Với bệnh án điện tử, người dân đi khám bệnh không cần đem theo sổ, giấy tờ... tiết kiệm nhiều chi phí, bệnh viện và cơ quan quản lý, nghiên cứu sinh cũng “khỏe” hơn.
Kiểm tra, nhập dữ liệu bệnh nhân đến khám vào bệnh án điện tử tại phòng khám Bệnh viện Q.Thủ Đức
Sáng 12.2, một nữ phụ huynh còn khá trẻ đưa con 5 tháng tuổi đến phòng khám vệ tinh Linh Xuân 3, Bệnh viện (BV) Q.Thủ Đức (TP.HCM) khám bệnh. Chị nói với bác sĩ (BS) con chị bị viêm phổi, 4 ngày trước đã cho khám tại BV Q.Thủ Đức và BS bảo thế. BS lấy làm lạ vì trẻ viêm phổi thì BV phải chỉ định nhập viện chứ. BS gõ họ tên, năm sinh con chị vào máy tính thì hình ảnh chụp X-quang, thông tin xét nghiệm máu và chỉ định nhập viện... tại BV hiện lên. Theo thông tin có được thì khi được chỉ định nhập viện, phụ huynh đã không cho con nhập viện mà đi phòng khám tư khám, lấy thuốc về cho con uống.
BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức TP.HCM, cho biết nhờ có bệnh án điện tử (BAĐT) nên mới tra được ca bệnh trên.
Kiểm tra, nhập dữ liệu bệnh nhân đến khám vào bệnh án điện tử tại phòng khám Bệnh viện Q.Thủ Đức
Nhiều BV đã nhập cuộc
BV Q.Thủ Đức đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám, chữa bệnh (KCB) từ năm 2008. Lúc đầu sử dụng phần mềm quản lý BV do công ty phần mềm cung cấp. Đến năm 2015, BV bắt đầu triển khai BAĐT khi được sự đồng ý của Bộ Y tế, Sở Y tế TP và được sự thống nhất của cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT). Lúc đầu, BV triển khai thí điểm một khoa, khi thành công thì nhân rộng sang các khoa khác và hiện nay đã triển khai toàn BV. Năm 2018, Sở Y tế đến BV kiểm tra, giám sát về BAĐT ghi nhận bước đầu đã thành công và tiếp tục hoàn thiện.
“Trước năm 2019, BV vẫn vừa sử dụng BAĐT vừa in bệnh án giấy vì hành lang pháp lý chưa có. Năm 2019, đã có quy định cụ thể về BAĐT, nên BV sẽ xin thẩm định không in bệnh án giấy nữa”, BS Quân nói.
BS Nguyễn Ánh Tuyết, Phó giám đốc BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết BV này đã ứng dụng CNTT trong KCB từ hơn 10 năm qua. Từ năm 2018, BV triển khai lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa, xét nghiệm mà không cần in. Hiện BV đã quản lý hầu như toàn bộ thông tin bệnh nhân (BN) đến BV, như: Thông tin hành chính, thuốc men sử dụng, tường trình phẫu thuật... Ngoài máy chủ, BV còn có hệ thống dự phòng khi gặp sự cố.
“Dự định 2019 - 2020 BV hoàn thành hạ tầng CNTT và nâng cấp phần mềm để hoàn thiện BAĐT trong nội bộ BV”, lãnh đạo BV Nhân dân Gia Định khẳng định.
TS-BS Bùi Minh Trạng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết được sự hỗ trợ và cho phép thí điểm BAĐT của Bộ Y tế, từ tháng 10.2018 BV đã triển khai. Theo đó, BV có 2 máy chủ để lưu trữ dữ liệu, một máy đặt ở BV, một máy nằm ở trung tâm bên ngoài để dự phòng. Hiện tại, BV đã triển khai thành công BAĐT tại khu khám ngoại trú - tại phòng khám VIP, khám dịch vụ, còn nội trú từ tháng 2.2019 sẽ triển khai thí điểm 1 - 2 khoa. Tuy vậy, BV chưa thể triển khai BAĐT cho BN BHYT, do việc thay đổi thanh toán bảo hiểm nhiều lần gây khó khăn, phải sửa hệ thống BAĐT.
“Việc làm BAĐT không chỉ đơn thuần là quản lý bệnh án mà còn theo dõi, quản lý thu viện phí, sử dụng trang thiết bị, thuốc men... Giai đoạn đầu phải sử dụng song song BAĐT và bệnh án giấy, sau đó mới sử dụng BAĐT khi hoàn thiện”, TS-BS Trạng chia sẻ thêm.
