Nồng độ kháng sinh tại vị trí nhiễm khuẩn quá thấp có thể dẫn đến kém đáp ứng trên lâm sàng và phát triển các chủng vi khuẩn đề kháng thuốc, còn nồng độ quá cao làm tăng nguy cơ xuất hiện độc tính ở bệnh nhân. Tuy nhiên dữ liệu hiện có về nồng độ thuốc tại vị trí nhiễm khuẩn xương khớp còn rất hạn chế. Hơn nữa, trong số ít tài liệu được công bố, phương pháp lấy mẫu để xác định nồng độ thuốc tại vị trí nhiễm khuẩn (mô xương, màng hoạt dịch,…) có nhiều điểm hạn chế khiến kết quả có độ biến thiên lớn và thường chỉ có thể cung cấp 1 giá trị nồng độ thuốc ở mỗi bệnh nhân. Do đó đánh giá nồng độ kháng sinh tại vị trí nhiễm khuẩn theo thời gian trong điều trị nhiễm khuẩn xương khớp gặp rất nhiều khó khăn.
Tổng quan tài liệu được đăng tải trên Tạp chí Expert Opinion on Drug Metabolism & Toxicology năm 2022, đã rà soát toàn bộ dữ liệu được công bố về điều trị nhiễm khuẩn xương khớp. Từ đó, chỉ ra mối tương quan giữa nồng độ kháng sinh điều trị ở vị trí nhiễm khuẩn và giá trị nồng độ kháng sinh ức chế vi khuẩn tối thiểu (MIC) trong nhiễm khuẩn xương khớp. Các kháng sinh được đề cập bao gồm: cefazolin, cefuroxim, flucloxacillin, amoxicillin, linezolid, ciprofloxacin, moxifloxacin, levofloxacin, teicoplanin, vancomycin và clindamycin.
Một số phác đồ đã cho thấy kháng sinh có khả năng đạt đủ nồng độ điều trị tại vị trí nhiễm khuẩn, tuy nhiên số lượng nghiên cứu còn hạn chế như:
• Sau khi dùng linezolid liều 600 mg mỗi 12 giờ, giá trị AUC (diện tích dưới đường cong nồng độ) xác định được trong màng hoạt dịch đạt đích điều trị.
• Cefuroxim 1500 mg mỗi 8 giờ có thể được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn xương khớp do các căn nguyên như S. aureus, E. coli, K. pneumoniae.
• Ciprofloxacin 500 mg mỗi 12 giờ cũng có thể là lựa chọn trong điều trị nhiễm khuẩn xương khớp do E. coli, Enterobacter spp và Pseudomonas aeruginosa.
• Metronidazol hiện tại không có cơ sở lý thuyết về đích PK/PD, vì vậy chưa thể đưa ra kết luận, tuy nhiên nồng độ kháng sinh trong dịch bao khớp đạt được tương đương nồng độ trong máu.
Tổng nồng độ kháng sinh trong mô xương thấp hơn trong huyết thanh và nồng độ thuốc trong xương xốp thì cao hơn trong xương đặc. Nồng độ thuốc xác định được trong xương sau khi sử dụng đường uống thấp hơn so với nồng độ thuốc sau khi sử dụng đường tiêm. Trong một số trường hợp, thậm chí không thể xác định nồng độ thuốc trong xương sau khi sử dụng kháng sinh đường uống.
Tóm lại, trong điều trị nhiễm khuẩn xương khớp, có thể sử dụng các kháng sinh: ciprofloxacin, cefazolin, cefuroxim, flucloxacillin, vancomycin và linezolid với chế độ liều khuyến cáo. Ngoài ra, daptomycin cũng có thể phù hợp trong điều trị nhiễm khuẩn do các tác nhân vi sinh có giá trị MIC thấp. Với các kháng sinh khác, nhóm tác giả không đưa ra kết luận nào vì dữ liệu còn quá ít hoặc giá trị nồng độ tại mô đích xác định được có độ biến thiên lớn. Do đó cần biện giải các kết luận trên thật cẩn thận đặc biệt khi áp dụng vào thực hành lâm sàng.
Nguồn: Koch, B.C.P., et al. The mysteries of target site concentrations of antibiotics in bone and joint infections: what is known? A narrative review. Expert Opinion on Drug Metabolism and Toxicology 2022 1744-7607 (Electronic)]; Available from: https://www.tandfonline.com/action/showCitFormats?doi=10.1080%2F17425255.2022.2117607