Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Mang thai ngoài tử cung vì dùng thuốc ngừa khẩn cấp

Nhập viện cấp cứu vì suy kiệt bởi tình trạng đau bụng, tiêu phân nước, nữ sinh viên khẳng định mình không thể có thai bởi mỗi lần quan hệ đều dùng thuốc ngừa khẩn cấp. Qua thăm khám, bác sĩ xác định cô bị thai ngoài tử cung, một dạng cấp cứu khẩn nguy.

Suýt chết vì thai ngoài tử cung

PGS.TS.BS Ngô Thị Kim Phụng, phụ trách phòng khám Sản phụ khoa, bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị thai ngoài tử cung. Bệnh nhân là L.M. (19 tuổi, sinh viên năm 2 một trường đại học) nhập viện với triệu chứng đau bụng, tiêu phân nước kéo dài, đã sử dụng thuốc trị rối loạn tiêu hóa nhưng không kết quả.

Khai thác bệnh sử từ nữ sinh viên ghi nhận, do kinh nguyệt không đều nên cô không biết mình có trễ kinh hay không. Mặt khác, cô khẳng định mình không thể có thai vì luôn uống thuốc ngừa thai khẩn cấp đầy đủ mỗi khi quan hệ với bạn tình.

Tuy nhiên, qua thăm khám và siêu âm cấp cứu tại giường, các bác sĩ phát hiện M. bị thai ngoài tử cung. May mắn, khối thai chưa vỡ và còn nhỏ nên cô được nhập viện, điều trị nội khoa.

mangthaingoaitucungvidungthuocnguakhancap.jpg

BS Nguyễn Viết Hậu thăm khám cho bệnh nhân bị thai ngoài tử cung

Cũng bị thai ngoài tử cung nhưng chị L.C. (32 tuổi) suýt mất mạng vì thai bị vỡ.

BS Nguyễn Viết Hậu, khoa Cấp cứu cho hay, bệnh nhân vào viện do bị tiểu gắt và nặng tức vùng bụng dưới, choáng váng, muốn xỉu. Qua khai thác bệnh sử, chị C. cho biết: “Tôi đang trong chu kỳ kinh nhưng lần này thấy tiểu rất khó, tiểu liên tục”. Trước đó, nghe lời một người bạn, chị đã uống thuốc tây trị nhiễm trùng tiểu nhưng bệnh ngày càng trở nặng.

Qua thăm khám nhanh tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ xác định chị C. bị thai ngoài tử cung, vỡ khối thai vào ổ bụng làm máu ứ đọng, kích thích đường tiểu, gây các triệu chứng giống nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh nhân bị tụt huyết áp, thiếu máu lên não nên có cảm giác choáng váng, muốn xỉu.

Ê kíp cấp cứu nhanh chóng truyền dịch, thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm cấp cứu tại giường bệnh. Khoảng 20 phút sau, chị phải chuyển khẩn cấp lên phòng mổ. Nhờ được can thiệp kịp thời, người bệnh mới qua được nguy kịch.

Theo BS Nguyễn Viết Hậu, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận chẩn đoán và phẫu thuật khoảng 8 - 10 trường hợp bị thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung có thể tỷ lệ từ 10 - 12 ca trên 1.000 trường hợp mang thai. Thai ngoài tử cung bị vỡ là bệnh lý cần phẫu thuật khẩn cấp của ngoại khoa và sản phụ khoa để hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng do phẫu thuật chậm trễ gây ra.

Ngừa thai không an toàn - Nguy cơ thai ngoài tử cung cao

Phân tích chuyên môn của PGS.TS.BS Ngô Thị Kim Phụng chỉ ra, thai ngoài tử cung là trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung. Hơn 95% thai đóng ở ống dẫn trứng và các vị trí như: thai đóng ở đoạn bóng, loa, eo, đoạn kẻ, loa vòi trứng hoặc ở sừng tử cung. Ngoài ra có các vị trí ít gặp hơn như thai ở vết mổ cũ, thai ở cổ tử cung, thai ở buồng trứng và thai trong ổ bụng.

mangthaingoaitucungvidungthuocnguakhancap_1.jpg

Siêu âm là một trong những phương pháp hỗ trợ có thể phát hiện thai ngoài tử cung

Trong hai tình huống cấp cứu nêu trên, người bệnh không có triệu chứng điển hình của thai ngoài tử cung. Việc xuất hiện các triệu chứng mót tiểu, tiểu gắt, rối loạn tiêu hóa do triệu chứng của thai hành, kích thước khối thai cũng như máu trong ổ bụng khi khối thai vỡ làm kích thích bàng quang, kích thích đường ruột thường gây nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa, đường tiết niệu. Biểu hiện trên cũng dễ nhầm với các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, viêm nhiễm vùng chậu… Bên cạnh sự chủ quan của người bệnh nếu bác sĩ sơ sài trong quá trình thăm khám sẽ dễ bỏ sót bệnh lý nguy hiểm này.

Cũng theo PGS Kim Phụng, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều có nguy cơ bị thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, theo những thống kê gần đây, phụ nữ trẻ chưa muốn có con, quan hệ tình dục không an toàn và ngừa thai không đúng cách bị thai ngoài tử cung cao hơn. Các yếu tố ngăn cản hay làm chậm trễ sự di chuyển của trứng từ nơi thụ tinh đến buồng tử cung đều là nguyên nhân gây bệnh.

Ngoài tình trạng viêm nhiễm phụ khoa, triệt sản, người bệnh đã điều trị vô sinh, đã trải qua phẫu thuật phụ khoa... thì việc sử dụng thuốc ngừa thai, đặc biệt là thuốc ngừa thai khẩn cấp, thuốc ngừa thai chỉ chứa progestreon, dụng cụ tử cung chứa progesteron thường khiến nguy cơ bị thai ngoài tử cung tăng cao.

Đây là bệnh lý không tránh được nhưng có thể phòng ngừa bằng việc: sử dụng biện pháp tránh thai đúng theo tư vấn của bác sĩ sản phụ khoa khi chưa muốn có con; hạn chế sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp; quan hệ tình dục an toàn, tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục; vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ; khám phụ khoa định kỳ phát hiện và điều trị sớm viêm nhiễm sinh dục; không nạo hút thai.

Khi thấy có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn triệu chứng đường tiết niệu trong lúc ra huyết, hành kinh, hay trễ kinh người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.

Nguồn Dantri.com.vn

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image