Sau khi hồi sức ban đầu, kíp bác sỹ sản đã lập tức liên hệ với Phòng Cấp cứu Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thông báo cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện hồi sức sơ sinh để tiếp tục hồi sức cho bệnh nhi Mận.
Tiếp nhận bệnh nhi Hoàng Thị Mận từ Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, bác sỹ Trần Ngọc Tùng, người trực tiếp cấp cứu cho biết: Bệnh nhi Mận nhập viện trong tình trạng rốn vừa cắt, toàn thân chưa được vệ sinh, vẫn còn nguyên những vết máu tươi của dịch ối và dây rốn. Thăm khám lâm sàng, bệnh nhi đang ở trong tình trạng hết sức nguy kịch: toàn thân tím tái do thiếu oxy lâu, SPO2 không đo được, không có phản xạ sơ sinh và trương lực cơ, không khóc, không tự thở. Dấu hiệu sinh tồn duy nhất tại thời điểm nhập viện là nhịp tim rời rạc, 50 – 60 lần/phút (nhịp tim của trẻ sơ sinh bình thường là 120 lần/phút). Tiên lượng tại thời điểm nhập viện: tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Với tinh thần còn nước còn tát, kíp trực khoa Nhi đêm ngày 11/9 đã tập trung tổng lực để cứu lấy sự sống mong manh cho bệnh nhi Mận. Cơ thể chưa đầy 700 gram (nhỏ đến mực đặt lọt trong lòng bàn tay) của bé Mận là thách thức đối với kíp trực ngày hôm đó. Mọi thao tác cấp cứu hồi sức sơ sinh hiện đại nhất lập tức được tiến hành: thở oxy, bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực… nhưng dừng bóp bóng thì bệnh nhi lại bị suy hô hấp. BS Tùng quyết định cho bệnh nhi đặt nội khí quản, thở máy và bơm Curosurf. Khoảng 20 phút sau , bệnh nhi đã có dấu hiệu sinh tồn: cơ thể hồng hào, nhịp tim ổn định 120 lần/phút, SPO2 đạt 99 – 100.
Cấp cứu Hồi sức sơ sinh đã khó, nhưng để duy trì sự sống cho bệnh nhi được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm khuẩn máu (sau khi sinh cháu, mẹ cháu đã qua đời) là chuyện không nhỏ. Bệnh nhi Mận được chẩn đoán : Shock nhiễm khuẩn, suy hô hấp, rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải, rối loạn đông máu, thiếu máu, rối loạn dung nạp sữa, rối loạn đường huyết, cân nặng chưa đầy 700gr, đẻ non 28 tuần thai (bình thường 38 đến 42 tuần thai).
Trước hoàn cảnh éo le và bệnh cảnh của bệnh nhi Mận, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ đạo Khoa Nhi và các chuyên khoa phối hợp bằng tất cả nguồn lực để cứu sống và duy trì sự sống cho bệnh nhi Hoàng Thị Mận.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, Ban chủ nhiệm Khoa Nhi, các bác sỹ, cán bộ khoa Nhi đã tích cực điều trị, chăm sóc cho bệnh nhi Mận bằng mọi phương pháp, không kể ngày đêm: truyền dịch nuôi dưỡng, kháng sinh và chăm sóc theo dõi toàn diện.
Tiếp sau đó, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, TS Nguyễn Quốc Anh cùng Ban Giám đốc bệnh viện, Ban Chấp hành Công đoàn đã đến động viên gia đình bệnh nhi Mận và tặng quà và tiền tương đương 4 triệu đồng. TS. Nguyễn Quốc Anh cũng chia buồn trước mất mát của anh Hoàng Ngọc Tỏa – bố cháu Mận (vợ anh Tỏa đã qua đời ngay ngày hôm sau 12/9) và động viên anh cố gắng bình tĩnh phối hợp với bệnh viện để chăm sóc cho cháu Mận. Bên cạnh đó, bệnh viện còn thông qua các cơ quan thông tấn báo chí để kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp từ thiện góp phần cùng bệnh viện và gia đình nuôi sống cháu Mận. Đến nay, số tiền quyên góp cho cháu Mận đã lên đến trên 100 triệu đồng.
Sau hơn 3 tháng điều trị chăm sóc tích cực, trọng lượng của sơ sinh Hoàng Thị Mận đã đạt 3100gram, các chỉ số đánh giá sự phát triển trong giới hạn bình thường. Khoa Nhi đã cung cấp các kiến thức – kỹ năng và hướng dẫn gia đình chăm sóc nuôi dưỡng cháu.
Để đạt được sự thành công trong điều trị bệnh nhân Hoàng Thị Mận, Khoa Nhi đã áp dụng những kiến thức chuyên môn và kỹ thuật chăm sóc sơ sinh mới nhất, với đội ngũ cán bộ Bác sỹ - điều dưỡng giàu kinh nghiệm và sự tận tụy trong chăm sóc điều trị. PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết: Các kỹ thuật cao đã áp dụng trên bệnh nhân Hoàng Thị Mận gồm:
Áp dụng phương thức thở máy HFO (thở tần số cao) ở sơ sinh cực non tháng và cân nặng cực thấp nhằm đảm bảo tối ưu sự thông khí và oxy hóa máu, hạn chế tối thiểu chấn thương phổi do thở máy, duy trì sự cân bằng kiềm toan nhằm hạn chế xuất huyết não- màng não, xuất huyết phổi, và tăng áp lực động mạch phổi do tồn tại PDA (ống động mạch).
- Áp dụng nSIMV, một phương thức thở máy mới nhất được công bố trên thế giới (9/2010) được áp dụng cho sơ sinh sau cai máy thở đặt nội khí quản nhằm giảm tỷ lệ đặt lại nội khí quản và vào lại thở máy trên sơ sinh cực non tháng, là một bước chuyển tiếp để chuyển sang chế độ thở nCPAP.
- Chiến lược dinh dưỡng mới cho sơ sinh non tháng: chỉ định nuôi dưỡng sữa mẹ và sữa công thức ngay sau hồi sức, nhằm đảm bảo dinh dưỡng, giảm tỷ lệ viêm ruột-nhiễm khuẩn huyết do sự ưu việt của sữa mẹ (so với quản điểm cũ là nhịn ăn ít nhất 3 ngày, đặc biệt là bệnh nhân đang thở máy, nhiễm khuẩn huyết, rối loạn dung nạp sữa).
- Tiến hành kỹ thuật siêu âm tại giường đánh giá chức năng tim mạch và siêu âm qua thóp nhằm phát hiện sớm xuất huyết não – màng não.
- Chiến lược kiểm soát nhiễm khuẩn sơ sinh chặt chẽ: tuân thủ các biện pháp chống nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh hợp lý-an toàn-đúng chỉ định (dựa trên kháng sinh đồ), kiểm soát tốt Shock nhiễm khuẩn huyết sơ sinh (áp dụng kiến thức mới nhất về sinh lý bệnh học shock nhiễm khuẩn).