Trong cuộc họp thường niên lần thứ 25 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thụy Sỹ vào cuối tuần qua, WHO đã nhất trí quan điểm coi chứng nghiện game là một bệnh lý chính thức được bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh, các thương tích hoặc nguyên nhân gây tử vong, hay còn gọi là danh sách phân loại bệnh (ICD) được các bác sĩ, nhà nghiên cứu, công ty bảo hiểm sức khỏe sử dụng để tham khảo.
Phiên bản ICD cập nhật này sẽ được trình bày tới các quốc gia thành viên tại Hội nghị Đại hội đồng Y tế thế giới hàng năm và sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2022. Dữ liệu và thông tin về nghiện game sẽ được bổ sung vào hồ sơ dành cho các chuyên gia và tổ chức thuộc lĩnh vực y tế trên toàn thế giới.
WHO chính thức coi nghiện game là bệnh tâm thần
Hiện, nhiều người phản đối cho rằng quy định này có thể làm giảm doanh thu của các trò chơi điện tử, và các trò chơi video vẫn có thể có giá trị giáo dục, trị liệu và giải trí. Kết luận của WHO còn vấp phải sự phản đối từ Hiệp hội Phần mềm Giải trí Hoa Kỳ (ESA). Theo một thống kê của một điều tra về ngành công nghiệp trò chơi điện tử, game thu hút hơn 2 tỷ người trên toàn thế giới.
Đến nay, nghiên game được định nghĩa là "Không thể kiểm soát cảm xúc thèm muốn chơi game, liên tục coi việc chơi game là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, bất chấp mọi nhu cầu và hoạt động, sở thích hàng ngày khác".
Nói cách khác, nếu như một người dành nhiều đêm thức để cày game, mặc kệ tất cả mọi việc xung quanh, bất chấp các việc cá nhân hay lao động, các chuyên gia có thể khẳng định đó là người mắc hội chứng rối loạn tâm lý vì game. Nếu tình trạng này kéo dài 12 tháng, đó sẽ được coi là tình trạng "bệnh nghiện game". Như vậy, 12 tháng là khoảng thời gian để kết luận và chuyển giao giữa 2 mức độ từ hội chứng lên bệnh lý.
Các quy định về nghiện game đã được công nhận nhưng phải tới ngày 1/1/2022 mới bắt đầu có hiệu lực để áp dụng vào nhiều quy chuẩn y tế để kết hợp thống nhất thêm các lộ trình điều trị, phòng chữa bệnh cho các bệnh nhân gặp tình trạng này.
Hải Yến
(Theo New York Post)