Giữa những dãy hành lang trắng muốt của Trung tâm Hồi sức Tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, nơi người ta vẫn nghĩ chỉ có máy móc lạnh lùng, tiếng tít tít của monitor và những ca bệnh nặng đòi hỏi từng giây giành giật sự sống, có một câu chuyện khiến trái tim chai sạn nhất cũng phải nghẹn lại.
Câu chuyện không bắt đầu bằng tiếng gọi cấp cứu, mà là ánh mắt lặng lẽ của một người mẹ gầy guộc, da xanh nhợt vì suy thận giai đoạn cuối, nhìn đăm đăm về phía cha mình - một cụ ông 86 tuổi, mái đầu bạc trắng, dáng ngồi gục xuống, ôm chặt tay đứa cháu ngoại mới 12 tuổi. Giọng ông run run: “Nó mồ côi bố từ khi chưa biết gọi tiếng “cha”. Cả bên nội cháu không còn ai. Ông bà nội cháu đều đã mất sớm, chẳng còn chốn nương tựa nào. Giờ mẹ nó cũng sắp chẳng còn. Bà nhà tôi đã mất 8 năm rồi. Tôi thì cũng gần đất xa trời. Sau này ai sẽ đưa nó đến trường? Ai nấu cho nó bát cơm khi đau ốm?”. Không gian lặng đi…
Ngay cả những người bác sĩ đã từng chứng kiến bao cuộc chia ly cũng không giấu được xót xa. BSCKII Nghiêm Thị Phương Hồng - bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nghẹn ngào: “Cháu bé bị tim bẩm sinh, đã từng được mổ từ năm 6 tuổi. Giờ 12 tuổi rồi, đang tuổi lớn, mà phải chuẩn bị đối mặt với mất mát không lời nào có thể xoa dịu. Mẹ cháu bệnh quá nặng, các y bác sĩ ở Trung tâm đã cố gắng hết sức nhưng đôi khi cũng đành bất lực!!!”
Trước hoàn cảnh éo le của bệnh nhân, các nhân viên y tế đã lặng lẽ gom góp từng phần lương, thuê xe cứu thương để hỗ trợ bệnh nhân trở về nhà an toàn, gần gũi với cha mẹ và con thơ trong những giờ phút cuối cùng
Khi mọi nỗ lực y khoa đã đi đến giới hạn, gia đình xin cho chị trở về quê – không phải để tiếp tục điều trị, mà để được sống những ngày cuối cùng bên người thân. Lúc ấy, các bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Hồi sức tích cực và một nữ cán bộ thầm lặng từ Viện Đào tạo & Nghiên cứu Y dược Bạch Mai đã âm thầm làm điều vượt xa sứ mệnh nghề nghiệp. Không còn là bác sĩ - bệnh nhân, không còn là y lệnh và sinh hiệu, chỉ còn những con người với trái tim biết yêu thương. Họ rủ nhau gom góp từng phần lương, thuê xe cứu thương, chuẩn bị mọi thứ để bệnh nhân có thể trở về nhà an toàn, gần gũi với cha mẹ, con thơ trong những giờ phút cuối cùng. Đồng thời, các nhân viên y tế cũng không quên gửi theo một khoản tiền nhỏ như một lời chào tạm biệt đẫm nước mắt nhưng đong đầy tình người!
Câu chuyện ấy không nằm trong giáo trình y khoa, cũng không có trong bất kỳ phác đồ điều trị nào. Nhưng nó chính là tinh thần cốt lõi mà Bạch Mai đang kiên định theo đuổi: Lấy người bệnh và gia đình họ làm trung tâm, lấy nỗi đau của họ làm lời hiệu triệu cho y đức, lòng trắc ẩn và sự sẻ chia không điều kiện!
Giữa ranh giới mỏng manh của sống - chết, của lằn ranh khoa học và cảm xúc, ánh sáng bền vững nhất không phải là đèn mổ, mà là tấm lòng của những người thầy thuốc. Dẫu bệnh tật có thể giành phần thắng, nhưng tình người - y đức và sự nhân ái vẫn mãi là ngọn lửa bất diệt, soi rọi hy vọng giữa cõi nhân gian nhiều bất trắc. Bệnh viện không chỉ là nơi chữa bệnh, mà là nơi giữ gìn nhân phẩm, ôm ấp những mảnh đời, dù chỉ là trong giây phút cuối cùng. Và ở Bạch Mai, tình người chưa bao giờ là thứ xa xỉ./