Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Khám thận tiết niệu - cần khai thác kĩ tiền sử người bệnh

Bệnh thận ngày càng được biết đến như là một mối lo ngại bởi những hậu quả nặng nề của bệnh gây ra đối với sức khoẻ con người, bởi việc điều trị tốn kém và bởi tỉ lệ người mắc bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng. Đã có những câu chuyện đau lòng về những người bán thận lấy tiền; những người lặn lội tìm mua thận và có những người suốt đời phải gắn với bệnh viện nhận sự trợ giúp của máy móc, thuốc men để duy trì sự sống. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Y học Lâm sàng có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Thị Kim Dung - Trưởng khoa Thận tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai.

PV: Thưa TS, hằng ngày khoa phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị các bệnh thận tiết niệu. Vậy thực trạng mắc căn bệnh này ở nước ta hiện nay như thế nào?

Tiến sĩ Đinh Thị Kim Dung: Tâm lí chung của mọi người thường không để ý đến bệnh tật của mình trừ khi bệnh phát và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Với bệnh thận, tính chất diễn biến tiềm tàng không rõ ràng nên mọi người càng không để tâm. Đây là bệnh chịu hậu quả của nhiều bệnh khác. Hiện nay ở nước ta chưa có nhứng thông kê sâu rộng trên phạm vi toàn quốc nhưng theo một nghiên cứu chúng tôi tiến hành trong phạm vi nhỏ thì tỉ lệ người bị suy thận mạn tính cao, gần 2000 người, trong đó những người có triệu chứng mắc thận tiết niệu chiếm 33%, bệnh lí cầu thận dao động từ 13-17%. Tỉ lệ mắc bệnh này ở nước ta cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, số người mắc bệnh lại tập trung ở người trẻ, đang trong độ tuổi lao động nên gây nhiều khó khăn cho gia đình và xã hội. Tại khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân và số bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại khoa dao động từ 140-150 trên tổng số 50 giường. Trong số những bệnh nhân nằm đây đa phần là người trẻ, người nghèo và bị suy thận mạn tính nặng.

ts_dinh_thi_kim_dung.jpg

PV: Được biết với những bệnh nhân suy thận mạn tính các chất độc không thể thải ra ngoài nên các độc tố trong máu tăng cao và họ sẽ được "chạy thận nhân tạo" do đó,  việc điều trị phải gắn với bệnh viện, máy móc. Vậy có giải pháp nào đơn giản và hạn chế đến viện được không thưa TS?

Tiến sĩ Đinh Thị Kim Dung: Hiện nay để điều trị cho những bệnh nhân bị suy thận mạn tính có ba phương pháp là ghép thận, chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Ghép thận là phương pháp ưu thế nhát nhưng kinh phí để thực hiện một ca ghép thận rất cao, hơn nữa ngân hàng thận của chúng ta chưa có nên mới chỉ thực hiện ở các trường hợp hiến, tặng thận cho nhau trong phạm vi gia đình. Còn phương pháp lọc máu bằng chạy thận nhân tạo chỉ thực hiện tại những có sở y tế có điều kiện mà những cơ sở này ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả nước có trên 70.000 cần chạy thận nhân tạo nhưng chỉ có 5.000  người được đáp ứng. Lọc màng bụng là giải pháp lọc máu tại nhà và là giải pháp tương đối phù hợp với nhiều người bệnh, giúp cho những trường hợp bị suy thận mạn tính hoàn toàn chủ động điều trị tại gia đình. Quá trình lọc máu sẽ được thực hiện bởi chính màng bụng của bệnh nhân thay vì sử dụng màng thận nhân tạo. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật đặt một Catheter tại vùng bụng. Catheter này sẽ là đường dẫn đưa dịch lọc vào ổ bụng. Sau 4 giờ trong ổ bụng, các chất độc trong máu sẽ thẩm thấu qua các mạch máu màng bụng vào dịch lọc. Khi đã hút các chất độc,  dịch lọc chứa các độc tố sẽ được thải qua ống nhỏ đã được đặt cố định. Sau khi thải hết dịch ọc bẩn qua ống dẫn, bệnh nhân sẽ tiếp tục qui trình mới: đưa dịch lọc sạch vào ổ bụng và lại thải ra sau 4 giở. Lượng dịch lọc đưa vào ổ bụng khoảng 2 lít mỗi lần và  mỗi ngày thực hiện 4 lần. Ưu điếm của phương pháp này là bệnh nhân được chủ động về thời gian, không phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt như lọc máu bằng các phương pháp khác và hạn chế phải nằm viện. 

