TÔI ĐÃ GẶP NHỮNG "TỪ MẪU" Ở BỆNH VIỆN BẠCH MAI
Không biết có phải vóc dáng và khuôn mặt của tôi không biết giấu đi sự kém cỏi về khả năng nhanh nhạy, kém cỏi về khả năng đi "bắt nạt" người khác của tôi, mà khuôn mặt lúc nào cũng phơi ra sự "thật thật, quê quê" của tôi mà trời đất đã run rủi cho tôi được gặp những "TỪ MẪU" ở Bệnh viện Bạch Mai không!?
Bệnh nhân Nguyễn Văn Kình 80 tuổi
Cách đây hơn 20 năm, tôi mang cô em gái đi khám bệnh ở Bạch Mai. Em tôi bị bệnh cột sống, không tự đi đứng được mà tôi phải bế hoặc cõng, phải cố nhích từng bước mới đến cửa phòng chụp X.quang. Lúc ấy, một cô gái mặc bờ lu trắng nhìn tôi và xin phép với mọi người còn khỏe nhường chỗ ngồi cho tôi. Và cô ấy bảo tôi đưa giấy của tôi để cô xếp chỗ ưu tiên cho. Rồi cô bước vào phòng. Mọi người ngồi xung quanh thì thầm bảo tôi chuẩn bị phong bì đi, ai người ta giúp không cho (về chuyện này tôi quả là lạc hậu). Nhưng nghe mọi người nói vậy nên tôi lấy 50 nghìn cho vào phong bì (50 nghìn lúc ấy có giá trị lắm rồi) và cũng liều đưa cho cô ấy nhưng cô ấy nhất quyết không nhận. Họ lại rỉ tai: chắc là cô ấy chê ít. Nhưng cô ấy có mở phong bì ra đâu mà bảo là cô chê ít nhỉ? Có người lại bảo: Họ biết bệnh nặng thế này là phải nằm viện, lúc ấy họ mới "nặn"… Em tôi nằm viện khá lâu và cho tới khi khỏi bệnh tôi không gặp lại được cô gái ấy để nói lời cám ơn, và cho tới bây giờ tôi không nhớ nổi khuôn mặt, vóc dáng của cô ấy nữa nhưng việc làm của cô ấy thì tôi còn nhớ mãi. Và tôi thấy lòng tốt của một con người không có giá nào có thể mua được.
Bác Kình và vợ trong một chuyến đi dã ngoại
Cũng ở Bệnh viện Bạch Mai, năm tôi bị đau gối, bác sĩ chỉ định phải nội soi và hút dịch. Khi vào phòng thủ quỹ trả tiền tôi không đủ tiền bị thiếu 100 nghìn. Nhìn vẻ mặt thẫn thờ của tôi khi bước ra, cô thủ quỹ gọi tôi quay lại và nói: "cháu bù cho bác để bác vào làm, khi nào tiện thì bác gửi lại cho cháu, nếu không tiện cháu xin biếu bác ". Tôi đã nói lời cám ơn trong nước mắt không phải vì 100 nghìn mà vì lòng tốt của một con người. Ngay hôm sau, tôi trở lại phòng thủ quĩ nhưng lại vừa hết giờ làm việc, tôi trình bày lí do tìm gặp cô thủ quỹ được mọi người chỉ phòng ăn, nghỉ trưa của phòng kế toán. Nhưng rất tiếc cô thủ quĩ lại không ở đấy. Tôi đã trình bày cho mọi người câu chuyện hôm trước và nhờ các cô chuyển giúp 200 ngàn cho cô ấy. Nhưng các cô chỉ nhận 100 ngàn. Thế là tôi không gặp được cô ấy và tôi còn nợ mãi tấm lòng tốt của một con người!.
