Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Bảo hiểm y tế “cứu cánh” cho người nghèo

Năm 2015, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi một số điều. Thời gian đầu thực hiện đã nảy sinh một số nhược điểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) và Bộ Y tế đã nhanh chóng có những phương án khắc phục. Sau nửa năm đi vào cuộc sống, Luật BHYT đã có những “trái ngọt” đúng với mục tiêu an sinh xã hội, quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh (KCB), tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.

Người bệnh không thể sống thiếu BHYT

Bị suy thận, thời gian đầu mỗi tháng chị Nguyễn Thị Liên, 47 tuổi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phải đến Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội khám và nhận thuốc điều trị. Nhưng sau này bệnh nặng hơn chị phải chạy thận tại đây. Chị Liên nhớ lại: “Cuối năm 2014, thẻ BHYT hết hạn. Khi đến UBND phường nơi sinh sống để đăng ký gia hạn mới hay không thể tiếp tục tự mua BHYT. Cán bộ giải thích, muốn được gia hạn tôi buộc phải đăng ký mua theo hộ gia đình. Là người dân nhập cư, muốn tham gia BHYT tại đây tôi phải thuyết phục được cả gia đình chủ nhà cùng tham gia thì mới được cấp thẻ".

Đó là chuyện của hơn nửa năm trước, sau khi người dân phản ánh cơ quan bảo hiểm đã nhận thấy những vướng mắc. “Sau khi tôi trình bày bệnh tình và hoàn cảnh của gia đình các cán bộ tư pháp cũng tạo điều kiện cho nộp giấy tờ và chờ xin ý kiến. Chỉ sau thời gian ngắn chính tôi đã được mua BHYT. Theo giải thích của cán bộ tư pháp đã có hướng dẫn đơn giản hóa các thủ tục nên tôi được tạo điều kiện mua dễ dàng và tiếp tục điều trị”, chị Liên vui mừng nói.

Với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như chị Liên thì BHYT chính là cứu cánh cho họ. Với trường hợp của bà Liên, chạy thận nhân tạo đúng tuyến thì không phải đóng thêm tiền, bởi chi phí đó đã có BHYT thanh toán, trung bình khoảng 500.000 - 600.000 đồng/ca chạy thận. Ngoài tiền quả lọc (một quả lọc chạy 6 lần), bệnh nhân còn được thanh toán khi có sử dụng thuốc tăng hồng cầu, đạm theo chỉ định của bác sĩ. Có thẻ BHYT bà Liên đã đỡ gánh nặng bệnh tật, bà chỉ cần trả thêm một số khoản cho chi phí cá nhân. “Không có BHYT người nghèo lại bệnh tật như tôi không chịu được 1 tháng chứ nói gì thời gian dài”, bà Liên chia sẻ.

Ông Lê Văn Khảm - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho rằng: sở dĩ xảy ra tình trạng vướng mắc những tháng đầu năm 2015 do việc thực hiện quy định mua thẻ BHYT theo hộ gia đình các địa phương thực hiện máy móc, thủ tục tham gia còn khá cứng nhắc, chặt chẽ đến mức rất khó thực hiện. Hạn chế này đã được tháo gỡ.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế khẳng định: điểm mới của Luật BHYT sửa đổi từ đầu năm 2015 bãi bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Những điểm mới này đã giúp người nghèo được tiếp cận gần hơn với BHYT.

bn_chan_thuong_cot_song_1_2ldbai1_grfq.jpg
BN chấn thương cột sống

Số người tham gia BHYT cần tăng bền vững

Cũng theo bà Tống Thị Song Hương, những điểm mới của Luật BHYT sửa đồi lần này là quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB đối với người dân xã đảo, huyện đảo và người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Điểm quan trọng nữa là đối với các địa phương có kết dư quỹ BHYT thì được sử dụng 20% để hỗ trợ quỹ KCB người nghèo, mua thẻ BHYT cho một số đối tượng và nâng cao chất lượng KCB BHYT. Luật lần này cũng mở thông tuyến KCB BHYT từ 1.1.2016 đối với tuyến huyện và xã trên cùng địa bàn tỉnh. Trong đó, đối tượng người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn, người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo thì được mở thông tuyến từ huyện lên tỉnh, TW.

Theo những điều sửa đổi của Luật BHYT, quyền lợi người tham gia BHYT, đặc biệt là người nghèo được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo bà Tống Thị Song Hương hiện công tác triển khai thi hành Luật BHYT vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc như: nhiều tỉnh/thành phố chưa đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng và tỷ lệ bao phủ BHYT là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến và kéo dài qua nhiều năm. Theo thống kê, có khoảng 49% số người trong các doanh nghiệp không tham gia BHYT nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để giải quyết có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT còn nhiều hạn chế. Tại nhiều địa phương, nhiều địa bàn dân cư, số lượng người dân tham gia BHYT rất ít, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo, người lao động thuộc doanh nghiệp tư nhân, nhóm đối tượng tự nguyện... tham gia BHYT với tỷ lệ thấp.

Sau khi BHXH và Bộ Y tế cùng ngồi lại tháo gỡ những vướng mắc của Luật BHYT sửa đổi, kết quả đã có khởi sắc. Báo cáo của BHXH cho biết, sau 5 tháng triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, hiện cả nước có khoảng 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người so với cùng kỳ 2014, tương đương tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Đặc biệt, nếu hết quý I.2015, số người tham gia BHYT giảm 1,4 triệu người so với tháng 12.2014 thì đến hết tháng 5.2015 số người tham gia đã quay trở về tương đương với thời điểm cuối năm 2014. Để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân thì điều kiện tiên quyết là phải thu hút được người dân tham gia BHYT bền vững. 

Theo Laodong.com.vn 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image