Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

VÌ SAO NÊN NHỔ RĂNG SỐ 8 MỌC LỆCH?

Răng số 8, còn gọi là răng hàm số 8 - là những chiếc răng mọc cuối cùng của mỗi người và thường mọc khi bước vào lứa tuổi trưởng thành, trong độ tuổi từ 17 tới 25 tuổi.

Tuy nhiên có trường hợp phải nhổ răng số 8 mọc lệch để bảo vệ sức khỏe răng miệng và sự an toàn của những chiếc răng lân cận.

Vì sao nên nhổ răng số 8 mọc lệch?

Vì sao nên nhổ răng số 8 mọc lệch chắc hẳn là vấn đề được nhiều bạn quan tâm. Răng số 8 không có chức năng ăn nhai và hầu như không có vai trò gì. Thậm chí, trong hầu hết mọi trường hợp, răng 8 mọc lệch còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các biến chứng do răng 8 mọc lệch bao gồm:

– Viêm nhiễm tại chỗ: Khi răng số 8 bắt đầu nhú, phần mô nướu sẽ có hiện tượng tách ra. Đây là thời điểm tương đối thuận lợi để vi khuẩn thông qua các mô mở mà tấn công vào bên trong gây tình trạng đau nhức, sưng viêm.

– Gây rối loạn về phản xạ và cảm giác: Các dây thần kinh thường tập trung tương đối nhiều tại vị trí răng hàm dưới. Do đó, khi răng số 8 mọc lệch, mọc ngầm trong xương hàm dễ gây chèn ép các dây thần kinh. Từ đó gây ra cảm giác đau nhức, đau khi há miệng, khó nhai và nuốt, thậm chí cứng hàm hoàn toàn.

– Tổn thương răng khác: Khi răng số 8 phát triển nhưng cung hàm không còn đủ chỗ trống, chúng sẽ có xu hướng nghiêng dần về răng số 7 gây ra hiện tượng xô lệch, đau nhức, răng số 7 bị lung lay, thậm chí là gãy rụng.


 

Răng số 8 mọc lệch về phía răng số 7 gây hiện tượng đau nhức, lung lay răng số 7 (Trích nguồn Internet)

Các trường hợp răng số 8 mọc lệch

Dưới đây là một số trường hợp răng số 8 mọc lệch thường gặp và ảnh hưởng của chúng:

– Răng số 8 mọc thẳng nhưng không trồi lên khỏi nướu: Khi răng số 8 mọc dưới nướu, chúng có thể kích thích các mô khiến chúng bị viêm tấy, sưng đỏ, thậm chí có thể làm sưng vùng má khiến bệnh nhân khó há miệng, ăn nhai.

– Răng số 8 bị kẹt lại một phần dưới vạt nướu: Khi răng số 8 bị kẹt lại dưới vạt nướu, chúng sẽ không thể tiếp tục mọc. Vi khuẩn, vụn thức ăn rất dễ bám vào trong các túi nướu, gây viêm nhiễm.

– Răng số 8 mọc nghiêng và đâm vào chân răng bên cạnh: Thông thường, quá trình này diễn ra trong âm thầm, đến khi răng số 7 bị tổn thương đến tủy mới bắt đầu gây đau nhức. Lúc này, chúng đã bị tổn thương khá nặng, một số trường hợp có thể phải nhổ răng.

– Răng số 8 mọc đâm ngang: Biến chứng của răng số 8 mọc ngang rất khó lường. Trước hết, quá trình mọc răng gây nhiều đau nhức khó chịu cho người bệnh, thậm chí sưng má, viêm lợi.

Quy trình nhổ răng số 8 mọc lệch

Toàn bộ quá trình nhổ răng số 8 tại Khoa Răng Hàm mặt, Bệnh viện Bạch Mai được thực hiện bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao bằng công nghệ hiện đại và kỹ thuật tiến tiến. Nhờ đó mà thời gian diễn ra tương đối nhanh chóng, hạn chế chảy máu và sang chấn. Việc ứng dụng công nghệ mới vào nhổ răng số 8 cũng giúp vết thương sau tiểu phẫu nhanh lành hơn.


 

Quy trình nhổ răng đạt chuẩn tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Bạch Mai (Trích nguồn Internet)

– Bước 1: Khám, tư vấn thuận tiện

Điều này giúp người bệnh chủ động hơn trong việc thu xếp công việc và thời gian, không phải chờ đợi lâu khi đến nha khoa.

