Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Trẻ bị cảm, sốt siêu vi không cần dùng kháng sinh

Cha mẹ có thể chườm ấm, cho con uống nhiều nước, ăn các chất lỏng giàu dinh dưỡng, dùng liệu pháp thảo dược...; sau một tuần bệnh sẽ tự khỏi.

Hàng trăm câu hỏi gửi về cho Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), phó trưởng bộ môn nội tổng hợp (Đại học Y Hà Nội) và Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội), Phó trưởng khoa Miễn dịch Dị ứng (Bệnh viện Nhi Trung ương) trong buổi tư vấn trực tuyến "Hạn chế kháng sinh trong điều trị hô hấp ở trẻ em" diễn ra lúc 14h-16h ngày 14/8 trên VnExpress. Nhiều phụ huynh lúng túng không biết lúc nào nên dùng và không dùng kháng sinh.

Theo các bác sĩ, kháng sinh chỉ dùng khi trẻ được thăm khám kỹ và làm các xét nghiệm khẳng định có nhiễm vi khuẩn. Sử dụng nhiều kháng sinh có thể xuất hiện vi khuẩn đề kháng với kháng sinh, gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến tiêu hóa, hệ miễn dịch...

Dưới đây là phần tư vấn của 2 chuyên gia.

- Chào bác sĩ! Con trai em 33 tháng tuổi, nặng 13 kg, cao 88 cm. Trung bình cháu bị ho và sổ mũi, sốt tầm 1,5 tháng một lần. Lần nào em cũng phải cho bé nhập viện điều trị và bác sĩ kê đơn thuốc, trong đó có kháng sinh. Em rất lo lắng vì suốt một năm nay cháu không hề tăng cân và chiều cao tăng rất chậm, rất biếng ăn dù đã làm đủ mọi cách. Trong những lần đi bệnh viện thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phế quản và amidan. Vậy cho em hỏi con em điều trị kháng sinh nhiều như vậy có hợp lý và có nguy cơ gì về sau không ạ? Em xin cảm ơn! (Nguyễn Thị Hiền, 27 tuổi, Nghệ An)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội), Phó trưởng khoa Miễn dịch Dị ứng (Bệnh viện Nhi Trung ương):

Với cân nặng và chiều cao như vậy, con của anh chị vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, trong một năm nay, cháu không tăng cân và chậm phát triển chiều cao, chị cần tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Một trong những lý do gây cho trẻ chậm phát triển thể chất là do biếng ăn. Đây thường là hậu quả của các bệnh lý hô hấp cấp và mãn tính. Chị nói rằng cháu nhiều lần được bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản và amidan, tình trạng bệnh lý này cần phải giải quyết dứt điểm nhằm giúp trẻ không tái phát bệnh cũng như tăng cường phát triển thể chất phù hợp với lứa tuôi. 

Thực tế, viêm phế quản và amidan gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do virus đường hô hấp và trẻ không cần sử dụng kháng sinh. Chỉ khi trẻ mắc tình trạng nặng, sốt cao, bỏ ăn, khó thở, mới cần dùng kháng sinh. Hơn nữa, lạm dụng kháng sinh còn có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như chán ăn, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là tình trạng kháng kháng sinh sau này.

Vì thế, khi trẻ có các triệu chứng khởi phát bệnh lý đường hô hấp, chị không nên sử dụng kháng sinh ngay. Kháng sinh chỉ được chỉ định khi được bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm khẳng định có nhiễm vi khuẩn. 

Nếu trẻ bị viêm amidan nhiều lần, chị nên đưa con đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng để bác sĩ khám và tư vấn điều trị phù hợp. Một số trường hợp cần chỉ định cắt amidan thay vì sử dụng kháng sinh nhiều lần, có thể gây hậu quả chậm phát triển thể chất và tình trạng kháng kháng sinh sau này.

Từ trái qua: Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), phó trưởng bộ môn nội tổng hợp (Đại học Y Hà Nội) và Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội), Phó trưởng khoa Miễn dịch Dị ứng (Bệnh viện Nhi Trung ương).

Từ trái qua: Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), phó trưởng bộ môn nội tổng hợp (Đại học Y Hà Nội) và Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội), Phó trưởng khoa Miễn dịch Dị ứng (Bệnh viện Nhi Trung ương).

