Có mặt tại hội nghị tổng kết 10 năm ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) mới đây, nhìn bề ngoài nhiều người không nghĩ anh Lâm Quốc Bình, Lạng Sơn từng mang trong mình căn bệnh ác tính ung thư máu. Hiện anh hoàn toàn khỏe mạnh như bao người khác. Anh là một trong những bệnh nhân đầu tiên may mắn được ghép tế bào gốc đồng loài khi Viện bắt đầu triển khai phương pháp này.
Tháng 8/2008, anh phát hiện mắc bệnh lơ xê mi kinh - một dạng bệnh ung thư máu. Trước đó, anh bỗng dưng thấy chảy máu mắt, đi khám chuyên khoa mắt bác sĩ yêu cầu đi làm xét nghiệm máu vì mắt không đau. Máu có dấu hiệu bất thường, anh được chuyển đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (khi đó còn nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai). Nhận tờ kết quả ung thư máu ác tính, anh Bình thực sự tuyệt vọng, cơ hội chữa khỏi gần như không có.
Anh Lâm Quốc Bình sống khỏe mạnh sau 8 năm được ghép tế bào gốc
Sức khỏe xuống rất nhanh, mới đầu nhập viện anh còn đi lại bình thường nhưng sau khoảng hơn một tháng đã không thể bước. Khi đó anh nghĩ có lẽ cuộc đời mình sẽ sớm chấm dứt. Sau 3 tháng điều trị, anh Bình được các bác sĩ chỉ định ghép tế bào gốc. Với anh cũng như nhiều người khác lúc ấy, phương pháp ghép tế bào gốc là một khái niệm vô cùng mới mẻ và xa vời. Dẫu biết chỉ là tia hy vọng mong manh, anh cũng đồng ý ghép.
“Là một trong những người đầu tiên được Viện ghép tế bào gốc, biết có rủi ro nhưng mình vẫn chấp nhận. Có cơ hội sống dù chỉ là nhỏ thì với những người mắc bệnh nan y như chúng tôi đã là tốt lắm rồi. Tế bào gốc được lấy từ người anh trai ruột của mình”, anh Bình chia sẻ.
Và điều kỳ diệu đã đến, anh khỏi bệnh, hiện có cuộc sống hạnh phúc bên vợ và con. Sau ca ghép, anh Bình chỉ phải dùng thuốc thêm 6 tháng theo chỉ định của bác sĩ. 2 năm đầu sau ghép, sức đề kháng kém nên anh hay mắc bệnh vặt như ho, sốt. Hiện anh khỏe và không phải uống bất kỳ loại thuốc điều trị bệnh máu nào.
Tế bào gốc được coi là "thần dược" với nhiều người mắc các bệnh máu.
Cũng được cứu thoát cửa tử nhờ ghép tế bào gốc, cô gái 8x Nguyễn Thanh Hương (Bắc Giang) cũng không ngờ mình có thể sống khỏe mạnh. Năm 2012, cô gái được chẩn đoán bị ung thư máu. Từ đó cuộc sống của Hương dường như đóng lại, suốt ngày ra vào bệnh viện rồi kim truyền. Dù vậy, việc điều trị chỉ mang tính duy trì, kéo dài sự sống. Sau hơn một năm điều trị, bệnh chuyển biến càng xấu, nguy cơ tử vong cao bởi cô mắc thể ung thư máu nặng.
“Tôi rất buồn, không một từ nào có thể diễn tả được tâm trạng lúc đó. Một vài bạn nằm cùng khoa chán nản, tuyệt vọng, thậm chí có bạn tự tử. Có lúc tôi dặn dò bố mẹ, khi tôi mất thì mặc quần áo gì cho tôi...”, Hương kể lại.
Cơ hội duy nhất với cô gái là ghép tế bào gốc. Rất may mắn là Hương được người chị gái cho tế bào gốc phù hợp. Sau 2 năm được ghép tế bào gốc, cô gái vẫn sống khỏe mạnh, đi làm bình thường. Hương bây giờ không còn dáng vẻ gầy gò, ốm yếu, tóc rụng, người gầy đi vì truyền hóa chất.
