Có dịp trò chuyện với những bác sĩ trẻ tham gia trực Tết ở Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi thấy rằng, mỗi bác sĩ có một câu chuyện riêng, một cảm xúc riêng nhưng họ có một điểm chung là tuổi trẻ, tình yêu nghề và sự cống hiến nhiệt tình.
Tết đến là dịp mọi người trong gia đình quây quần bên nhau để chào đón năm mới, thế nhưng với những y, bác sĩ của Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Tết cũng như ngày thường.
3 năm làm việc tại Trung tâm cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Vũ Tiến Hoàng đã 2 lần trực Tết vào đêm giao thừa. Theo bác sĩ Hoàng, ngày Tết tại bệnh viện vẫn đông bệnh nhân, người vào cấp cứu 24/24, không kể thời điểm nào. Nghĩ cảnh người người, nhà nhà đón Tết, quây quần bên nhau nhưng mình lại đón Tết trong bệnh viện, xuyên đêm cấp cứu, giành giật sự sống cho những bệnh nhân nặng, bác sĩ Hoàng cũng không giấu được cảm giác chạnh lòng.
Tuy nhiên, niềm an ủi lớn của bác sĩ Hoàng là luôn có gia đình động viên. Trong khoảnh khắc pháo hoa chào đón năm mới, mỗi tiếng chuông điện thoại vang lên là những lời động viên, an ủi, giúp bác sĩ Hoàng vững tinh thần làm việc.
“Mọi người cũng động viên đi ra ngoài ngắm pháo hoa nhưng thời điểm đó nếu rảnh rỗi, mình chỉ muốn ngồi một chỗ, suy nghĩ về những việc mình đã làm trong năm vừa qua và đặt mục tiêu cho năm mới. Tuy nhiên, đó chỉ là giây phút rảnh rỗi hiếm hoi khi mình không phải chăm sóc, cấp cứu cho bệnh nhân”, bác sĩ Tiến Hoàng chia sẻ.
Nói về cảm giác khó quên trong đêm giao thừa, bác sĩ Hoàng cho biết, có nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch, dù bác sĩ đã dành hết sức để tập trung cứu chữa cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân không qua khỏi ngay trong đêm giao thừa.
Theo bác sĩ Hoàng, ở Trung tâm cấp cứu A9, việc chứng kiến một bệnh nhân nặng, không có cơ hội kéo dài sự sống có thể diễn ra hàng ngày, tuy nhiên, trong khoảnh khắc thiêng liêng mang tên “giao thừa” cảm giác ấy rất khó tả.
Bên cạnh đó, khi chứng kiến những đau buồn của người nhà bệnh nhân, dù mạnh mẽ đến đâu cũng không giấu được sự xót xa, đau lòng.
Khác với 2 năm trước, năm nay, bác sĩ Hoàng không phải trực trong đêm giao thừa nên sẽ có nhiều thời gian về quê ăn Tết cùng gia đình. Nhưng với vai trò và trọng trách của một chiến sĩ khoác áo blouse trắng, bác sĩ Hoàng vẫn mong rằng, trong tất cả những ngày trực Tết sẽ có ít bệnh nhân nhập viện, ít bệnh nhân bệnh chuyển nặng để người bệnh, người nhà bớt khổ. Bên cạnh đó, khi ra trực, các bác sĩ cũng sẽ không phải suy nghĩ quá nhiều về công việc của mình.
Với dáng người nhỏ nhắn trong bộ đồ scrubs màu xanh, bác sĩ Phạm Thu Thủy, làm việc tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã kể cho chúng tôi nghe về lịch trực Tết của mình.
Cũng giống như bác sĩ Hoàng, đi trực trong dịp Tết, bác sĩ Thủy cũng có nhiều cảm xúc, đặc biệt là trong ngày đầu tiên của năm mới. Bác sĩ Thủy tâm sự, cũng có cảm giác nhớ nhà, hướng về gia đình nhưng với trách nhiệm là một người bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ tại trung tâm cấp cứu tuyến cuối, bác sĩ Thủy luôn xác định việc trực Tết là một nghĩa vụ thiêng liêng.