- Xin chào bác sĩ, con cháu năm nay được 3 tuổi, bé hay bị viêm thanh quản, viêm họng, tháng bị một lần, biểu hiện của bệnh là sốt, ho nhiều, chảy nước mũi, biếng ăn... Thời tiết thay đổi là cháu lại bị hoặc ăn đồ lạnh cháu cũng bị nhiễm bệnh, cháu bị ho kéo dài một tuần. Xin hỏi bác sĩ, sắp đến giai đoạn chuyển mùa mẹ cháu lên phòng bệnh cho cháu thế nào ạ? Làm thế nào để chữa cho cháu khỏi hẳn bệnh ạ? (Hà Anh, 31 tuổi, Thanh Hóa)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương- Phó giám đốc trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, phó trưởng bộ môn nội tổng hợp (Đại học Y Hà Nội):

Chào bạn! 

Về trường hợp con của bạn hay bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tái phát, việc phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp vào thời điểm giao mùa rất quan trọng. Vì ở thời tiết này trong năm thuận lợi cho sự phát triển của virus, vi khuẩn... 

Cha mẹ nên chú ý giữ gìn sức khỏe cho bé bằng cách đảm bảo chế độ ăn uống, vệ sinh, nghỉ ngơi để đảm bảo sức đề kháng cho con một cách tốt nhất. 

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp: ho, sốt, đau họng, chảy nước mũi... cha mẹ cần có lời khuyên của thầy thuốc như điều trị giảm các triệu chứng, điều trị kháng sinh hay không?  Vì việc lạm dụng dùng kháng sinh cho trẻ là không tốt cho sức khỏe hiện tại và sau này. Thực tế có nhiều trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp trên do nhiễm virus, kháng sinh chỉ được chỉ định khi bé bị nhiễm vi khuẩn. 

Với thông tin bạn cung cấp là bé bị ho một tuần bác sĩ rất khó để đưa ra lời khuyên cụ thể, chính xác. Nếu chỉ ho khan, không ho có đờm, phụ huynh chỉ cần vệ sinh mũi họng,uống đủ nước... Nếu bé ho đờm, có mũi mủ thì trẻ cần phải chỉ định kháng sinh của bác sĩ. 

- Để xác định được bị bệnh hô hấp do vi khuẩn hay virus cần phải đi xét nghiệm, bác sĩ cho hỏi đó là loại xét nghiệm gì, các phòng khám có khả năng làm không hay phải đến bệnh viện?  (Trịnh Quỳnh Phương, 28 tuổi, Long Bien, Hanoi)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy :

Để phân biệt nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp do vi khuẩn hay virus, cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm. Các xét nghiệm hay được thực hiện là công thức máu; tìm virus, vi khuẩn trong dịch mũi họng. Khi có bằng chứng của nhiễm vi khuẩn như bạch cầu, bạch cầu đa nhân trung tính, CRP trong máu tăng hoặc tìm thấy nguyên nhân vi khuẩn gây bệnh ở dịch mũi họng kết hợp với triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh phù hợp với mỗi loại vi khuẩn gây bệnh.

- Gửi bác sĩ, em muốn hỏi cách vệ sinh mũi, họng vào lúc giao mùa cho bé nhỏ dưới hai tuổi nên thực hiện như thế nào để phòng tránh cảm cúm và viêm mũi họng? (Loan Trần, 30 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy :

Đường mũi họng của trẻ là nơi cư trú của rất nhiều virus ở thể không hoạt động. Thời điểm giao mùa là lúc thuận lợi cho virus chuyển từ thể không hoạt động sang hoạt động và gây các biểu hiện lâm sàng như ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi trong. Như vậy, anh chị có thể vệ sinh mũi họng hằng ngày cho cháu bằng nước muối sinh lý. Việc này giúp rửa sạch vùng mũi, giảm tải lượng virus đường hô hấp, hỗ trợ trẻ phòng ngừa khả năng mắc các bệnh hô hấp tại thời điểm giao mùa.

pvtt3 2884 1534241112
- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

- Con tôi 5 tuổi, thi thoảng cháu có hiện tượng ho, sổ mũi, lúc này tôi thường tự điều trị cho cháu uống siro ho thảo dược, nếu không đỡ tôi mới cho cháu đi khám bác sĩ. Xin hỏi tôi làm như vậy có đúng không? Và siro ho có làm giảm các triệu chứng của bệnh dẫn tới gây khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh của bác sĩ không? (Hiếu, 35 tuổi, Hà Nội)

Nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ chủ yếu do virus. Trẻ thường có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi. Trong trường hợp này, anh có thể lựa chọn các thuốc ho thảo dược. Tuy nhiên, nếu trẻ có các dấu hiệu nặng như sốt cao, bỏ ăn, mệt mỏi, nôn tất cả mọi thứ hoặc bệnh tiến triển kéo dài, anh cần đưa bé đi gặp bác sĩ để thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm phù hợp, xác định nguyên nhân gây bệnh. 