"Nhờ được ghép tế bào gốc, tôi có thể trở về cuộc sống bình thường, được ở bên bố mẹ, anh chị em. Tôi mong rằng sẽ có nhiều bệnh nhân như tôi, những cô gái, những chàng trai với tương lai ở phía trước, những em bé không may mắn mắc bệnh máu sẽ được thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc để được hồi sinh”, Giang xúc động nói.
Ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện vào năm 1995 tại TP HCM.
Xuất phát muộn hơn nhưng trong 10 năm triển khai phương pháp ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu và cơ quan tạo máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện 204 ca ghép, đạt xấp xỉ 50% tổng số ca ghép được thực hiện trên toàn quốc.
Ban đầu Viện chỉ thực hiện 4- 6 ca ghép một năm thì nay tăng lên trung bình 50 ca. Trong số 204 ca, có 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loại. Trong đó có nhiều nhóm bệnh khó, bệnh nan y như: đa u tủy xương, u lympho ác tính, lơ xê mi cấp, suy tủy xương, đái huyết sắc tố, thalassemia…, thạc sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết. Sau 10 năm tiến hành ghép, tỷ lệ bệnh nhân còn sống đến nay tương đương 70% (ghép tự thân), 63% (ghép đồng loài). Đặc biệt, trong nhóm ghép đồng loại thuộc nhóm bệnh máu lành tính, hiệu quả ghép đạt khá cao với gần 90%.
Theo thạc sĩ Khánh, Viện đang mở rộng đối tượng chỉ định được ghép tế bào gốc. Trước đây phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân 65 tuổi với ghép tế bào máu tự thân nay là 70 tuổi, với ghép tế bào gốc đồng loài độ tuổi đã được nâng lên 55 tuổi.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng cho biết, với những bệnh máu, tế bào gốc có thể được coi là “thần dược”, giúp chữa khỏi bệnh. Tất cả nước đều tìm mọi cách khai thác, tận dụng tế bào gốc này. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là chi phí lớn. Một ca ghép tế bào gốc tự thân khoảng 200 triệu đồng trong đó quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả khoảng 50%. Ca ghép tế bào gốc đồng loài chi phí 600-800 triệu, trung bình người bệnh phải chuẩn bị số tiền khoảng 200-300 triệu đồng, còn lại bảo hiểm chi trả. Đây là số tiền lớn với nhiều người.
Tế bào gốc nói một cách đơn giản là từ đó sinh ra nhiều tế bào khác, có thể cùng giống hoặc biệt hóa hơn thành các tế bào chức năng, chẳng hạn sinh ra tế bào gốc tạo máu, tạo giác mạc, gan, tụy... Tế bào gốc đầu tiên chính là phôi khi trứng gặp tinh trùng, đây là tế bào gốc toàn năng sinh ra cả cơ thể con người. Ứng dụng tế bào gốc trong y học được coi là giải pháp cho rất nhiều bệnh nan y như ung thư, di truyền, Parkinson, suy tim... Hiện nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang sử dụng tế bào gốc có sẵn, tiêm hoặc ghép vào vi môi trường trong cơ thể để tự tăng sinh. Hiện nay trong điều trị bệnh lý huyết học và bệnh lý tế bào nguồn tạo máu, có 3 nguồn chính tế bào gốc gồm dịch tủy xương; tế bào gốc máu ngoại vi; máu dây rốn được sử dụng để ghép. Đồng thời, có hai phương pháp ghép tế bào gốc là ghép tự thân - lấy tế bào gốc từ bệnh nhân ghép cho chính họ; và ghép đồng loại, tức lấy tế bào gốc từ người hiến để ghép cho bệnh nhân, đây là cái khó nhất. Trong một số trường hợp, tế bào gốc của người bệnh cũng có thể có yếu tố bị bệnh (như các bệnh máu di truyền) vì thế thường ghép tự thân không giải quyết hết được vấn đề. Khi đó bắt buộc phải dùng tế bào gốc của người khác. |
Nguồn Suckhoe.vnexpress.net