Cũng ở Bệnh viện Bạch Mai, hai vợ chồng tôi đều là bệnh nhân lâu năm theo chương trình huyết áp và tim mạch của bác sĩ Mai Ngọc. Trong nhiều lần thăm khám, ngoài chuyên môn còn có những câu chuyện về cuộc sống về xã hội. Giữa chúng tôi có sự đồng cảm, đồng điệu về cuộc sống. Chúng tôi trở thành những người bạn của nhau. Nhiều khi, chúng tôi gặp vấn đề về sức khỏe đều điện nhờ Mai Ngọc tư vấn. Về chuyên môn thì học hàm, học vị của bác sĩ nói lên tất cả. Tôi muốn nói về một con người khác của Mai Ngọc. Ấy là nhà thơ Mai Ngọc. Tôi đã đọc nhiều bài thơ trên zalo của Mai Ngọc, lúc ấy tôi không tìm thấy bóng dáng một tiến sĩ, bác sĩ Mai Ngọc nào mà chỉ thấy một nhà thơ Mai Ngọc. Có lần tôi vào khám, thấy vắng bệnh nhân, tôi chủ động nói chuyện với Ngọc về thơ văn như hai người bạn thơ với nhau: “Tôi đã đọc nhiều bài thơ của Ngọc. Ngọc có biết tôi mong muốn điều gì về Ngọc không?”. Ngọc lắc đầu bảo cháu chịu. “Tôi muốn Ngọc như Vũ Quần Phương, một bác sĩ trở thành một nhà thơ nổi tiếng nhưng lại sợ vắng bóng một tiến sĩ, bác sĩ trong ngành y học”. Ngọc nói là cháu chỉ làm cho vui. Chính những bài làm cho vui ấy là những bài không thể không nói ra, những bài chắt ra từ gan ruột của chính mình, những bài như thế mới tạo nên tên tuổi nhà thơ. Giống như Hữu Loan làm bài “Màu tím hoa sim” để khóc vợ. Chính bài thơ ấy đã làm nên tên tuổi của nhà thơ. Dẫu thế nào tôi vẫn muốn trên giá sách của gia đình tôi có những tập thơ của nhà thơ Mai Ngọc. Rồi hai bác cháu cùng đọc một số bài thơ của mình cho nhau nghe.
Tập thơ của bác Kình
Cũng ở Bệnh viện Bạch Mai, do chân tôi bị tràn dịch khớp gối đi lại khó khăn, vợ tôi phải dìu từng bước. Có một cô mặc áo bờ lu trắng nhìn vợ chồng tôi với vẻ mặt ái ngại, thế là cô ấy đi mượn chiếc xe đẩy. Thấy vợ tôi cũng già yếu, đẩy xe cứ vẹo vọ thế là cô ấy lại đẩy và đi làm các thủ tục giúp. Cô ấy làm rất nhanh, đưa cho tôi phiếu khám, khi nào gọi tên thì bà đưa ông vào khám, khám xong ông bà lại ra ngồi đây và gọi cho cháu để cháu đưa ông bà đi làm những việc tiếp. Cháu tên là Tuyết, số điện thoại của cháu đây… Nói xong Tuyết ngẩng lên và gặp người quen mới: Ô chào chị! Chị đi khám gì vậy? Lúc ấy cô con gái tôi mới tìm đến chỗ tôi ngồi cũng hơi bối rối và bất ngờ. Chị chào em! Chị chỉ đến xem bố mẹ chị khám như thế nào. Đây là bố mẹ chị. Còn đây là em Tuyết là phụ huynh của một học sinh lớp con đang dạy. Cô Tuyết quay sang tôi: Con chào hai bác, con xin lỗi hai bác vì giờ con mới biết. Ồ, con có lỗi gì đâu, đáng lẽ bác phải nói lời cám ơn con trước vì con đã giúp hai bác nhiều mà chưa kịp nói. Tuyết: con đã giúp được gì nhiều đâu ạ. Trong lúc con còn đang rỗi, thấy hai bác thế con không thể không giúp, đấy là lương tâm nghề nghiệp của chúng con bác ạ. Giờ việc thăm khám cho bác, con và chị Sơn đảm nhiệm. Thế rồi Tuyết đưa đi lấy bệnh phẩm sinh tiết, qua cả các Khoa khám răng hàm mặt, phòng khám da liễu vẫn chưa có kết quả. Rồi xin nhập viện vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu để làm xét nghiệm. Thế rồi lại chờ, lại đợi và vẫn chưa tìm ra bệnh. Có sẵn bệnh phẩm, Tuyết lại tiếp tục cho làm một số xét nghiệm khác. Cuối cùng mới tìm ra bệnh U limpho không Hodgkin tế bào B lớn tỏa rộng. Tôi nhập viện vào Trung tâm Huyết học và truyền máu của Bệnh viện Bạch Mai. Người điều trị trực tiếp cho tôi là bác sĩ Kiều Vân Oanh.