Các siro thảo dược thường làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho nên ít gây ảnh hưởng, làm thay đổi các triệu chứng chính của bệnh. Vì vậy, anh có thể yên tâm sử dụng trong hai ngày đầu.

- Thưa bác sĩ, con em được 23 tháng cháu thường xuyên bị ho về đêm, có khi sốt. Em cho cháu uống quất mật ong cách thủy và siro ho uống vài ngày hết nhưng được vài hôm lại tái phát. Thưa bác sĩ, trong trường hợp này có nên đi khám và cho uống kháng sinh không?  (trịnh thị nhụy, 31 tuổi, củ chi- tphcm)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương:

Ở trẻ hay bị nhiễm trùng đường hô hấp với các biểu hiện như ho, sổ mũi, đau rát họng, sốt... Phần lớn những trường hợp này do virus gây nên và các triệu chứng có thể giảm dần khi cha mẹ dùng thuốc để giảm triệu chứng như uống quất mật ong cách thủy, siro ho kết hợp vệ sinh mũi, họng... Nếu các triệu chứng không thuyên giảm thì phụ huynh cần đưa bé đến khám bác sĩ để thăm khám chỉ định chụp Xquang, làm các xét nghiệm máu nếu cần. 

- Xin chào bác sĩ, mỗi lần con tôi ho hoặc cảm cúm bác sĩ lại kê kháng sinh để điều trị viêm họng cấp như thế có hợp lý ko ạ?  (Nguyễn văn tuấn, 38 tuổi, Lạng sơn)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương:

Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp là do virus gây nên và không cần dùng kháng sinh. Chỉ dùng kháng sinh trong những trường hợp trẻ có những biểu hiện của nhiễm trùng như sốt cao, môi khô, chán ăn, mệt mỏi...

pvtt4 1637 1534241112
- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

- Con em 22 tháng, bé trai, nặng 11 kg, cao 80 cm, sinh mổ, bé hầu như tháng nào cũng bị cảm, ho, sốt và đều đến bệnh viện điều trị theo toa bác sĩ. Xin cho em hỏi làm thế nào tăng sức đề kháng cho bé? Em cảm ơn! (Trương thị Thúy Kiều, 29 tuổi, lô i3 i 5 khu c mở rộng, kcn sadec, ấp khánh hòa xã tân khánh đông, sadec, tỉnh Đồng Tháp)

Trẻ nhỏ dưới hai tuổi, do sức đề kháng còn yếu nên hay mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa. Trung bình mỗi trẻ có thể mắc 4-6 đợt nhiễm khuẩn hô hấp cấp hàng năm. Con của chị bị mỗi tháng một lần là khá nhiều. Chị cần đưa cháu đến các bác sĩ chuyên khoa Nhi để khám và tìm ra nguyên nhân trẻ hay mắc các bệnh hô hấp tái đi tái lại.

Những trẻ này có thể sử dụng các biện pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch như bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu sau sinh, tiêm phòng vacxin đầy đủ và đúng lịch. Trẻ có thể được bổ sung một số chất tăng cường miễn dịch như Beta (1.3/1.6) D-glukan thuộc nhóm betaglucan. Chất này khi vào đường ruột sẽ hoạt động như một kháng nguyên khởi phát các đáp ứng miễn dịch tại ruột, bao gồm hỗ trợ gia tăng số lượng tế bào miễn dịch, tăng cường hoạt động của kháng thể miễn dịch, giúp hoạt hóa chuỗi phản ứng miễn dịch.

- Cháu nhà em hay bị viêm đường hô hấp. Trước đây, khi bị là cháu hay bị ho và sốt phải dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ thì đỡ nhưng khi hết thuốc khoảng một hoặc hai tuần cháu lại bị ho trở lại, kèm theo cả chảy nước mũi.

