Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

TỐI ƯU HÓA CHĂM SÓC BỆNH NHÂN VIÊM RUỘT MẠN BẰNG KẾT NỐI LIÊN CHUYÊN NGÀNH

Viêm ruột mạn (Inflammtory bowel disease, viết tắt theo tiếng Anh là IBD) được ghi nhận đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam. Đây là nhóm bệnh lý thuộc chuyên khoa tiêu hóa có liên quan đến rối loạn hệ miễn dịch tương tác với yếu tố môi trường, hệ vi sinh đường ruột, yếu tố di truyền. Bệnh chủ yếu gồm 2 nhóm là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn (Viêm ruột từng vùng).

Viêm loét đại tràng thường có biểu hiện ban đầu là đại tiện ra máu, sốt nhẹ, đi ngoài nhiều lần vào ban đêm, đau quặn bụng, các tổn thương liên tục kéo dài. Bệnh Crohn - Viêm loét ruột từng vùng có biểu hiện ban đầu là tiêu chảy kéo dài hàng tuần liền, tiêu chảy liên tục nhiều lần trong ngày, đau bụng, sụt cân, sốt nhẹ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm dễ dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp, tăng tỷ lệ nhập viện, phẫu thuật và gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của người bệnh.

Ngày 15/8/2024, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội thảo và thảo luận ca lâm sàng trực tuyến với chủ đề đang được giới chuyên môn về các bệnh tiêu hóa quan tâm: “Tối ưu hóa chăm sóc bệnh nhân viêm ruột mạn bằng kết nối liên chuyên ngành” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện TƯ Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chủ tọa chương trình: PGS.TS.BS Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa Gan Mật, Bệnh viện Bạch Mai.

Mở đầu hội thảo, TS.BS Thái Doãn Kỳ đã báo cáo về “Ca lâm sàng số 1: Kết nối liên chuyên khoa trong chẩn đoán bệnh viêm ruột mạn IBD”. Qua ca lâm sàng bệnh nhân nữ, sinh năm 1988 được chẩn đoán ban đầu là lao bùng phát, Crohn đại tràng, chẩn đoán phân biệt lao ruột. IBD là nhóm bệnh lý phức tạp, chẩn đoán khó khăn, trên thực tế nhiều bệnh nhân chỉ được chẩn đoán xác định sau một quá trình điều trị theo dõi lâu dài. Với các bước điều trị từ dùng thuốc đến phẫu thuật, báo cáo viên rút ra những kinh nghiệm bổ ích trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh viêm ruột phức tạp cần có sự kết nối chặt chẽ, tương tác thường xuyên giữa bác sĩ nội tiêu hóa, kỹ thuật viên siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phẫu thuật, giải phẫu bệnh lý, bác sĩ lâm sàng để đạt được hiệu quả tốt.

Báo cáo số 2 do TS.BS Nguyễn Hoài Nam - Trung tâm Tiêu hóa Gan Mật, Bệnh viện Bạch Mai thuyết trình với chủ đề “Những cân nhắc lâm sàng trong chọn lựa thuốc sinh học cho bệnh nhân IBD”. Với ca lâm sàng bệnh nhân nam, sinh năm 1980, qua quá trình điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai với những phác đồ thay đổi trong dùng thuốc để đáp ứng các giai đoạn bệnh với mục tiêu điều trị lui bệnh lâm sàng, liền niêm mạc đường tiêu hóa, tác giả bài báo cáo đã đi tới nhận định về sự cần thiết thay đổi bậc điều trị khi chưa đạt được mục tiêu, cần tầm soát bệnh lý nhiễm khuẩn, ung thư, viêm gan virus, lao ruột trước khi điều trị  thuốc sinh học và đánh giá nguy cơ, theo dõi tác dụng phụ là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn thuốc.

Báo cáo số 3 với chủ đề “Những kinh nghiệm trong xây dựng IBD Center of Excellence tại Đông Nam Á: Chia sẻ từ IMAC 2024” do PGS.TS Đào Việt Hằng - Phó giám đốc Trung tâm Nội soi, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội trình bày đã mang đến những góc nhìn mới, tiến bộ về những liên kết đa mô thức, đa chuyên khoa trong những trung tâm chẩn đoán và điều trị bệnh viêm ruột mạn tại các nước trong khu vực. Tác giả cũng chia sẻ những kinh nghiệm từ các đơn vị điều trị bệnh viêm ruột mạn có nền y học tiên tiến trong khu vực để cùng chia sẻ và tham khảo.

Phần thảo luận sôi nổi do chủ tọa - PGS.TS Nguyễn Công Long điều hành đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm như: Những khó khăn còn tồn tại và giải pháp trong thực hành chẩn đoán phân biệt và điều trị bệnh IBD; Các lưu ý khi tiếp cận chẩn đoán bệnh IBD; Vai trò và tầm quan trọng của đơn vị IBD (Đa chuyên khoa, đa mô thức) trong thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh IBD; Những kinh nghiệm trong xây dựng và vận hành hiệu quả đơn vị liên chuyên khoa IBD; Những lưu ý trong việc điều trị thuốc sinh học trên nhóm những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ, việc chọn lựa thời điểm điều trị thuốc, cá thể hóa trong điều trị; Việc theo dõi bệnh nhân sau điều trị và phẫu thuật ...

Bệnh viêm ruột mạn với những rối loạn đường ruột gây viêm loét đường tiêu hóa kéo dài, gây gián đoạn quá trình tiêu hóa ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm và đúng, bệnh có thể gây ra những biến chứng phức tạp như suy dinh dưỡng, tắc ruột, ung thư ruột kết. Trong những năm gần đây, bệnh viêm ruột mạn có xu hướng gia tăng, kể cả những bệnh nhân trẻ tuổi. Việc áp dụng những tiến bộ trong y học, sự kết nối liên chuyên ngành, đa chuyên khoa sẽ giúp cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân được hiệu quả cao.                     

Bài: Thùy Dương/ Ảnh: Thành Dương

   

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image