Nhiều lợi ích
Với kinh nghiệm nhiều năm làm BAĐT, BS Nguyễn Minh Quân phân tích cái lợi cho BN là: Các thông tin BN được lưu trữ qua các đợt khám tại BV, có thể sử dụng thông tin này cho các BS khác điều trị cho mình. Toa thuốc, chỉ định... rõ ràng (khắc phục chữ viết BS khó đọc). Các tiện ích trong BAĐT: Giảm thời gian chờ đợi của BN do giảm quy trình thủ tục trong KCB, minh bạch các dịch vụ KCB.
BS và điều dưỡng cũng có lợi khi giảm các thủ tục liên quan hành chính, dành thời gian cho chăm sóc người bệnh; tránh sai sót các y lệnh, thuốc, vật tư y tế của điều dưỡng; nhiều thông tin, lịch sử của BN, giúp các BS điều trị tốt hơn; nghiên cứu khoa học. Khi dùng BAĐT, buộc phải tuân thủ các quy định của ngành: phác đồ điều trị, quản lý chi phí điều trị... Cung cấp các thông tin cho cơ quan quản lý để điều hành vĩ mô. Các BV khác có thể xem được kết quả KCB, cận lâm sàng, thuốc điều trị của BN khi điều trị tại BV trước đó để có hướng điều trị tiếp theo cho BN.
Chia sẻ về lợi ích BAĐT, TS-BS Trạng cho biết BN sẽ đỡ tốn kém về chi phí in chép phim ảnh cận lâm sàng, tất cả đều lưu trên BAĐT. BN đi đến đâu chỉ cần chuyển BAĐT mà không cần cầm sổ, giấy tờ. Thậm chí tại BV khám ngoại trú, BN cũng không cần phải mang giấy tờ đi lòng vòng vì tất cả đều thể hiện trong BAĐT mà BV lưu trữ. Về phía BV cũng sẽ đỡ tốn kém tiền giấy mực, không tốn kho lưu trữ; truy cập tìm nhanh hơn; BV sẽ hướng đến cho BS dùng điện thoại, hay máy tính bảng khi khám bệnh và nhập thông tin bệnh tình BN, cho thuốc... mà không cần phải ghi ra giấy rồi nhập vào máy tính. Điều dưỡng căn cứ vào đó mà thực hiện y lệnh. BV cũng đang tích hợp giọng nói để BS không cần nhập dữ liệu tay.
Theo PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế), nhiều BV trên cả nước triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý kê đơn cũng như các thông tin về BN trong quá trình điều trị và gần như tất cả các BV thuộc Bộ Y tế đều đã có ứng dụng CNTT trong lưu trữ thông tin về chữa bệnh cho BN. Điển hình nhất là phần mềm kê đơn, lưu giữ thông tin đơn thuốc góp phần hiệu quả trong kiểm soát kê đơn, giúp cho kê đơn hợp lý, an toàn không lạm dụng chỉ định thuốc; lưu giữ thông tin về BN KCB ở các mức độ khác nhau. Vừa qua đã có 15 BV thành công trong thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) trong quản lý và xử lý hình ảnh, đọc kết quả, trả kết quả chẩn đoán hình ảnh không sử dụng phim, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí. “BAĐT khi hoàn thiện sẽ giúp thực hiện BV không sử dụng giấy tờ, BV thông minh”, ông Tường nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết khi triển khai được BAĐT toàn diện với việc cập nhật các thông tin của BN trong quá trình khám sức khỏe thì nó cũng là “kho” dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người. Dù ở đâu trên thế giới này chỉ cần máy tính kết nối mạng là BS hay BN đã có được thông tin sức khỏe của cá nhân đó qua thời gian: bệnh sử, những yếu tố cần lưu ý như dị ứng thuốc, diễn biến sức khỏe qua các đợt điều trị... để có các phương án tốt nhất trong điều trị.
Cần đồng bộLãnh đạo BV Nhân dân Gia Định cho rằng hiện mỗi BV tự mày mò, tự liên hệ các đơn vị cung cấp phần mềm sẽ khó khăn khi kết nối trên cả nước. Cấp ngành hay cấp TP trong lộ trình xây dựng TP thông minh cần xây dựng chuẩn chung cho BAĐT và các BV tùy quy mô mua lại để giảm giá thành, giảm thời gian đầu tư.Theo BS Nguyễn Minh Quân, cần đồng bộ của tất cả các bộ phận trong BV, hạ tầng CNTT đòi hỏi phải được đầu tư lớn để đáp ứng cho dữ liệu ngày càng lớn. Toàn bộ hoạt động của BV sẽ lệ thuộc vào CNTT nên khi xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của BV. Kinh phí đầu tư cho CNTT phải liên tục và lớn... “Do mỗi BV làm một phần mềm nên Bộ Y tế cần ban hành chuẩn đầu ra để các BV xây dựng theo chuẩn đó và như vậy các BV có thể liên thông dữ liệu trên toàn quốc dễ dàng”, BS Quân nói thêm. |
Nguồn: https://thanhnien.vn