Mỗi ngày các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở bệnh viện dã chiến Hoà Vang phải chăm sóc cho bệnh nhân 24/24, từ điều trị bệnh đến lo ăn uống, thay bỉm tã.
Trung tâm y tế huyện Hoà Vang đang điều trị cho 184 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó nhiều bệnh nhân nặng. Đây là Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đầu tiên ở Đà Nẵng, quy mô 200 giường bệnh. "Chiến trường" này nằm ở ngoại ô, cách trung tâm thành phố 16 km về phía Nam.
Quyết định lập bệnh viện dã chiến này được lãnh đạo thành phố đưa ra chiều 31/7, trong nỗ lực có cơ sở điều trị để chuyển hết bệnh nhân nCoV ra khỏi Bệnh viện Đà Nẵng, tiến tới "làm sạch" bệnh viện trụ cột ngành y tế Đà Nẵng, không để tình trạng "người bệnh không tử vong vì Covid, mà vì các bệnh khác vì không có nơi điều trị".
Các nhân viên y tế chăm sóc cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang.
Lúc đó, Đà Nẵng đã có 79 ca mắc nCoV. Kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến được thành phố thực hiện ngay trong đêm, gồm việc bố trí nhân lực tăng cường cho một trung tâm y tế có vỏn vẹn 145 nhân viên, chuyển hệ thống máy chạy thận, máy thở và các trang thiết bị cần thiết khác vào đây.
Trong vòng 4 ngày, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, bác sĩ đến từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và nhân viên kỹ thuật, bệnh viện tuyến huyện duy nhất ở Đà Nẵng với cơ sở vật chất đơn sơ đã có phòng Hồi sức cấp cứu và chạy thận nhân tạo. Khu C với toà nhà 5 tầng thành "trụ sở" chính để thu dung điều trị bệnh nhân nCoV.
Bác sĩ Chuyên khoa 1 Lê Huy Vũ - Bệnh viện Hoà Vang, cho biết tại dãy nhà 5 tầng mức độ bệnh nhân nặng sẽ tăng từ dưới lên. Tầng 1 điều trị cho bệnh nhân nhiều bệnh lý nền, tầng hai là bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, ba tầng phía trên là các ca dương tính nhẹ và người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1- 3.
Bệnh viện dã chiến còn có 5 khu nhà khác, từ một đến hai tầng dành cho việc điều trị các bệnh nhân hồi sức cấp cứu và chạy thận nhân tạo được chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng lên, khu vực cách ly cộng đồng, khu vực hành chính... Phòng nghỉ của nhân viên y tế ngăn cách với các khu điều trị.
Tại mỗi tầng điều trị bệnh nhân Covid-19, các bác sĩ chia nhau 4 ekip. Mỗi ekip gồm 2-3 bác sĩ, 4-5 điều dưỡng và hộ lý. Họ làm việc 8 tiếng mỗi ca, từ 7h đến 14h; 14h đến 21h và từ 21h đến 7h sáng hôm sau. Ekip cuối gối đầu luân phiên để chăm sóc bệnh nhân 24/24 và giúp những người vào ca trước có thời gian nghỉ lấy sức.
"Các nhân viên y tế phải mang đồ bảo hộ trắng, khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus. Khi vào ca trực chỉ chừng 15 phút là mồ hôi bắt đầu túa ra, ướt đầm", bác sĩ Vũ nói. Ông là trưởng một ekip tại tầng 2 của khu điều trị, đảm nhận theo dõi cho các bệnh nhân Covid-19 phải chạy thận.
Công việc đầu tiên của các bác sĩ khi bước qua cánh cửa có dòng chữ đỏ "khu vực cách ly đặc biệt", là bắt tay ngay vào việc thăm khám cho các bệnh nhân. Điều trị Covid-19 theo triệu chứng, nên ngay khi chẩn đoán cho người bệnh, các bác sĩ phải kê thuốc ngay để điều dưỡng thực hiện y lệnh.
