Dự án “Xây dựng mô hình phục hồi chức năng và đào tạo nhân lực phục hồi chức năng với việc ứng dụng xe lăn có bàn đạp ở Việt Nam” là một trong số nhiều dự án đã phát huy hiệu quả tốt. Dự án được thực hiện từ tháng 2-2014 đến tháng 3-2017 tại Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai). Các hoạt động chính của dự án là nghiên cứu hiệu quả phục hồi chức năng của xe lăn có bàn đạp được kiểm tra và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam; đào tạo làm quen với xe lăn có bàn đạp và phương pháp phục hồi chức năng mới cho các cán bộ của Trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai và các cơ sở y tế khác. Hệ thống cho phép nhiều người sử dụng khác nhau (bao gồm cả hộ gia đình có thu nhập thấp) tiếp cận với xe lăn có bàn đạp được thực hiện thí điểm. Đặc biệt, qua kết quả bước đầu của dự án, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt và công nhận phương pháp phục hồi chức năng sử dụng xe lăn có bàn đạp là một phương pháp phục hồi chức năng mới.

Bên cạnh đó, dự án “Đào tạo nguồn nhân lực cho khoa Y, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhằm cải thiện dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe một cách khoa học dựa trên y học thực chứng” cũng là một trong những dự án tiêu biểu được JICA hỗ trợ thực hiện tại Việt Nam. Dự án được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2013 tại Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Hội Y học TP Hồ Chí Minh. Đối tượng được thụ hưởng dự án là sinh viên, giảng viên của Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, các y bác sĩ tại TP Hồ Chí Minh và khu vực khác... Dự án tiến hành đào tạo về các kỹ thuật sử dụng dữ liệu khoa học sẵn có, xử lý nguồn thông tin từ các tài liệu khoa học, đào tạo các nhà khoa học có kỹ năng thực hiện nghiên cứu khoa học từ nhu cầu thực tế lâm sàng, từ đó có thể hoàn thiện công việc khám chữa bệnh góp phần đào tạo nguồn nhân lực y tế và hoạch định chính sách liên quan.

Sau khi dự án kết thúc, khóa đào tạo về nâng cao kỹ năng y học dựa trên bằng chứng cho các bác sĩ lâm sàng trong Dự án đã trở thành một khóa học được chứng nhận trong Chương trình đào tạo y khoa liên tục của trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Thông qua đó, khóa đào tạo về dịch tễ học đã tiếp tục được tiến hành trên toàn bộ khu vực phía Nam với vai trò là một chương trình đào tạo của Trường. Bên cạnh đó, các học viên còn tự tổ chức các buổi học nhóm định kỳ, phổ biến và áp dụng thực tiễn các kiến thức đạt được trên đối tượng hưởng lợi gián tiếp là các bệnh nhân (cải tiến phương pháp điều trị dựa trên các thành quả nghiên cứu dịch tễ học)...

Nguồn QDND.vn