Bây giờ cháu sắp được ba tuổi rồi. Cháu vẫn lại bị ho lâu ngày không khỏi nhưng không bị sốt như trước đây nữa, có cả sổ mũi nhẹ. Hiện tại cháu có dùng một số loại thuốc ho thảo dược và có uống thêm tăng cường miễn dịch. Xin hỏi bác sĩ trường hợp của cháu phải làm thế nào cho hết ho? (Nguyen Thi Hue)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Trẻ dưới hai tuổi do đặc điểm giải phẫu của hệ hô hấp cũng như sức đề kháng kém nên hay mắc các bệnh lý hô hấp cấp tính. Trẻ lớn dần lên, khả năng đề kháng tăng, số lần mắc các bệnh lý hô hấp giảm đi. Cháu nhà chị được ba tuổi, thời điểm hiện tại, chỉ còn ho, chảy mũi nhẹ, không sốt, chị có thể cho dùng thuốc ho thảo dược như Prospan giúp giảm ho, loãng đờm, dịu họng, giãn phế quản nhẹ. Tuy nhiên, nếu cháu ho kéo dài, và tái đi tái lại nhiều lần, chị nên đưa cháu đến khám các bác sĩ chuyên khoa Nhi để làm một số xét nghiệm chuyên khoa sâu, giúp tìm ra nguyên nhân gây ho kéo dài.

- Thưa bác sĩ, vì sao cứ đến thời điểm giao mùa này thì các bé lại bị bệnh về hô hấp nhiều hơn? Nguyên nhân gây ra bệnh là gì? Gia đình nên chăm sóc, điều trị bệnh cho trẻ sao cho đạt hiệu quả? (Mai Thanh Loan, 34 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương:

Ở thời điểm giao mùa, khí hậu nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn và virus có thể xâm nhập và gây nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ, đặc biệt là ở những trẻ còi xương, suy dinh dưỡng... 

Để phòng tránh nhiễm khuẩn hô hấp ở những giai đoạn giao mùa cha mẹ cần cho bé ăn đủ dinh dưỡng, vệ sinh mũi, họng thường xuyên, tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh hô hấp. 

Khi trẻ có các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như: hắt hơi, chảy mũi, đau họng, sốt... phần lớn những trường hợp này là do virus gây nên, bệnh tiến triển lành tính có thể tự khỏi với các biện pháp điều trị thông thường như vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, uống thuốc ho từ thảo dược... 

Nếu các triệu chứng diễn biến ngày càng nặng, trẻ ho nhiều, có đờm, chảy nước mũi, bỏ ăn, cha mẹ nên đưa đến cơ sở y tế để các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

- Chào bác sĩ! Bé nhà em 28 tháng, rất hay bị sổ mũi, viêm họng, sốt (thường sốt vào ban đêm), trung bình khoảng 3 tuần là bị bệnh một lần, mỗi lần đi khám là phải uống kháng sinh. Bác sĩ cho em hỏi, phải giữ cho bé như thế nào để bé khỏe hơn và có cách nào không phải uống kháng sinh? (Nguyễn Lê Huyền, 26 tuổi, Số 598, DT 741, ấp Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, Bình Dương)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Không phải tất cả bệnh lý có sốt, viêm họng, chảy mũi đều cần sử dụng kháng sinh. Chỉ khi nào trẻ có bằng chứng nhiễm vi khuẩn, mới phải dùng. 

Những trẻ có nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý; cần được tiêm chủng đủ và đúng lịch. Cha mẹ cần vệ sinh tay cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... và nên cách ly với những trẻ có biểu hiện các bệnh lý đường hô hấp; giữ ấm cho và đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.

pvtt1 4510 1534241112
- Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương:

- Con cháu mới gần 2 tuổi nhưng bé thường xuyên ốm đau, một phần trước nữa là do bé sinh non và cháu bị mất sữa nên bé phải bú sữa ngoài nhiều. Mỗi lần thời tiết thay đổi một chút là bé lại ốm, cứ như vậy bé phải dùng kháng sinh thường xuyên. Việc bé dùng nhiều kháng sinh có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé không ạ?  (Nguyễn Dung, 23 tuổi, Đồng Nai)

Trẻ đẻ non, không được nuôi bằng sữa mẹ là nguyên nhân làm cho hệ miễn dịch của trẻ không tốt. Bé dễ bị nhiễm các bệnh do virus, vi khuẩn gây nên, có nhiều trường hợp bệnh nặng. 