PV: Thưa TS, những năm gần đây y học phát triển mạnh mẽ và người bệnh cũng đã được hưởng nhiều lợi ích đáng kể từ các thành tựu mà nó đem lại. Vậy chuyên ngành Thận - Tiết niệu đã đạt được những thành tựu như thế nào?

Tiến sĩ Đinh Thị Kim Dung: Trong 5 năm trở lại đây, chuyên ngành Thận - Tiết niệu có sự phát triển mạnh mẽ.  Trong chẩn đoán có sự ra đời của nhiều kĩ thuật chẩn đoán hỗ trợ (chẩn đoán đến mức tế bào học, gen). Từ sự biến đổi gen người ta tìm ra nguyên nhân, ảnh hưởng và tác động của bệnh đến các vùng trong cơ thể. Trong điều trị, sự ra đời của các thuốc tăng hồng cầu góp phần năng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các kĩ thuật điều trị thay thế cho bệnh nhân suy thận mạn tính. Riêng lọc máu có rất nhiều kĩ thuật lọc máu khác nhau có tính chuyên biệt, chọn lọc và có chỉ định cụ thể cho từng bệnh nhân (chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng liên tục nội trú, thay đổi dịch màng lọc để cho hoà hợp có tác dụng tốt cho người bệnh, máy lọc màng bụng liên tục tự động để người bệnh mang về nhà góp phần giảm giá thành cho người bệnh). Đối với các bệnh ghép thận, trước đây chỉ ghép được cho những trường hợp cùng huyết thống nhưng hiện nay có thể ghép cho cả những trường hợp không cùng huyết thống, không cùng nhóm máu. Đối với các bệnh lí sỏi thận, có tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi, ứng dụng những thành tựu vật lí dùng lase tán sỏi ít sang chấn. Phương pháp làm siêu lọc liên tục chậm sử dụng cho những bệnh nhân dùng thuốc không đáp ứng; thay huyết tương điều trị những đợt kịch phát những trường hợp mắc các bệnh hệ thống...  Như vậy, sự ra đời và phát triển của các phương pháp và kĩ thuật mới này không chỉ góp phần kéo dài sự sống mà còn giảm đáng kể giá thành và những tổn thương cho người bệnh.

PV: Diễn biến và biểu hiện lâm sàng của bệnh thận không rõ ràng, vậy trong thăm khám và chẩn đoán bệnh này, yếu tố nào là quan trọng thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Đinh Thị Kim Dung: Để đưa ra phác đồ điều trị cho một bệnh nào đó cần phải dựa trên những chẩn đoán lâm sàng chính xác. Muốn vậy, việc thăm khám và tìm hiểu tiền sử người bệnh phải được tiến hành tỉ mỉ, cẩn thận Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, các phương pháp thăm dò hiện đại nhưng với bệnh thận, việc khai thác tiền sử người bệnh một cách kĩ lưỡng là rất cần thiết. Bởi lẽ, bệnh thận là hậu quả của các bệnh khác và ngược lại người bị mắc bệnh thận sẽ dẫn đến suy giảm các chức năng gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Do đó, việc khai thác tiền sử giúp bác sĩ xác định căn nguyên gây bệnh, xác định những bộ phận và chức năng bị tổn thương do suy thận từ đó có hướng điều trị thích hợp. Hãy luôn bắt đầu từ những vấn đề đơn giản nhất từ đó tổng hợp các chi tiết, dữ kiện rồi phân tích. Đừng bỏ qua bất cứ một chi tiết nào khi thăm khám bệnh và ở mỗi bước chẩn đoán phải phân tích kĩ các triệu chứng. Tôi cho rằng những điều này luôn là cần thiết với mỗi bác sĩ.

PV: Cảm ơn Tiến sĩ về những chia sẻ cởi mở này!

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image