Giữa chuyến du lịch Việt Nam, một du khách Ba Lan 69 tuổi đối mặt tử thần khi động mạch chủ ngực - bụng bị lóc tách kèm khối phình khổng lồ sắp vỡ. Với bàn tay vàng của ê-kip Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu - Bệnh viện Bạch Mai, sự phối hợp đa chuyên khoa nhịp nhàng và quy trình cấp cứu thần tốc, người bệnh không chỉ được cứu sống ngoạn mục mà còn hồi phục thần kỳ, viết tiếp hành trình khám phá Việt Nam.
Câu chuyện cứu sống bệnh nhân Ba Lan tại Bạch Mai
Trong căn phòng hồi sức sáng đèn tại Khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, nụ cười rạng rỡ và lời cảm ơn chân thành bằng tiếng Ba Lan của ông Janusz (69 tuổi) và người vợ là minh chứng cảm động nhất cho kỳ tích y khoa vừa diễn ra. Câu chuyện bắt đầu khi ông Janusz, vốn khỏe mạnh, đột ngột đau dữ dội vùng ngực lan xuống lưng rồi bụng trong chuyến du lịch Việt Nam. Sau khi được chẩn đoán "Lóc tách động mạch chủ ngực - bụng Stanford B" tại một Bệnh viện Quốc tế, ông được chuyển ngay đến Bạch Mai - hy vọng cuối cùng cho ca bệnh cực kỳ nguy kịch.
Tại đây, hàng loạt xét nghiệm chuyên sâu, đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính (CT) đã phát hiện thảm kịch kép: Không chỉ lóc tách phức tạp, ông Janusz còn mang trong bụng một "quả bom nổ chậm" - khối phình động mạch chủ bụng khổng lồ, đường kính lên tới 9cm (gấp 3 lần bình thường), đang có dấu hiệu vỡ, máu tụ sau phúc mạc. "Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Người bệnh có thể tử vong tức thì do sốc mất máu ồ ạt nếu khối phình vỡ hoàn toàn. Chỉ định phẫu thuật cấp cứu thay đoạn động mạch chủ bị tổn thương là bắt buộc để giành giật sự sống", TS.BS. Ngô Gia Khánh - Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu nhấn mạnh.
Ca mổ được tiên lượng là một thử thách sinh tử. Sự kết hợp giữa lóc tách và phình động mạch chủ kích thước quá lớn làm tăng vọt nguy cơ: Chảy máu không kiểm soát, tổn thương các mạch máu nuôi thận, ruột, suy đa tạng sau mổ, thậm chí tử vong ngay trên bàn mổ. Trước thử thách ấy, sức mạnh tổng lực của một trung tâm y tế tuyến cuối như Bạch Mai được phát huy tối đa. Một cuộc hội chẩn toàn viện khẩn cấp được triệu tập, tập hợp trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành về gây mê hồi sức, huyết học truyền máu, tim mạch, nội khoa... để vạch ra kế hoạch phẫu thuật tối ưu và chuẩn bị sẵn sàng lượng máu lớn dự trù.
Diễn biến trong phòng mổ còn căng thẳng hơn dự đoán. Ngay khi mở bụng, ê-kip phẫu thuật đối mặt với tình huống nguy hiểm: Khối phình khổng lồ đã vỡ, máu tràn vào khoang sau phúc mạc. Thời gian tính bằng giây! Với bản lĩnh và tay nghề dày dặn kinh nghiệm được đúc rút từ hàng ngàn ca mổ phức tạp, các phẫu thuật viên của Khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu đã nhanh chóng kiểm soát được điểm vỡ, kẹp clamp cầm máu tạm thời. Điều đáng nói là các phẫu thuật viên làm được điều này trong khi vẫn bảo tồn tối đa các nhánh động mạch thận và động mạch mạc treo tràng dưới - yếu tố sống còn để người bệnh không rơi vào suy đa tạng sau này.