Việc sử dụng nhiều kháng sinh có thể gây nên tình trạng xuất hiện vi khuẩn đề kháng với kháng sinh. Bên cạnh đó, lạm dụng kháng sinh cũng có thể gây ra các tác dụng phụ, ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể như đường tiêu hóa, hệ miễn dịch... 

- Con em 1,5 tuổi, thường xuyên bị viêm phế quản phổi (lúc 1,5 tháng cháu đã phải nhập viện tiêm kháng sinh), trung bình cứ 20 ngày lại sốt và bị một lần, đã đi khám nhiều nơi bác sĩ bảo do cơ địa hen, sức đề kháng yếu nên bị. Mỗi lần bị em cũng dùng thảo dược vài ngày đầu mà vẫn không đỡ và khỏi nên cuối cùng đành phải dùng kháng sinh (thực sự rất sót con), nên em mong các bác sĩ tư vấn giúp trường hợp như con em phải làm thế nào để giảm lần sử dụng kháng sinh? Em xin chân thành cảm ơn! (vu liem, 31 tuổi, Ha Long Quảng Ninh)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy :

Con chị mắc rất nhiều đợt hô hấp và phải sử dụng kháng sinh, điều này có thể gây ra hậu quả như trẻ nhờn, kháng thuốc. Chị nói rằng bác sĩ nghi ngờ cháu có cơ địa hen. Những trẻ mắc hen thường có các triệu chứng đường hô hấp tái đi tái lại và không đáp ứng với kháng sinh. Vì vậy, chị cần đưa cháu đến chuyên khoa dị ứng nhi để bác sĩ khám, xét nghiệm giúp khẳng định bệnh. Nếu cháu mắc hen, dùng kháng sinh không hiệu quả, thậm chí gây những tác dụng không mong muốn như dị ứng thuốc.

- Vệ sinh mũi có giúp tăng cường đề kháng hệ hô hấp cho bé hay không thưa bác sĩ? Bé nhà em rất hay ốm khi giao mùa, em đang áp dụng nhỏ mũi hàng ngày cho con trong các đợt chuyển mùa và nằm điều hòa. Tuy nhiên, em lại đọc được thông tin là không nên dùng nước muối sinh lý hàng ngày nhỏ mắt mũi cho bé? Bác sĩ tư vấn cho em với ạ?  (Hường, 26 tuổi, Đắk Lắk)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương:

Vệ sinh mũi họng thường xuyên là biện pháp hữu hiệu để điều trị, phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là đường hô hấp trên. 

Việc nhỏ nước mũi sinh lý hàng ngày vào mắt và mũi cho trẻ không gây nguy hại gì cho trẻ. Cha mẹ cần lưu ý không nên rửa nhiều lần trong ngày, không làm bé sợ hãi, không làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp của bé. 


- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:
- Bác sĩ cho cháu hỏi, bé nay được 7 tháng tuổi, 7,5kg, bị viêm phế quản cấp. Bé đi khám và uống thuốc đã được 3 tuần mà tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm. Nay bé ho nhiều, có đờm, nôn, trớn, thở khò khè, sốt vào mỗi buổi sáng. Bác sĩ cho cháu xin lời khuyên về trường hợp của bé. (Bùi Thị Hồng Nhung, Bình Dương)

Viêm phế quản cấp là bệnh lý do virus và không kéo dài quá 10 ngày. Trường hợp bé nhà chị đã bị bệnh trên 3 tuần, ho nhiều, nôn trớ, khò khè và sốt, đây là tình trạng nặng. Cháu có thể mắc viêm phổi. Chị cần đưa cháu tới bệnh viện để khám, chụp X-quang tim phổi, xét nghiệm máu và làm các xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

- Vệ sinh mũi có giúp tăng cường đề kháng hệ hô hấp cho bé hay không thưa bác sĩ? Bé nhà em rất hay ốm khi giao mùa. Em đang áp dụng nhỏ mũi hàng ngày cho con trong các đợt chuyển mùa và nằm điều hòa nhưng lại có thông tin là không nên dùng nước muối sinh lý hàng ngày nhỏ mắt mũi. Em có nên vệ sinh hàng ngày bằng nước muối sinh lý tiếp cho con không? (Võ Hà Anh, 33 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Nước muối sinh lý đẳng trương về bản chất là có tác dụng rửa trôi, vệ sinh loại bỏ vi khuẩn và các mầm bệnh, ngăn ngừa bệnh đường hô hấp cho trẻ.

