Tử vong liên quan đến truyền dịch
Ngày 12/6 vừa qua, một nữ sinh tử vong sau truyền dịch tại phòng khám tư nhân ở TP.HCM đang khiến dư luận và người dân hoang mang lo lắng.
Người trong vụ việc nói trên là nữ sinh 20 tuổi Trần Thị Tố U. ở Tân Phú, TP.HCM đã tới khám bệnh tại Phòng khám đa khoa Thành Mỹ, phường Tân Quý, Q. Tân Phú.
Tại đây, bác sĩ yêu cầu các nhân viên truyền nước cho U., đồng thời lấy mẫu máu để xét nghiệm. Khi truyền nước chừng 10 - 15 phút, U. bị tụt huyết áp, khó chịu trong người. Ngay sau đó, gia đình nữ sinh này yêu cầu chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Q. Tân Phú cấp cứu. Tuy nhiên, khi được chuyển đến bệnh viện thì bệnh nhân U. đã ngừng tim, ngừng thở. Mặc dù các bác sĩ cố gắng cấp cứu hồi sinh tim, phổi suốt 1 tiếng đồng hồ nhưng không thành công, nữ sinh này đã tử vong.
Phòng khám nơi cô gái trẻ vào truyền dịch và tử vong ngày 12/6.
Điều đáng nói là trước đó, không ít ca tử vong sau khi truyền dịch, truyền nước xảy ra liên tiếp ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Một trường hợp tử vong sau truyền dịch khác là nữ sinh lớp 12. Nữ sinh này cũng tử vong tức tưởi, đầy bất thường sau khi được truyền dịch tại một phòng khám đa khoa tư nhân ở Gia Lai tháng 5/2015. Đó là em Cù Thị Ngọc Bích, học sinh lớp 12 tới phòng khám đa khoa của bác sĩ Trần Công Lực để điều trị. Tại đây, có một bác sĩ khám và thông báo Bích bình thường, chỉ bị rối loạn nhịp tim.
Một lúc sau, bác sĩ Lực về khám lại cũng nói như trên và cho bệnh nhân này truyền dịch. Nhưng chỉ sau vài phút cắm kim truyền, bệnh nhân đột ngột gồng người, tay chân cứng đơ. Ngay sau đó, nữ sinh này cũng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ayun Pa. Tuy nhiên, việc hồi sức cấp cứu không hiệu quả, bệnh nhân tử vong.
PGS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khẳng định dịch truyền chỉ phát huy tác dụng khi đúng chỉ định. Đó là những trường hợp sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước; người bệnh không thể ăn, uống được. Lạm dụng việc truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ rất nguy hiểm, hại nhiều hơn lợi.
Cứ mệt là… “bổ sung”
Hiện nay, việc truyền dịch, truyền nước đang phổ biến ở nông thôn, thị trấn... nơi kiến thức về chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế. Hơn nữa, việc giám sát hành nghề y dược tư nhân ở những nơi này cũng chưa được chặt chẽ. Những người đòi hỏi được truyền dịch chỉ hiểu một cách sơ sài rằng dịch truyền là chất “bổ” nên cứ thấy mệt là muốn bổ sung, họ không biết rằng các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, chỉ được sử dụng khi bác sĩ khám và kê đơn. Rất nhiều loại bệnh chống chỉ định với việc truyền dịch.
Dịch truyền có nhiều loại với các thành phần, hoạt chất và có nồng độ khác nhau nhằm sử dụng cho từng trường hợp bệnh khác nhau. Ngoài bác sĩ khám, chữa bệnh, không một ai (y tá diều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ...) được ra chỉ định truyền dịch.
Trong khi truyền dịch có thể có một số tai biến không mong muốn xảy ra, trước hết có thể gây đau, phù nề (chệch ven làm dịch chảy ra ngoài, nếu dịch truyền có canxi thì gây loét), vỡ tĩnh mạch làm bầm tím tại nơi chọc tĩnh mạch. Nếu dùng dịch truyền một cách bừa bãi (không nắm được tình trạng bệnh để biết chỉ định và chống chỉ định) thì có thể gây rối loạn điện giải, phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim (nhất là đối với người vốn có bệnh tim mạch), tăng huyết áp đột ngột (với bệnh nhân đang mắc bệnh tăng huyết áp), thậm chí có thể gây tử vong.
Một nguy cơ hay gặp nhất trong truyền dịch là sốc. Sốc do truyền dịch có thể xảy ra khi bắt đầu hoặc trong khi truyền, thậm chí cả ngay sau khi truyền xong. Nguyên nhân gây sốc có thể do nhiều lý do khác nhau, đáng lo ngại nhất là do cơ địa dị ứng hoặc người bệnh bị dị ứng với kháng sinh mà trong dịch truyền có pha lẫn kháng sinh thì sốc xảy ra nhanh, rất khó khăn cho việc xử trí. Sốc do truyền dịch cũng có thể do chất lượng thuốc hoặc do dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo vô trùng hoặc do tốc độ truyền quá nhanh do điều dưỡng viên không thực hiện đúng y lệnh hoặc tốc độ chảy của dịch truyền.
Ngoài ra, nếu truyền dịch kéo dài (cả số lượng dịch truyền, cả về thời gian) sẽ làm cơ thể rối loạn hấp thu chất dinh dưỡng hoặc bị biến chứng teo tế bào não. Vì vậy, nếu người bệnh bị mất nước, chất điện giải (tiêu chảy, sốt) ở mức độ trung bình mà vẫn ăn uống được thì không nên truyền dịch, tốt nhất nên bổ sung bằng đường ăn, uống (súp, cháo, sữa, nước hoa quả, uống dung dịch oresol).
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu bắt buộc phải truyền dịch thì người bệnh nên thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ. Nhân viên y tế phải có chuyên môn xử trí sốc phản vệ, có kinh nghiệm lâu năm, kèm theo đó là phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ. Bác sĩ cũng phải rất thận trọng khi chỉ định truyền dịch để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra với người bệnh.
Nguồn Suckhoedoisong.vn