Tiếp theo là quá trình thay thế hoàn hảo đoạn động mạch chủ - chậu bị tổn thương bằng một đoạn mạch máu nhân tạo. Từng đường khâu nối mạch máu tỉ mẩn, chính xác dưới kính vi phẫu. Để đảm bảo kiểm soát chảy máu tuyệt đối, keo sinh học tiên tiến được sử dụng tăng cường. Suốt quá trình, với sự phối hợp nhịp nhàng cùng ê-kip gây mê hồi sức, huyết áp và nhịp tim bệnh nhân luôn được duy trì ổn định, lượng máu mất được bù trừ kịp thời. "Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tiên lượng trước mọi tình huống và sự phối hợp ăn ý giữa các chuyên khoa là chìa khóa thành công", BS Khánh chia sẻ.
Sự hồi phục của ông Janusz được ví như "phép màu". Chỉ sau 1 ngày, ông đã được rút ống nội khí quản, cai máy thở. Sau 2 ngày, ông chuyển từ phòng hồi sức tích cực về buồng bệnh thường. Sớm trở lại ăn uống, đi lại nhẹ nhàng, ông không giấu nổi niềm hạnh phúc: "Tôi cảm giác như được tái sinh, được sống cuộc đời thứ hai ngay tại Việt Nam. Các bác sĩ ở đây thật tuyệt vời!". Người vợ xúc động: "Chúng tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng Bạch Mai. Sự tận tâm, chuyên môn cao và tốc độ cấp cứu đã cứu sống chồng tôi. Chăm sóc từ trước, trong đến sau mổ đều chu đáo vượt ngoài mong đợi".
Nâng tầm y tế quốc tế qua một ca bệnh điển hình
Ca bệnh của ông Janusz là một ví dụ điển hình cho bệnh lý động mạch chủ phức tạp và hiếm gặp: Sự kết hợp nguy hiểm giữa lóc tách động mạch chủ ngực bụng và phình động mạch chủ bụng khổng lồ đã vỡ. Những tổn thương này thường xuất hiện âm thầm ở người cao tuổi có các bệnh nền như tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường nhưng không được kiểm soát tốt hoặc ở người hút thuốc lá lâu năm. Diễn biến thường đột ngột, nặng nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phẫu thuật kịp thời tại các trung tâm chuyên sâu.
Thành công vang dội trong ca mổ sinh tử này không chỉ cứu sống một bệnh nhân mà còn khẳng định vị thế đẳng cấp quốc tế của Bệnh viện Bạch Mai và đặc biệt là Khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho:
1. Trình độ chuyên môn đỉnh cao: Tay nghề điêu luyện, bản lĩnh vững vàng của các phẫu thuật viên khi xử lý những tình huống "nghìn cân treo sợi".
2. Hệ thống cấp cứu, hội chẩn đa chuyên khoa đồng bộ và thần tốc: Khả năng tập hợp sức mạnh tổng lực từ các chuyên khoa liên quan trong thời gian ngắn nhất.
3. Trang thiết bị hiện đại, đáp ứng kỹ thuật cao: Từ chẩn đoán hình ảnh chính xác đến vật liệu ghép, keo sinh học tiên tiến.
4. Quy trình chăm sóc, hồi sức sau mổ tối ưu: Giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, giảm thiểu biến chứng.
5. Khả năng tiếp nhận và xử trí thành công ca bệnh khó, hiếm gặp cho bệnh nhân quốc tế.
Thành công vượt bậc trong ca cứu chữa du khách Ba Lan không chỉ là niềm tự hào của Bệnh viện Bạch Mai mà còn là "tấm danh thiếp" quý giá của y tế Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới. Nó khẳng định rằng, với tay nghề vững vàng, sự phối hợp nhịp nhàng và tận tâm cứu chữa, các bác sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện những kỳ tích, mang lại cơ hội sống thứ hai cho bệnh nhân, kể cả những ca bệnh hiểm nghèo nhất, bất kể quốc tịch nào. Khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu - Bệnh viện Bạch Mai một lần nữa đã viết nên trang sử mới về khả năng chinh phục những đỉnh cao kỹ thuật và mang lại niềm tin yêu cho người bệnh.