Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Tạo điều kiện để dân hưởng lợi

1 4 Opt

Người dân nộp tiền mặt để khám chữa bệnh tại Viện Tim Hà Nội. 

Tại các bệnh viện, thời gian xếp hàng thanh toán viện phí quá dài luôn là vấn đề bức xúc đối với bệnh nhân và người nhà. Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là yêu cầu cấp thiết hiện nay, đang được Bộ Y tế chú trọng triển khai trên toàn quốc.

Đi viện chỉ cần 1 cái thẻ

Theo Bộ Y tế, hiện nay quy trình khám bệnh, chữa bệnh và thu lệ phí, viện phí đang áp dụng hiện nay gồm 6 bước. Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền viện phí, tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng… khoảng 30 phút. Đó là thời gian trung bình. Còn những ngày đông bệnh nhân, thời gian sẽ kéo dài hơn, khiến bệnh nhân và người nhà mệt mỏi, bệnh viện cũng phải bố trí thêm cán bộ làm công tác thu tiền và thanh toán viện phí.

“Tôi đưa con đi khám, khi mua phiếu khám, thanh toán xong rồi đưa con vào phòng khám, bác sĩ lại kê một loạt xét nghiệm, chụp X-quang, tôi lại phải quay trở lại quầy thanh toán, xếp hàng để nộp tiền cho các dịch vụ đó, sau đó mới đưa con đi lấy máu xét nghiệm, chụp X-quang. Rất mất thời gian” - anh Lê Mạnh Q (38 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội) đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

Thống kê của ngành y cho thấy, hiện nay có khoảng hơn 30 bệnh viện đã triển khai các giải pháp, các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, và đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Đơn cử như Bệnh viện Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh. Tại bệnh viện, bệnh nhân chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR (Quick Response) trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện để thanh toán viện phí mà không phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí, cũng không phải mang theo tiền mặt.

Thanh toán viện phí bằng cách quét mã QR tại ĐH Y dược TPHCM.
Thanh toán viện phí bằng cách quét mã QR tại ĐH Y dược TPHCM.

Ông Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho hay: Bệnh viện đã triển khai ứng dụng đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh, iPad, máy tính bảng, tablet. Qua đó, người bệnh có thể thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tuyến ngay trên ứng dụng. Người dùng được quyền lựa chọn hình thức thanh toán bằng thẻ quốc tế Visa/ Master/ JCB, thẻ ATM nội địa, thẻ khám bệnh. Với ứng dụng này, người bệnh nội trú chỉ cần có mã thanh toán hoặc mã số hồ sơ, số nhập viện là có thể thanh toán viện phí mà không cần mang theo tiền mặt. Ngoài ra, các hình thức thanh toán viện phí khác như thanh toán bằng thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán viện phí do bệnh viện phát hành, thanh toán tại hệ thống cửa hàng tiện lợi... cũng được triển khai.

Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được mở tài khoản miễn phí và đăng ký thẻ khám bệnh - thanh toán viện phí. Thẻ này vừa là hồ sơ khám bệnh điện tử vừa là thẻ ATM, có thể dùng để thanh toán trực tuyến trên hệ thống, đăng ký khám theo hẹn qua website của bệnh viện hoặc qua tổng đài (VNPT và Viettel), cũng có thể dùng để tự đăng ký bằng việc quẹt thẻ khám bệnh khi đến tái khám. Chị N.X.M (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi đi khám, chỉ mất có vài phút là tôi thanh toán xong tiền khám bệnh, thuốc men, rất tiện lợi”.

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng đã triển khai dịch vụ thanh toán viện phí bằng thẻ khám chữa bệnh nhằm tạo nên phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi cho khách hàng. Thẻ khám chữa bệnh sẽ tích hợp thẻ ngân hàng với nhiều tính năng như: Lưu trữ thông tin cá nhân, bệnh án của bệnh nhân; thanh toán viện phí; thanh toán tiền thuốc; nạp tiền và rút tiền… Đặc biệt, thẻ khám chữa bệnh này còn có tính năng thực hiện các giao dịch như một thẻ ghi nợ nội địa của ngân hàng.

Còn nhiều khó khăn

PGS-TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - cho biết: Hiện nay, việc thanh toán viện phí tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Một số bệnh viện cũng đã áp dụng triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, giải pháp thanh toán còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Theo ông Tường, việc đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt sẽ giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, tránh việc mang theo quá nhiều tiền trong người khi đến cơ sở y tế và về phía nhân viên y tế sẽ không phải lo đếm tiền, lo tiền giả… là những hiệu quả không đo đếm được.

Trước những khó khăn kể trên, ông Tường cho rằng, việc đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ưu tiên tại các đô thị theo đúng quy định của Chính phủ là hợp lý, từng bước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các vùng sâu, vùng xa.

* Theo PGS-TS Trần Quý Tường, để đảm bảo hiệu quả trong triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh phải đẩy mạnh công tác truyền thông về thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trên các phương tiện truyền thông tại bệnh viện, bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón và hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với các đơn vị và cơ sở y tế để bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử.

* Ông Bùi Vinh Quang - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho rằng: Dịch vụ thanh toán bằng thẻ khám chữa bệnh giúp bệnh nhân giảm thiểu thời gian chờ đợi thanh toán, tránh tình trạng bị mất cắp khi thanh toán bằng tiền mặt. Đồng thời, bệnh viện cũng dễ dàng kiểm soát nguồn thu, không tốn nhiều nhân lực kiểm đếm tiền mặt.

Nguồn: https://laodong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image