Đặc thù của Trung tâm cấp cứu A9 là nơi tiếp nhận và điều trị tuyến cuối nên khối lượng công việc tại đây không hề “dễ thở”. Khối lượng công việc của ngày mùng 1 Tết đối với các bác sĩ không giảm so với ngày thường, thậm chí có đôi phần vất vả hơn vì số lượng nhân lực bị giảm xuống. Tuy nhiên, mỗi bác sĩ ở đây đều cố gắng đảm bảo an toàn sức khỏe cho bệnh nhân.
“Trong quá trình trực Tết cũng có nhiều tình huống đặc biệt khiến tôi rất xúc động. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng nặng khiến người nhà lo lắng. Khi ấy, ngoài việc nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân, chúng tôi cũng động viên bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bằng cả tấm lòng, coi người bệnh như người nhà. May mắn rằng, sau quá trình nỗ lực cấp cứu cũng có nhiều bệnh nhân ổn định hơn và có cơ hội đón thêm nhiều cái Tết tiếp theo cùng gia đình”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Bác sĩ giỏi không chỉ giỏi chuyên môn là đủ mà cần có cả sự cảm thông và lòng nhân ái.
Dù không phải là năm đầu tiên trực Tết tại trung tâm cấp cứu nhưng lịch trực Tết năm nay rất đặc biệt với bác sĩ Thủy vì đây là năm đầu tiên mà chị có một gia đình nhỏ của riêng mình.
Có chồng cũng làm bác sĩ nên Tết của hai vợ chồng chị Thủy cũng đơn giản hơn nhiều so với những gia đình bình thường. Mùng 1 Tết năm nay, bác sĩ Thủy và chồng đều trực tại bệnh viện nên cả hai vợ chồng đều hiểu và cảm thông cho nhau, cùng nhau xác định đón Tết muộn sau ngày trực Tết.
“May mắn là gia đình chồng cũng rất chia sẻ và cảm thông với mình vì trong gia đình cũng có nhiều người làm trong ngành y và cũng phải tham gia trực Tết”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Sau khi kết thúc ca trực vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bác sĩ Thủy sẽ cùng chồng về Nam Định để đón Tết cùng người thân, gia đình. Hôm đó mới là mùng 1 Tết của đôi vợ chồng trẻ cùng chung nghề.
Ở độ tuổi 29, điều dưỡng Phan Thị Ngọc Quỳnh, điều dưỡng làm việc tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai luôn tràn đầy sức khỏe, sức trẻ, sự tự tin và năng động.
Theo điều dưỡng Quỳnh, sau 5 năm làm việc và trực Tết tại bệnh viện, giờ đây, việc trực Tết không còn là câu chuyện hy sinh, cống hiến hay gác lại niềm vui riêng nữa mà nó đã trở nên bình thường, đúng bản chất của nghề y.
Dù công việc vất vả, cường độ làm việc cao nhưng đối với cô điều dưỡng trẻ, mọi việc dường như dễ dàng hơn nhiều khi có tình yêu nghề. Tâm sự với chúng tôi, điều dưỡng Quỳnh cho biết, có hôm vắng bệnh nhân thì điều dưỡng và bác sĩ có thể ngồi nghỉ. Nhưng có những đêm vất vả, chị sẽ phải thức trắng đêm, hỗ trợ bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân. Thời gian nghỉ ngơi đã khó, việc ăn uống đúng giờ lại càng khó hơn với điều dưỡng Quỳnh.
Mỗi đêm giao thừa hằng năm, Ban Giám đốc bệnh viện cùng các trưởng khoa sẽ tới chúc Tết các bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân và lì xì năm mới cho mọi người. Khoảnh khắc mọi người cùng nhau đếm ngược tới giây phút giao thừa khiến trung tâm cấp cứu trở thành gia đình thứ 2 của mỗi người, tràn đầy không khí ấm áp và hạnh phúc.
Nhân dịp năm mới, chắc chắn ai cũng mong muốn có một khởi đầu tốt đẹp, thuận lợi và may mắn. Còn mong muốn của bác sĩ Hoàng, bác sĩ Thủy, điều dưỡng Quỳnh chỉ đơn giản là mỗi người luôn khỏe mạnh, không phải vào viện nhiều và những bệnh nhân sẽ nhanh chóng khỏe mạnh để trở về với gia đình.