Vì sao cần phải tiêm, tiêm ở đâu, phản ứng phụ có nguy hiểm không... luôn được các bậc phụ huynh quan tâm. Zing.vn tổng hợp những điều cơ bản nhất từ giải đáp của chuyên gia, giúp bạn chăm sóc bé đúng cách.
1. Vì sao cần phải phải tiêm phòng?
Bác sĩ Lương Quốc Chính – Bệnh viện Bạch Mai trả lời: Để giảm thiểu khả năng bùng phát dịch bệnh, tỷ lệ tiêm phòng với loại bệnh đó phải đạt ít nhất 80 - 90% số trẻ/số người thuộc đối tượng phải tiêm phòng. Khi một phần quan trọng của cộng đồng được tiêm chủng chống lại một bệnh truyền nhiễm thì hầu hết các thành viên của cộng đồng sẽ gián tiếp được bảo vệ chống lại bệnh đó bởi vì có rất ít cơ hội cho dịch bệnh bùng phát.
2. Quinvaxem và Pentaxim có nguồn gốc, công dụng khác nhau như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh trả lời: Vắc xin 5 trong 1 của Tiêm chủng mở rộng Quinvaxem ngừa được 5 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, vi khuẩn Hib), trừ bại liệt. Khi trẻ tiêm vắc xin này sẽ được bổ sung thêm uống để ngừa bại liệt.
Vắc xin 5 trong 1 của tiêm chủng dịch vụ Pentaxim có thể ngừa được 5 trong 6 bệnh trên trừ viêm gan B. Trẻ cần bổ sung liều vắc xin viêm gan B đơn sau khi tiêm.
3. Vì sao Quintaxem miễn phí còn Pentaxim 700.000/mũi?
Bác sĩ Lương Quốc Chính trả lời: Để giúp đa số người dân Việt Nam tiếp cận được với vắc xin phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và nhiễm khuẩn do vi khuẩn Hib nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng và củng cố miễn dịch cộng đồng, Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đã chọn Quinvaxem cho chương trình tiêm chủng mở rộng, tức miễn phí. Quinvaxem có ưu điểm là vắc xin bất hoạt cho nên sẽ kích thích miễn dịch tốt hơn các loại vắc xin khác (các loại vắc xin vô bào). Hơn nữa, hiện nay Quinvaxem là loại vắc xin rất rẻ và được tài trợ bởi Tổ chức Y tế Thế giới cho nên sẽ càng giúp cho cộng đồng dễ dàng tiếp cận được với loại vắc xin này.
Còn Pentaxim là loại vắc xin tiêm dịch vụ nên người dân phải chi trả chi phí cho điều này.
4. Hai vắc xin này dành cho ai, lộ trình tiêm thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh trả lời: Quinvaxem và Pentaxim dành cho bé từ 6 tuần tuổi đến trước 5 tuổi. Bé nên được chích mũi Quinvaxem hoặc Pentaxim 3 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 tháng trước 1 tuổi. Mũi chích thứ 4 nên chích sau khi bé được 1 tuổi, vào khoảng 13 tháng, trễ nhất là 24 tháng.
5. Cho bé tiêm Quinvaxem và Pentaxim lẫn lộn được không?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh: Năm 2005, chương trình Tiêm Chủng Quốc Gia Mỹ, thuộc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Chống Bệnh (CDC) đã công bố nghiên cứu về việc khi cho trẻ em tiêm lẫn lộn giữa 2 loại vắc xin yết hầu-uốn ván-ho gà toàn bào (tương tự như Quinvaxem), và với vắc xin yết hầu-uốn ván-ho gà vô bào (tương tự như Pentaxim).
Họ đã đưa ra kết luận rằng việc tiêm lẫn lộn thuốc như thế không có nguy hại và đều giúp bé chống lại được bệnh ho gà tốt hơn là khi không tiêm chủng. Hơn nữa, trường hợp các bé tiêm 3 mũi toàn bào và chỉ 1 mũi vô bào thì có hiệu quả tốt hơn các trường hợp tiêm lẫn lộn còn lại.
6. Vì sao một số trẻ tử vong sau khi tiêm Quinvaxem?
Bác sĩ Huỳnh Phước Sang trả lời: Nếu một người tử vong sau khi tiêm vắc xin, có thể do các yếu tố: hoá chất gây độc trong thành phần của thuốc; do độc lực của các yếu tố gây bệnh làm suy yếu đi, nếu cơ thể trẻ có sức đề kháng kém, thì sẽ phát bệnh điển hình của loại bệnh mà loại vắc xin đó phòng chống; do sốc phản vệ, bản chất là một loại dị ứng của cơ thể với các loại chất lạ; và có thể là những cái chết ngẫu nhiên do các bệnh nền âm thầm hay những nguyên nhân chưa rõ ràng. Số lượng chết của trẻ dưới 1 tuổi mỗi ngày ở Việt nam lên đến 70 em, do vậy, việc trùng lặp vào thời điểm tiêm vắc xin là điều bình thường.
Bác sĩ Lương Quốc Chính: Với vắc xin Quinvaxem, cho dù vẫn còn những tác dụng phụ mạnh hơn, nhưng tỷ lệ tác dụng phụ cũng như tử vong liên quan tới Quinvaxem không cao hơn các loại vắc xin khác và ở mức độ cho phép.
7. Mức độ biến chứng của Pentaxim so với Quinvaxem như thế nào?
Bác sĩ Lương Quốc Chính: Các loại vắc xin đều có giá trị phòng bệnh, tuy nhiên mỗi loại có kháng nguyên khác nhau. Các vắc xin đều có thể gây phản ứng. Tuy nhiên mũi tiêm dịch vụ sử dụng ở Việt Nam còn ít nên chưa đánh giá được phản ứng. Còn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng mỗi năm tiêm hơn 1 triệu trẻ nên tỷ lệ tai biến khó tránh khỏi.
8. Nên tiêm vắc xin nào?
Bác sĩ Lương Quốc Chính: Tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội, năng lực y tế, khí hậu, địa lý và nhân chủng học mà mỗi quốc gia nên chọn một loại vắc xin phù hợp nhất để có thể tạo được miễn dịch cộng đồng đủ mạnh bảo vệ người dân. Nếu người dân chạy theo loại vắc xin dịch vụ trong khi hàng đang khan hiếm mà bỏ qua vắc xin dịch vụ sẽ dẫn tới hậu quả không tạo được miễn dịch cộng đồng. Lúc đó, không chỉ một vài chục cái chết được đổ tội cho vắc xin, mà là hàng trăm, hàng nghìn, hàng chục nghìn... người mắc bệnh và tử vong do bệnh dịch.
9. Tiêm ở đâu?
Với vắc xin tiêm chủng mở rộng Quinvaxem, có thể tiêm tại các điểm tiêm chủng và được miễn phí.
Còn với vắc xin dịch vụ Pentaxim, trong đợt này, cả nước có 161 điểm tiêm. Riêng Hà Nội, có 17 cơ sở tiêm chủng được phân bổ vắc xin Pentaxim, bao gồm: