Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Tác hại khôn lường của nấm rừng

Từ năm 2004 – 2011, tại 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn có 340 người bị ngộ độc nấm. Trong đó 55 người tử vong, chiếm tỷ lệ 16,2%. Theo cố PGS.TS. Hoàng Công Minh, Trung tâm phòng chống nhiễm độc, Học viện Quân Y: Tất cả các trường hợp tử vong đều do các loài nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón. Các loài nấm mọc hoang dại và trông giống với nấm ăn được. Đáng chú ý có những ca ngộ độc nấm cả gia đình có 9 người thì 8 người tử vong.

Nam-doc-trang-hinh-non-tai-Bac-Can.jpg - 77.28 kb

Nam-doc-trang-hinh-non-tai-Cao-Bang.jpg - 54.33 kb

Nấm độc trắng hình nón tại Cao Bằng

Tử vong vì nấm rừng

Năm 2014, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 14 ca bị ngộ độc nấm ở Thái Nguyên và Tuyên Quang chuyển về. Trong đó, 3 người tử vong, 10 người nguy kịch vì hôn mê và suy gan nặng. 14 bệnh nhân bị ngộ độc nấm chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm 5 người tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) nhập viện hôm 9/3. Trong số này, hai người đã tử vong gồm một bé trai (13 tuổi) và một phụ nữ (60 tuổi). Nhóm thứ hai nhập viện hôm 12/3 sau 24 giờ ăn nấm, gồm 5 người ở Thái Nguyên. Nhóm thứ ba là 4 người ở Tuyên Quang. Qua khai thác bệnh sử, các nạn nhân đều ăn loại nấm độc màu trắng, nấm mềm, mùi thơm dịu, nhìn giống với nấm thường vì thế nhiều người nghĩ không phải nấm độc. Các loài nấm độc này có tên thông thường là nấm độc tán trắng (tên khoa học là Amanita verna) và nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa), là loại nấm có độc tính cao, tác dụng chậm. Các loại nấm này mọc hoang dại ở rừng, khe suối... Loại nấm này mọc nhiều vào mùa xuân và hè, mọc nhiều khi mưa xuống, rất khó phân biệt với các loại nấm không độc. Do các biểu hiện luôn xuất hiện chậm nên các bệnh nhân đến viện muộn, sau 58 giờ họ mới được đưa đến viện, nên tình trạng rất nặng, viêm gan, suy gan rất nhanh và nặng nề. Trung tâm Chống độc đã huy động mọi nguồn lực, đưa ra những phác đồ điều trị tích cực nhất, chi phí điều trị lên tới 1,6 tỷ đồng nhưng nhiều bệnh nhân vẫn tử vong. Nếu tính riêng ngộ độc do loại nấm này thì tỷ lệ tử vong khoảng 50% hoặc cao hơn.

Tuyệt đối không ăn nấm lạ

Nam-doc-tan-trang-2.jpg - 29.5 kb

Nấm độc tán trắng

Ths Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc khuyến cáo, hiện bắt đầu vào mùa nấm phát triểu nhiều, người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại ăn. nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, trông giống nấm thường... Cần phải lưu ý, kể cả các nhà khoa học bằng quan sát cũng vẫn có thể nhầm lẫn giữa nấm độc với nấm không độc. Không ăn thử nấm, kể cả trước đây khi bạn đã từng nhiều lần ăn các loại nấm trông giống như vậy và không sao, nhưng lần này có thể sẽ bị ngộ độc. 

anh-BN.jpg - 2.05 MB

Sau khi mới ăn nấm, khi có biểu hiện ngộ độc nếu chưa nôn và vẫn còn tỉnh táo thì có thể uống nước và tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt thì nên uống ngay với liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng 40-50 gam). Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc đã chế biến đến cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm (cần giữ các nấm này cẩn thận để mang tới các bệnh viện tuyến cuối cùng, nơi có điều kiện để giúp xác định nấm độc)

Điều đáng lo ngại là với loại nấm độc nhất thì biểu hiện ngộ độc lại xuất hiện chậm sau ăn từ 6 giờ hoặc lâu hơn, khi đó các chất độc đã đi sâu xuống ruột và hấp thu vào máu, nên các biện pháp sơ cứu trở nên hạn chế. Với trường hợp này, người bệnh lúc đầu có nôn, ỉa chảy nên rất cần được nhanh chóng uống đủ nước ORESOL, nước canh, nước rau luộc, nước quả hoặc nước khoáng Bệnh nhân cần được khẩn trương tới cơ sở y tế gần nhất, sau đó nhanh chóng được chuyển tới cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hồi sức và giải độc đầy đủ.

Thông tin tham khảo:

Nói chung nấm có nhiều loại độc và không độc. Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên. Theo thói quen, người dân vẫn hái nấm để ăn. Nhưng theo các chuyên gia chống độc ở trong nước và quốc tế, khi đứng trước một loại nấm mọc hoang dại thì bạn không được ăn và không nên mất thời gian để quan tâm tới việc phân biệt nấm độc và nấm không độc. Vì việc phân biệt nấm độc và không độc ở cộng đồng với người dân là không thực tế và không khả thi, luôn có nguy cơ cao gây nhầm lẫn nguy hiểm.

Với loại ngộ độc nấm thường gây chết người (nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón): biểu hiện ngộ độc chậm sau ăn trên 6 giờ, ngộ độc biểu hiện theo các giai đoạn: 24 giờ đầu nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy → theo sau 1-2 ngày nôn, ỉa chảy tự đỡ (nghĩ nhầm là khỏi, nhưng gan bắt đầu bị viêm) → ngày thứ 3-4 trở đi biểu hiện viêm gan rõ, mệt, vàng mắt vàng da, kích thích sau đó hôn mê, tử vong. Việc điều trị cần cấp cứu, thải độc và giải độc sớm, hồi sức tích cực, rất tốn kém, vất vả và thường khoảng 50% bệnh nhân tử vong. Việc đóng bảo hiểm y tế là rất quan trọng với mọi người dân, tối cần thiết với người nghèo.

Dưới đây là một số quan niệm không đúng về nấm độc:

- Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ (thực tế loại nấm độc nhất, hay gây chết người lại trông trắng, vẻ lành tính, giống như nấm thường và khi ăn lại ngon)

- Nấm bị sâu bọ ăn là nấm không độc (Thực tế tất cả loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn)

- Thử cho động vật (gà, chó...) ăn trước, nếu động vật không sao thì là nấm không độc (thực tế động vật vẫn khác người, việc thử là không thực tế vì cần phải mất vài ngày để theo dõi đảm bảo con vật không sao, trong khi đó con người ăn vào vẫn bị ngộ độc)

- Thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền..., làm bằng bạc nếu thay đổi màu xám đen thì là nấm độc. Điều này hoàn toàn sai, các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu. 

Thông điệp của các bác sỹ gửi tới người dân:

1 .Các loại nấm gây ngộ độc thuộc nhóm các loại nấm mọc hoang dại.

2. Loại nấm độc nhất, hay gây chết người nhất lại trông ngon và hấp dẫn nhất, ăn vào cũng ngon, khi bị ngộ độc không biểu hiện ngay nên phát hiện thường muộn, bệnh nặng và nhiều người tử vong.

3. Biện pháp quan trọng nhất để phòng tránh ngộ độc nấm là “Không hái các nấm mọc hoang dại để ăn”

 

Đỗ Hằng


FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image