Biểu đồ các ca mắc nCoV theo ngày tại Đà Nẵng, từ 25/7 đến nay.
Mỗi ca trực, các bác sĩ mất khoảng 2 tiếng để khám cho khoảng 40 bệnh nhân ở tầng mình phụ trách, sau đó ra khu vực giám sát qua camera, vẫn trong trang phục bảo hộ để sẵn sàng cho những tình huống cần thiết. Các công việc sau đó được các bác sĩ trao đổi với điều dưỡng và hộ lý phía trong qua bộ đàm.
"Nhiều bệnh nhân tai biến, không kiểm soát được bản thân nên nếu họ bứt dây truyền, máu chảy ra thì phải xử lý ngay", bác sĩ Vũ kể. 14 ngày nhập cuộc điều trị bệnh nhân Covid-19, ông cho biết ban đầu "đã bị sốc" trước việc một bệnh viện tuyến huyện thành nơi "chiến đấu" với đại dịch.
Bác sĩ Vũ nói, sau khi làm quen với quy trình tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, công việc phía trong cánh cửa cách ly dần "bớt áp lực hơn", nhất là khi có sự chi viện của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Hải Phòng, Bình Định, "nhưng khổ và vất vả nhất là các điều dưỡng".
Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Loan (43 tuổi) là nhân lực tăng cường từ Bệnh viện Đà Nẵng lên bệnh viện dã chiến. Chiều 5/8, sau thời gian cách ly tại khách sạn và hai lần có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, nhìn qua cánh cửa cách ly, nữ điều dưỡng "cảm thấy căng thẳng và áp lực" trong lần đầu đi chăm bệnh nhân nCoV.
Ca trực đầu tiên bắt đầu lúc 7h, chị đeo đến ba lớp khẩu trang, mặt trùm kín với kính mắt và kính chống giọt bắn. Nhưng bước vào khu điều trị vẫn "nhìn đâu cũng cảm giác thấy Covid-19", vì xung quanh là các bệnh nhân nặng đang phải chạy thận, lọc máu, thở máy...
Nữ điều dưỡng lấy hết can đảm làm vệ sinh răng miệng, hút đàm giải, lau người cho bệnh nhân, thay băng, tiêm thuốc và hỗ trợ những người bệnh nặng vệ sinh cá nhân. Sau hơn ba tiếng, chị buộc phải ra ngoài để "kiếm một chỗ hít thở không khí trong lành" vì người đã ướt đầm đìa mồ hôi, đầu đau nhức vì thiếu oxy.
Mỗi lần ra khỏi khu cách ly, nhân viên y tế phải thay lại toàn bộ đồ bảo hộ. Gần trưa, chị Loan trở lại ca trực với việc cho 7 bệnh nhân ăn. Những bệnh nhân không phải thở máy được chị đút ăn. Còn người bệnh nặng thì điều dưỡng phải bơm sữa, súp dinh dưỡng qua ống thông dạ dày.
Làm việc ở môi trường mới, ngoài bộ đồ bảo hộ nhiều bất tiện, chị Loan kể nhiều thiết bị chưa quen, cần vật dụng gì lại loay hoay đi tìm nên cứ như "đi học việc lại từ đầu". Công việc dần quen ở những ca trực sau đó. Thay vì đeo 3 khẩu trang, nữ điều dưỡng chỉ dùng khẩu trang N95, bọc bên ngoài lớp khẩu trang y tế để "dễ thở hơn".
"Công việc không quá vất vả, nếu không phải mang đồ bảo hộ thì mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng đây là điều trị cho bệnh nhân nguy cơ lây nhiễm cao nên mọi quy trình phải tuân thủ nghiêm ngặt", chị nói và cho biết môi trường điều trị bệnh nhân Covid-19 không được bật điều hoà, khiến nhiều y bác sĩ nhanh mất sức.
Các y bác sĩ túc trực 24/24 để cứu chữa bệnh nhân nCoV.
