tính cách qua các giai đoạn theo các lứa tuổi, mỗi một giai đoạn sẽ có đặc điểm tâm lý rất khác nhau, do vậy triệu chứng từng giai đoạn cũng sẽ khác nhau. Thứ hai là sự quan tâm của nhà trường, đặc biệt của các thầy cô giáo rồi các chuyên gia tâm lý, khi có sự quan tâm thì mình mới đánh giá được sự thay đổi, nếu không đến khi sự thay đổi rõ rệt rồi thì cơ hội và khả năng hồi phục sẽ kém đi rất nhiều.
Bài, ảnh: Thành Dương