– Bước 2: Khám tổng quát

Bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát răng miệng của bạn, chụp X - Quang để kiểm tra số lượng chân răng, hướng mọc, tình trạng các mô xung quanh. Căn cứ vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương án phù hợp, nhổ đi hay giữ lại.

Để đảm bảo an toàn, trong quá trình thăm khám, bạn nên chia sẻ, trao đổi cụ thể với bác sĩ về các vấn đề liên quan sau: Tiền sử bệnh lý răng miệng và sức khỏe toàn thân; Các loại thuốc đang sử dụng; Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt; Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai.

Căn cứ vào những thông tin này, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn thời điểm nhổ răng an toàn và phù hợp, nhằm tránh những biến chứng có thể xảy ra.

– Bước 3: Tiến hành nhổ răng

Đầu tiên, bác sĩ sẽ vệ sinh răng miệng cho bạn để tránh tình trạng lây nhiễm chéo, sau đó gây tê khu vực can thiệp. Nhờ đó, bạn hoàn toàn không cảm thấy đau đớn và thoải mái trong suốt quá trình nhổ răng.

Bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị chuyên dụng để tách răng số 8 ra khỏi các mô xung quanh và đưa chúng ra ngoài. Quá trình này thường diễn ra trong khoảng từ 15 - 20 phút hoặc lâu hơn, tùy vào độ phức tạp của ca nhổ.

Sau khi nhổ răng, vết thương sẽ được khâu lại (nếu cần thiết) và người bệnh cần cắn ngậm gạc để cầm máu.

– Bước 4: Hướng dẫn chăm sóc và kiểm tra định kỳ

Bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân, hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng và hẹn lịch tái khám cho bệnh nhân. Quy trình nhổ răng 8 kết thúc, bệnh nhân có thể về nhà nghỉ ngơi.

Những lưu ý trước khi nhổ răng số 8

– Nói rõ cho bác sĩ về bệnh lý toàn thân, thuốc đang sử dụng:

Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh huyết áp cao, máu khó đông, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, đau dạ dày,… bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng khi sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và phù hợp.

Bệnh nhân đang sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh, giảm đau, điều trị dị ứng,…

Người mắc các bệnh lý về răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu,…

– Những lưu ý khác

Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt sẽ dời thời gian nhổ răng đến khi chu kỳ dứt hẳn.

Phụ nữ đang mang thai nên đợi sau khi sinh con mới tiến hành nhổ răng số 8.

Phục hồi và chăm sóc răng miệng sau khi nhổ răng số 8

– Chườm lạnh, giảm sưng

Trong 24 giờ đầu, để giảm sưng, bạn nên chườm đá ở má ngoài vị trí phẫu thuật. Chườm nhẹ nhàng và thực hiện thao tác ấn thả liên tục, tránh trường hợp áp chặt một chỗ gây bỏng lạnh.

– Chế độ ăn uống

Trong những ngày đầu sau khi nhổ răng số 8, vết thương còn hở, do đó cách tốt nhất là bạn nên chọn những thức ăn mềm lỏng, dễ nuốt như cháo hoặc súp.

Tăng cường bổ sung những loại trái cây, nước ép giàu Vitamin C để phần nướu nhanh lành hơn.

Câu hỏi thường gặp: Răng số 8 mọc lệch không đau có nên nhổ không?

Có một vài trường hợp răng số 8 mọc lệch nhưng không gây đau nhức nặng nề. Hiện tượng này hay xuất hiện ở vị trí răng số 8 hàm trên.

Sau khi tiến hành chụp X – Quang răng, bác sĩ sẽ đánh giá hướng mọc của răng số 8. Việc có nên nhổ hay không, độ khó dễ của một ca nhổ răng số 8 sẽ phụ thuộc vào những yếu tố này. Ngoài ra, răng số 8 hàm trên thông thường sẽ dễ nhổ hơn so với răng số 8 hàm dưới.

Để phòng ngừa những biến chứng có thể gặp phải do răng số 8 mọc lệch gây ra, bạn nên đến để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

------------------------------------------------------

Người bệnh có nhu cầu khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt xin đến đăng kí và khám tại Khoa Răng Hàm Mặt - nhà A7 Bệnh viện Bạch Mai số 78 Giải Phóng - quận Đống Đa, Hà Nội

Thời gian khám: từ 8h đến 16h30, các ngày thứ 2 - thứ 6 trong tuần

Số điện thoại: 0869 587 708

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng

khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Bạch Mai
 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image