Cùng ekip với điều dưỡng Loan, nữ hộ lý Lê Thị Phương (30 tuổi) cũng là nhân viên y tế được tăng cường lên Hoà Vang. Công việc của cô từ một nơi chỉ lau sàn, thu gom rác vì bệnh nhân ở Trung tâm tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) đều tự đi lại được, nay thay bằng đi kiểm tra từng bệnh nhân để thay bỉm, tã, vải trải giường...
Nhiều khi điều dưỡng quá nhiều việc, Phương lại phụ một tay cho các bệnh nhân ăn, uống nước. Mỗi lần chăm sóc xong cho một người bệnh, Phương lại cẩn thận thay găng tay. Khi các bác sĩ ra ngoài phòng giám sát, cô lại sắp xếp gọn gàng lại dép đi trong phòng, khử trùng kính chống bắn giọt để tái sử dụng...
Phương lần đầu phải làm quen với bộ đồ bảo hộ mà "khi ra ca mặt đỏ bừng, khẩu trang hằn lên mặt, nhìn cơm không muốn ăn". Công việc dần quen, giờ cô có thể mang đồ bảo hộ làm việc 8 tiếng liên tục. "Nhiều khi cũng muốn ra nghỉ giữa ca, nhưng nghĩ đồ bảo hộ không có nhiều nên lại cố gắng làm", cô nói.
Ba năm theo nghề, Phương tâm sự đây là một "nhiệm vụ" cô sẽ không bao giờ quên. Ngày đầu lên bệnh viện dã chiến, cô đã không ngủ được vì "nghe điều trị cho người dương tính với Covid-19 cũng ngại". Nhưng khi nhìn những đồng nghiệp làm việc không kể ngày đêm, nữ hộ lý nói với bản thân "mình đang đi chiến đấu".
"Ở đây tình chị em, đồng nghiệp tuyệt vời! Ai cũng muốn xốc vào làm để nhanh chiến thắng Covid-19 còn về với gia đình", cô nói và cho biết công việc bận rộn nên không có nhiều thời gian gọi video về hỏi thăm chồng và con ba tuổi. "Mình đi lâu quá không về, khéo con quên mặt mẹ rồi", chị chia sẻ.
Quá trình làm việc, một nữ điều dưỡng đang chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhận kết quả xét nghiệm dương tính, phải chuyển đến khu cách ly. Những người cùng ekip cũng làm xét nghiệm lại. "Biết là nguy hiểm khi tiếp xúc gần nhưng là người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, nhiệm vụ cứu người với chúng tôi là trên hết", bác sĩ Vũ nói.
Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện Hòa Vang, nói sau mười ngày đi vào hoạt động, bệnh viện dã chiến đã dần ổn định. Ngoài các trang thiết bị y tế cần thiết, đến nay đã có 120 y bác sĩ từ nhiều nơi đang ngày đêm tăng cường để tăng năng lực cứu chữa người bệnh.
"Chưa bao giờ tôi thấy một lực lượng y tế chưa từng gặp nhau, nhưng khi phân thành những ekip thì làm việc rất hợp, nhịp nhàng vì mục tiêu chung là chống dịch. Đến giờ nhiều người còn chưa nhìn mặt nhau vì liên tục vào ca, nhiều người mới lên tăng cường, đôi khi chỉ biết tên ghi vội lên áo", ông nói.
Ngoài những giờ làm việc căng thẳng, trách nhiệm, các y bác sĩ cũng có những phút sinh hoạt chung. Bác sĩ Vĩnh gọi đó là tình yêu thương các đồng nghiệp dành cho nhau "như thời chiến đi bộ đội". "Những người tuyến đầu đang nỗ lực hết sức mình từng ngày với hy vọng ngăn chặn và đầy lùi dịch bệnh", ông nói.
Bộ Y tế sáng 10/8 không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV, 435 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 389 người dương tính. Như vậy, 24 giờ qua ghi nhận 31 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm cả nước lên 841, trong đó 395 người đã khỏi, 11 ca tử vong, còn 435 bệnh nhân đang điều trị.
Nguồn: https://vnexpress.net