Lần đầu tiên tiếp xúc, bác sĩ hỏi tôi: “Bác ơi, bác đau như thế nào, đau ở đâu ạ?” Tôi nghĩ đây là những câu hỏi mang tính làm quen hơn là mang tính khám bệnh. Khi mới nhập viện, bên má trái xưng to chèn vào dây thanh quản, mồm lúc nào cũng đau nên nói bị méo tiếng không chuẩn. Tôi cố ngồi dậy:
- Xin chào bác sĩ Oanh, tôi rất vui khi được bác sĩ điều trị vì tôi cũng có cô con gái tên là Oanh, trùng với tên bác sĩ. Không biết Oanh nào là chị?
- Dạ cháu sinh năm 1983. Còn Oanh nhà bác sinh năm 1978 . Cháu sinh sau Oanh nhà bác 5 năm.
- Hậu sinh khả úy. Bác hi vọng cháu sẽ giỏi giang hơn, thành đạt hơn, hạnh phúc hơn Oanh nhà bác. Cháu là người trực tiếp điều trị cho bác, bác hi vọng Oanh nhà bác có dịp gặp cháu và các cháu sẽ trở thành bạn bè của nhau. Còn về bệnh tật bác bị đau mồm 4 tháng chỉ ăn được nước cháo loãng nên bác đề nghị bác sĩ chữa khỏi mồm trước để còn ăn được để lấy sức chiến đấu lâu dài với bệnh tật
Bác sĩ giải thích chỗ đau chỉ là sự biểu hiện, cháu phải chữa từ gốc tức là phải chữa nguyên nhân gây ra đau. Vì tôi chưa hiểu nhiều về bác sĩ Oanh nên khi nghe bác sĩ nói vậy tôi lại nghĩ tới câu trong dân gian là: ông thầy cúng nào cũng khoe mình cao tay là ma nào cũng bắt được, ông thầy lang nào cũng khoe mình giỏi là bệnh nào cũng trị được, nhưng tôi hi vọng Oanh không như thế. Sau khi truyền hóa chất 3 ngày và về nhà nghỉ 3 ngày, người chỉ thấy mệt, còn bệnh chưa thấy chuyển biến gì mà thấy sút tới 4,5 cân. Tôi điện hỏi bác sĩ, bác sĩ nói nếu trong người vẫn bình thường thì không sao, chỉ cần kiểm tra chế độ dinh dưỡng. Vài ngày sau, chỗ sưng ở cổ 10 phần đỡ 8, phần nói năng đã bình thường. Đau ở trong miệng đỡ nhiều, chuyển sang ăn được phở, rồi ăn được cơm bình thường như khi chưa đau. Cả nhà phấn khởi. Bà vợ tôi hỏi bác sĩ nhiều tuổi chưa mà giỏi thế. Thánh thật! Bà ấy muốn mượn câu nói của nhà văn Hoàng trong truyện ngắn “Đôi mắt” của nhà văn Nam Cao là: “Tiên sư thằng Tào Tháo thánh thật”. Đứa con gái tôi bổ sung: Phải nói là bác sĩ Oanh thánh thật. Cả nhà cười vui cùng gửi lời qua điện thoại cám ơn bác sĩ Oanh. Cảm ơn các TỪ MẪU của Bệnh viện Bạch Mai!
Phải chăng những người thầy thuốc ở Bệnh viện Bạch Mai luôn ghi nhớ và làm theo lời thề Hippocrates, làm cho tôi là một bệnh nhân, đã thực sự cảm nhận được "lương y như từ mẫu". Và người tốt quanh ta còn nhiều lắm! Tôi thực sự biết ơn cuộc đời và nợ những tấm lòng nhân hậu lời cảm ơn chân thành!
Nguyễn Văn Kình (80 tuổi ) - Bệnh nhân Trung tâm
Huyết học & Truyền máu, BV Bạch Mai