Nước muối sinh lý thông thường có chứa chất bảo quản, đây là chất mang tính sát khuẩn giúp nước muối dùng dài ngày mà vẫn đảm bảo tính vô trùng của sản phẩm. Chính yếu tố này khiến sản phẩm khuyến cáo không nên dùng hàng ngày.

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng có đề kháng kém hơn, mẹ vẫn nên duy trì vệ sinh mũi mắt, đặc biệt lúc giao mùa là thời điểm thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Tuy nhiên, cha mẹ có thể chọn loại nước muối chuyên biệt, không chứa chất bảo quản, có chứng nhận vô trùng Sterile A...

- Chào bác sĩ! con gái em năm nay được hơn 3 tuổi, được 16kg, cao 97cm, nhưng cháu thường xuyên có vấn đề về đường hô hấp, tháng nào cháu cũng bị 1-2 lần viêm phế quản, mỗi lần kéo dài từ 10 ngày đến nửa tháng mới hết, mặc dù em chăm sóc cháu rất kỹ, tiêm chủng đầy đủ. Thưa bác sĩ, có cách nào khắc phục và em cần chăm sóc như thế nào để cháu khỏe mạnh hơn?  (Hồng, 32 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương:

Bé 3 tuổi bị 1-2 lần viêm phế quản trong một tháng và kéo dài trên 10 ngày. Nếu bé thường xuyên điều trị kháng sinh trong những đợt như vậy thì cha mẹ cần đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp về nhi để được tư vấn điều trị, tìm nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường hô hấp tái phát như viêm VA, viêm amidan, hen phế quản...   

- Thưa các bác sĩ, xin được hỏi bác sĩ: dấu hiệu lâm sàng nào ở trẻ có thể giúp bố mẹ bước đầu phân biệt được là trẻ bị ho đơn thuần hay đang có dấu hiệu của viêm phổi, viêm phế quản? Xin cảm ơn các bác sĩ.(Đinh Khắc Trung, 28 tuổi, Hạ Long - Quảng Ninh)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Trẻ ho đơn thuần thì ho là triệu chứng duy nhất, không sốt, vẫn ăn chơi bình thường. Còn viêm phế quản phổi là bệnh hay gặp ở trẻ dưới hai tuổi. Ngoài triệu chứng ho, trẻ thường có dấu hiệu thở nhanh, bú kém, bỏ ăn, tình trạng nhiễm trùng như sốt, ly bì... những trường hợp này cần phải đưa trẻ tới viện khám ngay.

- Thưa bác sĩ, các biện pháp hạn chế sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh
hô hấp ở trẻ em?  (Hải Yến, HN)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương:

Cha mẹ không tự dùng kháng sinh cho con khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, chỉ dùng khi có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Trẻ thường xuyên thường mắc bệnh về đường hô hấp và diễn biến nặng nếu hệ miễn dịch kém. Vì vậy, phụ huynh nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh mũi, họng đúng cách... 

Trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ có sức đề kháng tốt. 

Cha mẹ cho bé nghỉ ngơi hợp lý. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên giữ ấm cho bé khi thời tiết chuyển mùa. 

- Chào bác sĩ, con em hiện được 19 tháng. Từ sau mốc 12 tháng tuổi, cháu hay bị sổ mũi, ho hơn thời gian trước đó. Em cho đi khám thì bác sĩ cho làm xét nghiệm máu và soi tai mũi họng. Đa số các lần cháu bị sưng nề đỏ họng, mũi nhưng bạch cầu không cao hơn mức bình thường. Bác sĩ kết luận viêm hô hấp trên, viêm amidan và kê kháng sinh. Cho em hỏi trường hợp đó có nên cho cháu uống kháng sinh hay không vì chưa có căn cứ gì xác định con nhiêm vi khuẩn hay virus? Ở bệnh viện tỉnh nơi em ở không thấy bác sĩ lấy dịch mũi họng để xét nghiệm xem có vi khuẩn hay không? Rất mong nhận được hồi đáp của bác sĩ! Xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Bảo Hà, 30 tuổi, HN)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Con của chị đã làm xét nghiệm công thức máu và nội soi tai - mũi - họng. Trẻ đã được chẩn đoán xác định là viêm mũi họng cấp. Tuy nhiên, vì bạch cầu trong máu không cao nên chưa có chỉ định dùng kháng sinh. Các xét nghiệm lấy dịch mũi - họng tìm vi khuẩn thường có kết quả trả lời sau 2 - 3 ngày. Công thức máu kết hợp nội soi tai - mũi - họng sơ bộ giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và quyết định có sử dụng kháng sinh hay không. Trong trường hợp này, trẻ có thể chờ đợi nếu triệu chứng lâm sàng không cải thiện sau ba ngày thì làm lại xét nghiệm máu và tìm thêm nguyên nhân gây bệnh. Khi đó, mới quyết định sử dụng kháng sinh.

- Thưa bác sĩ, con cháu bị viêm amidan sốt cao co giật thì có ảnh hưởng gì đến não của bé? Trong trường hợp này bé sốt nên dùng thuốc hạ sốt ngay hay không ạ?  (Alice, 30 tuổi, Quảng Ninh)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương:

Theo các nghiên cứu thì sốt cao, co giật không ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ. Tuy nhiên, việc phòng tránh điều này là cần thiết. Từ 6 tháng đến 6 tuổi, khi sốt trẻ có thể bị co giật.

Cha mẹ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ của trẻ lớn hơn hoặc bằng 38,5 độ C. Đặc biệt, những trường hợp trẻ đã có tiền sử co giật khi sốt cao, phụ huynh cần theo dõi sát và trang bị những kiến thức cơ bản để phòng tránh và xử lý kịp thời.  

- Thưa bác sĩ, làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế sử dụng kháng sinh trong dự phòng và điều trị các bệnh hô hấp ở trẻ? (Nguyễn Thục Anh, 30 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Những bệnh phổ biến không cần sử dụng kháng sinh đó là cảm lạnh, cảm cúm, sốt siêu vi, viêm nhiễm đường hô hấp trên. Thậm chí, các trường hợp viêm phế quản, viêm tai - mũi - họng ở mức độ nhẹ, trẻ vẫn ăn uống bình thường, vẫn chơi, không có biểu hiện khó thở nặng lên... thì cha mẹ không nên vội vàng dùng kháng sinh. Thay vào đó, cha mẹ nên chăm sóc tích cực, hạ sốt bằng chườm ấm, giảm ho bằng các liệu pháp thảo dược, tăng cường uống nước, ăn các chất lỏng giàu dinh dưỡng... Sau một tuần bệnh sẽ tự khỏi. 

Ho là triệu chứng bệnh thường gặp của viêm nhiễm đường hô hấp do virus, có thể làm giảm các triệu chứng này bằng thuốc ho thảo dược tiêu nhầy, chống co thắt phế quản từ đó điều trị nguyên nhân một cách khoa học và an toàn. Cha mẹ chỉ nên sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ sau khi trẻ được khám và xét nghiệm cận lâm sàng để có bằng chứng nhiễm khuẩn.

Để phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ cần lưu ý giữ ấm khi thời tiết thay đổi, vệ sinh đường hô hấp trên. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên sử dụng nước muối sinh lý đẳng trương như Fysoline... để vệ sinh mũi - họng, làm giảm nguy cơ lây nhiễm các nguồn bệnh từ môi trường bên ngoài.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần tăng cường miễn dịch để giúp hạn chế dùng kháng sinh bằng các biện pháp gián tiếp và trực tiếp. Các biện pháp gián tiếp gồm bổ sung dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ, vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, tốt nhất là vui chơi ngoài trời nơi không khí trong lành.

Các biện pháp trực tiếp gồm tiêm văcxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, bổ sung chất tăng cường miễn dịch như Beta-(1.3/1.6)-D-glukan thuộc nhóm betaglucan như trong Imunoglukan. Chất này khi vào đường ruột sẽ hoạt động như một kháng nguyên khởi phát các đáp ứng miễn dịch tại ruột, bao gồm gia tăng số lượng tế bào miễn dịch, tăng cường hoạt động của kháng thể miễn dịch. Sau đó hoạt hóa chuỗi phản ứng miễn dịch, chống lại tác nhân gây bệnh mạnh mẽ hơn.

Hệ miễn dịch mạnh khỏe là hàng rào bảo vệ giúp trẻ phòng tránh hoặc vượt qua dễ dàng các bệnh nhiễm trùng.

Nguồn: https://suckhoe.vnexpress.net

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image